Giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ chủ chốt

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Năm 2023, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ tăng cường giám sát thực hiện kiến nghị của cử tri và nhân dân; việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.

Sáng 28/12, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ chủ chốt ảnh 1

Theo ông Lê Tiến Châu - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, năm 2023 sẽ giám sát việc rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên.

Tại hội nghị, ông Lê Tiến Châu - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lưu ý các đơn vị cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội theo hướng chủ động, từ sớm, từ cơ sở, dân chủ, khách quan, mang tính xây dựng. Việc giám sát, phản biện cần có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng giám sát theo chuyên đề, tập trung vào những chủ trương, chính sách lớn, trọng yếu, ưu tiên những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bức xúc.

Trong năm 2023, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần tăng cường giám sát thực hiện kiến nghị của cử tri và nhân dân; việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; công khai, minh bạch kết quả giám sát, phản biện xã hội theo quy định.

Khẳng định công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có vị trí, vai trò quan trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc kiểm soát, giám sát quyền lực của Nhà nước, ông Đỗ Văn Chiến - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu rõ, đây chính là việc làm thiết thực để thực hiện phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Theo ông Chiến, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là một trong những giải pháp góp phần xây dựng các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước trong sạch, vững mạnh; góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, cao hơn nữa củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tuy nhiên, ông Chiến lưu ý, việc giám sát, phản biện phải mang tính xây dựng cao, không gây khó khăn đến hoạt động bình thường của các cơ quan Nhà nước. Tiếng nói giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phải hướng đến sứ mệnh cao cả là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. “Những người làm nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội ngoài trí tuệ phải có nhiệt huyết, bản lĩnh và tinh thần dấn thân vì cộng đồng”, ông Chiến nêu rõ.

MỚI - NÓNG