Giám đốc Sở Y tế TPHCM lý giải nguyên nhân tăng số ca nhiễm COVID-19 mới

0:00 / 0:00
0:00
Giám đốc Sở Y tế TPHCM lý giải nguyên nhân tăng số ca nhiễm COVID-19 mới
TPO - Theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, nguyên nhân chính làm tăng số ca mắc COVID-19 ở TPHCM trong thời gian gần đây chủ yếu là người lao động quay lại làm việc và lây lan trong khu nhà trọ.

Chiều 18/11, làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đoàn công tác của Chính phủ, PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết TPHCM đang điều trị cho khoảng 68.000 ca mắc COVID-19, trong đó tầng 2, tầng 3 đang chữa trị cho 12.634 người.

Ông Tăng Chí Thượng cho biết TPHCM đã thiết lập 264 trạm y tế lưu động và đặt chỉ tiêu phấn đấu mỗi trạm chăm sóc tốt nhất cho 50 - 100 F0 tại nhà. Thành phố cũng đã cung cấp hơn 292.000 túi thuốc cho các trung tâm y tế quận, huyện để cấp cho các F0.

Theo lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, trong tổng số F0 mắc mới, số ca cần thở ôxy chiếm 3,5%, thở máy xâm lấn chiếm tỷ lệ 0,4%.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý ngành y tế TPHCM cần tăng cường xét nghiệm điều tra dịch tễ cộng đồng ở những nơi nguy cơ cao như các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, trong đó lưu ý sự xuất hiện các biến thể mới của SARS-CoV-2…

TPHCM đang hoàn thiện kịch bản thu dung, điều trị trong tình huống không có lực lượng chi viện, duy trì, bổ sung các trạm y tế lưu động ở các quận, huyện có số ca mắc mới cao, huy động lực lượng y tế tư nhân; hình thành các cụm điều trị phân bố theo địa bàn quận, huyện.

Bên cạnh đó, thành phố duy trì các bệnh viện dã chiến quận, huyện, kích hoạt mạng lưới “thầy thuốc đồng hành” và tổ chức tiêm vét vắc xin tại nhà cho người cao tuổi, người có yếu tố nguy cơ…

Tính đến ngày 16/11, TPHCM đã tiêm gần 13,9 triệu liều vắc xin, trong đó 7,87 triệu người tiêm mũi 1 và 6 triệu người tiêm mũi 2. Thành phố cũng đã thực hiện 668.000 mũi tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi.

Về khôi phục kinh tế, theo ông Tăng Chí Thượng, thành phố đã cho phép 175/234 chợ truyền thống hoạt động trở lại nhằm đảm bảo cung ứng hàng hoá nhu yếu phẩm phục vụ người dân. TPHCM cũng đã chi trên 12 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho gần 6,2 triệu người gặp khó khăn do dịch bệnh…

1.355 doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp (chiếm khoảng 96%) với trên 230.000 công nhân (tương đương 80%) đã kết thúc thực hiện phương án “3 tại chỗ”, thay thế bằng phương thức sản xuất an toàn, có nhiều tín hiệu phục hồi tích cực.

Lý giải về số ca mắc COVID-19 tăng trong thời gian qua, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do người lao động quay lại làm việc và lây lan trong khu nhà trọ.

Từ ngày 1/10 đến 16/11, ngành y tế đã lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho 896.165 người, phát hiện 52.915 ca mắc COVID-19 (F0), đồng thời xét nghiệm PCR cho 416.201 người và phát hiện 62.784 F0.

“Sở Y tế thành lập các đội đặc nhiệm để khoanh chặt, không để các ổ dịch mới lan rộng”, ông Thượng nói và kiến nghị Bộ Y tế bổ sung cho TPHCM thuốc molnupiravir đáp ứng nhu cầu điều trị F0 tại nhà, cho phép rút ngắn thời gian cách ly điều trị đối với F0 không triệu chứng, đã tiêm đủ vắc xin và có kết quả âm tính vào ngày thứ 7…

Đặc biệt, Sở Y tế TPHCM đề nghị tiếp tục duy trì và bổ sung các trạm y tế lưu động do lực lượng quân y phụ trách…

Theo Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt, TPHCM cần tiếp tục đánh giá, nhận định, phân tích tình hình đặt ra khi thực hiện thích ứng an toàn trong thời gian tới.

Ông đề nghị lãnh đạo TPHCM tăng cường năng lực giám sát, điều trị của các trạm y tế lưu động, tổ y tế cộng đồng, huy động y tế tư nhân tham gia, tăng cường kiểm tra việc tuân thủ các quy định phòng, chống dịch của doanh nghiệp, việc thực hiện 5K của người dân…

MỚI - NÓNG