Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 02 với những nội dung nhằm tạo sự chuyển biến về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất lao động. Một trong những nội dung của Nghị quyết này là việc đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo đó, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Thành phố cần chỉ đạo yêu cầu 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, công ty cấp, thoát nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, ưu tiên các giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ. Nội dung này yêu cầu hoàn thành trước tháng 12/2019.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cần chỉ đạo các công ty điện lực phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu tiền điện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, khuyến khích người sử dụng điện thanh toán bằng giải pháp điện tử, di động. Mục tiêu trong năm 2019 tăng gấp đôi số người sủ dụng điện thanh toán bằng hình thức thanh toán điện tử.
Liên quan đến hoạt động của ví điện tử, Chính phủ yêu cầu trước quý III/2019 Ngân hàng Nhà nước phải báo cáo phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng. Xác định hạn mức số tiền nạp ví điện tử và giá trị giao dịch hằng tháng. Yêu cầu các ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán áp dụng tiêu chuẩn cơ sở QR Code.
Ngân hàng Nhà nước cũng cần phối hợp với Bộ Tài chính liệt kê và công khai chi tiết danh mục các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng, nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi quy định nhằm khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt với các giao dịch về bất động sản.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới vào tháng 7/2018, Việt Nam là quốc gia có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực khi chỉ đạt 4,9%, trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là 26,1%, còn Thái Lan là 59,7%.
Việc nộp thuế điện tử được triển khai từ năm 2014 với 95% doanh nghiệp đã đăng ký, thu thực tế từ kênh này cũng tăng từ 55% lên 70% tiền nộp vào ngân sách. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn có tâm lý thích nộp trực tiếp hơn là qua tài khoản và tới hạn cuối mới đi nộp.
Tương tự, với thu tiền điện, chủ trương có từ lâu nhưng theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực, mới chỉ có trên 4,5 triệu khách hàng thanh toán qua ngân hàng và các tổ chức trung gian, chiếm chưa tới 60% số khách hàng sử dụng điện.
Riêng với những khu vực như nông thôn, vùng sâu vùng xa, đại bộ phận người dân chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ và tiện ích thanh toán hiện đại.