Giám sát cán bộ tiệc tùng lãng phí

TP - Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 55 về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, trong đó yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng ăn uống xa hoa, lãng phí được dư luận ủng hộ. Nhiều người đề nghị cần giám sát có hiệu quả để ngăn chặn và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Lãng phí tiền bạc, thời gian vì tiệc tùng

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Vũ Quốc Hùng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đánh giá cao việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 55 để cụ thể hóa Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII. “Những hành vi ấy, nếu như tất cả cán bộ, công chức, trước tiên là cán bộ lãnh đạo chủ chốt mà làm gương được thì cũng đã có sức thuyết phục lớn đối với xã hội. Đây cũng là căn cứ để  nhân dân phát hiện bởi vì cái kim trong bọc lâu ngày cũng lộ ra. Tôi mong sau khi có Chỉ thị này thì không có đồng chí đảng viên, lãnh đạo nào bị đưa lên trên mạng vì làm trái quy định của Bộ Chính trị”, ông Hùng nói.

Giám sát cán bộ tiệc tùng lãng phí ảnh 1

Việc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An mở tiệc giao lưu chúc mừng vị tân Phó giám đốc đã gây xôn xao dư luận.

Ông Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên viện trưởng Viện lịch sử Đảng cũng cho rằng, Quy định của Bộ Chính trị nói rõ về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên cho thấy những hành vi trên đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng. Trước đó, trong thời kỳ đầu đổi mới của Đại hội VI, trước bối cảnh bộ máy có không ít cán bộ có biểu hiện tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã có nhiều bài viết đầy tính chiến đấu, chống tiêu cực ở chuyên mục “Những việc cần làm ngay” với bút danh “N.V.L” đăng trên báo Nhân Dân. Đây là những vấn đề, những vụ việc bức xúc được Tổng Bí thư nêu ra trong xã hội cần phải giải quyết ngay.

Thực tế theo ông Phúc, gần đây dư luận xã hội cũng đã nhiều lần phản ánh về tình trạng tiệc tùng, chè chén, xa hoa, lãng phí, nhất là trong các dịp lễ, tết, cưới, hỏi, đề bạt, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm, luân chuyển, thuyên chuyển công tác cũng đã diễn ra ở một số nơi. Chưa nói đến việc tặng quà, hối lộ, biếu xén thì riêng việc làm trên cũng gây phản cảm, làm dư luận bức xúc. Bởi cán bộ, đảng viên thì trước hết phải gương mẫu, đi đầu trong việc cần kiệm liêm chính, tận tuỵ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp. Thế nhưng, khi được bổ nhiệm thay vì chăm chú lao đầu vào công việc thì lại tổ chức tiệc tùng ăn mừng.

“Người dân hoàn toàn có thể đặt câu hỏi tiền ở đâu mà cán bộ ăn mừng? Đó là tiền thuế của nhân dân chứ còn tiền ở đâu. Hơn nữa, cái nguy hiểm là nó tạo ra một tiền lệ, là cứ được bổ nhiệm thăng quan tiến chức là ăn mừng. Rồi các nơi, các đơn vị cũng phải bỏ thời gian, tiền bạc về để chúc mừng, rất tốn thời gian và lãng phí. Do đó, việc Bộ Chính trị ban hành quy định trên là hết sức cần thiết, nhằm ngăn chặn kịp thời những tiền lệ xấu”, ông Phúc nhấn mạnh.

Giám sát để xử lý làm gương

Về quy định của Bộ Chính trị: “Khi có đoàn công tác đến, địa phương, cơ quan, đơn vị, cơ sở phải thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về chế độ lễ tân, chế độ công tác; không tổ chức đoàn xe đưa đón, khẩu hiệu, trải thảm, tặng quà và tổ chức ăn uống lãng phí”, ông Hùng cho là hết sức cần thiết. Theo ông Hùng, khi còn đương chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra T.Ư thì cũng có xử lý những trường hợp này. “Người ta tố cáo thì phải xử lý”, ông Hùng nói. Chia sẻ thêm về thời kỳ này, ông Hùng cho rằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Xuân Lý khi đi công tác đều thống nhất là không nên đón đưa linh đình. Cả cơ quan đều thực hiện như thế. Ăn uống, lễ nghi, sinh nhật không làm những chuyện to tát. Ủy ban kiểm tra T.Ư cũng là đơn vị thảo luận, tham mưu soạn thảo 19 điều không được làm của Đảng viên và cũng có bóng dáng của Quy định này. Chỉ do thực hiện không nghiêm nên bây giờ phải đưa ra quy định.

“Thời đó, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Xuân Lý đi đâu cũng không cần phải đón đưa. Nhưng có những đồng chí được đón ngay tại ranh giới tỉnh, thành phố. Đón đưa linh đình, thịnh soạn lắm. Rồi có những đồng chí để người ta phải trưng khẩu hiệu là nhiệt liệt chào mừng. Chúng tôi thấy những chuyện đó đều góp ý kiến cả. Bây giờ thành quy định là rất tốt”, ông Hùng nói. Theo ông Hùng, những quy định trong Chỉ thị 55 là thể hiện hành vi sống của các đảng viên nói chung và những người lãnh đạo nói riêng.

Cũng theo ông Hùng, trong việc này trước đây đã kiểm tra gắt gao lắm, nhưng khi giám sát thì phải bình tĩnh, thận trọng. “Người dân giám sát thì bình tĩnh, thận trọng để không đưa nhầm. Nhưng mà người bị người dân nhắc nhở cũng phải bình tĩnh, lắng nghe, có sai thì phải sửa ngay. Không sai thì thanh minh”, ông Hùng nêu quan điểm. Theo ông Hùng, đây cũng là việc học tập, đưa tinh thần học tập tư tưởng đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh vào cuộc sống. “Tôi rất hoan nghênh. Mong tất cả Đảng viên coi đó là việc cần làm, thực hiện cho tốt”, ông Hùng nhấn mạnh.

Để quy định mang lại hiệu quả cao, theo ông Vũ Quốc Hùng, cơ quan chức năng như Ủy ban kiểm tra các cấp, Thanh tra rồi nhân dân, báo chí phối hợp cùng giám sát. “Như báo chí thì có thể báo cáo lên Văn phòng T.Ư Đảng, hoặc đưa lên mặt báo nếu cần thiết. Nhưng cũng cần phải bình tĩnh, tránh tình trạng gây oan sai”, ông Hùng nói. 

MỚI - NÓNG