Giám đốc, kế toán, thủ kho “uống” gần một triệu lít xăng, dầu
Trong thời gian đương chức, các đối tượng trên đã chiếm đoạt hơn 13 tỷ đồng. Ngoài ra, bộ sậu này còn lợi dụng danh nghĩa Công ty cổ phần dầu khí Mekong (PV Oil Mekong) pha chế xăng A92 với dung môi tạo thành xăng A83 bán hưởng chênh lệch gần 100 triệu. Toàn bộ số tiền tham ô được các đối tượng lập hợp đồng khống mua bán xăng dầu.
Khi kế toán trưởng ra “chiêu”
Ngày 6-6-2013, thượng tá Nguyễn Văn Luyện - Trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Kiên Giang - cho biết đang hoàn tất hồ sơ đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp truy tố Nguyễn Tuấn Kiệt (SN 1973, ngụ P.An Hòa, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, nguyên giám đốc PV Oil Mekong chi nhánh Kiên Giang); Nguyễn Đức Minh (SN 1980, ngụ P.An Thới, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ, nguyên kế toán trưởng), Đỗ Trung Trực (SN 1978, ngụ ấp Minh Phong, xã Bình An, huyện Châu Thành, Kiên Giang, nguyên thủ kho) về các hành vi tham ô và sử dụng trái phép tài sản.
Trước đó, ngày 9-6-2003 PV Oil Mekong chi nhánh Kiên Giang được thành lập tại khu công nghiệp Tắc Cậu (ấp Minh Phong, xã Bình An, huyện Châu Thành, Kiên Giang), ngành nghề chế biến - kinh doanh sản phẩm dầu khí và các hoạt động dịch vụ kỹ thuật dầu khí theo ủy quyền của PV Oil Mekong đồng thời trực thuộc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam với vốn nhà nước chiếm 87,13%. Trong thời gian quản lý, điều hành hoạt động của công ty, ba đối tượng trên đã vi phạm quy chế quản lý tài chính và quản lý xăng dầu, chiếm đoạt số tiền lớn... Năm 2008, phát hiện số quỹ thâm hụt đến bốn tỷ đồng, sợ bị lãnh đạo phát hiện, Minh đã hợp thức hóa chứng từ công nợ bằng cách làm khống thư xác nhận nợ cho Xí nghiệp kinh doanh xăng dầu An Bình với tổng số tiền 4,2 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang xác định năm 2008, PV Oil Mekong có mua bán xăng dầu với xí nghiệp này. Để tiện cho việc thanh toán, Minh mở tài khoản cá nhân tại Ngân hàng ngoại thương chi nhánh Kiên Giang. Tháng 5-2008, tài khoản của Minh có đến bảy tỷ đồng, Minh chuyển tiền mua xăng dầu cho Xí nghiệp An Bình 5 tỷ, còn lại 2 tỷ không giải thích được. Ngoài ra, theo bản đối chiếu công nợ từ ngày 12-10 đến 31-12-2009 giữa PV Oil Mekong và Công ty Đông Nam phát hiện Minh chiếm đoạt số tiền phí lưu kho hơn 150 triệu. Với thủ đoạn trên, Minh đã chiếm đoạt tổng cộng 9,2 tỷ đồng.
Đủ kiểu tư túi
Trong lúc kế toán trưởng dùng mọi thủ đoạn chiếm đoạt tiền tỷ của công ty thì thủ kho Đỗ Trung Trực cũng chẳng kém gì. Từ năm 2003 đến tháng 6-2010, Trực có nhiệm vụ cập nhật số liệu hàng ngày, lập thẻ kho, kiểm kê, quản lý hàng tồn và thực hiện quy trình quản lý hàng hóa... Qua đối chiếu công nợ từ năm 2009 đến tháng 6-2010, lượng hàng do PV Oil Mekong chuyển xuống cho chi nhánh Kiên Giang xuất bán nộp về công ty (đã tính cả hàng tồn) chỉ có 1.604.761 lít, thiếu so với con số được công ty cấp ban đầu 252.302 lít, trị giá gần 3,583 tỷ đồng.
Thủ kho Trực đã dùng nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt lượng xăng dầu lớn của công ty. Chẳng hạn như quá trình mua bán với Xí nghiệp An Bình, từ tháng 2 đến tháng 8-2009 chi nhánh lập hai hóa đơn giá trị gia tăng bán 112.075 lít xăng A92 trị giá hơn 1,578 tỷ đồng cho xí nghiệp. Chưa dừng lại ở đó, khi bàn giao việc cho thủ kho mới, công ty phát hiện lượng xăng dầu trong kho thiếu so với sổ sách gần 138.267 lít (đã trừ tỷ lệ hao hụt cho phép), trị giá trên 1,983 tỷ. Do quản lý vô nguyên tắc, tháng 2-2010 Trực kiểm tra, đối chiếu sổ sách với thẻ kho thì phát hiện lượng xăng A92 dư đến 50.000 lít. Theo quy định, lẽ ra phải báo cáo việc này cho công ty nhưng Trực đã bàn với Minh bán số xăng trên không có hóa đơn chứng từ cho Doanh nghiệp Nam Thành lấy tiền bù vào lượng xăng dầu thiếu hụt. Được 827 triệu đồng, Minh lấy 789 triệu nộp vào quỹ, số còn lại chuyển vào tài khoản cá nhân cho Trực.
Giám đốc Nguyễn Tuấn Kiệt đã chỉ đạo kế toán trưởng Nguyễn Đức Minh lấy tiền (từ nguồn thu bán xăng dầu khách hàng đã nộp, chi nhánh ra phiếu thu và xuất kho cho khách nhưng chưa lên hóa đơn) gởi vào Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Châu Thành (Kiên Giang) lấy lãi chia nhau. Để khỏi lộ, Kiệt chỉ đạo kéo dài thời gian xuất hóa đơn cho khách, không lên doanh số báo cáo về PV Oil Mekong. Tiền gởi tiết kiệm tại ngân hàng, Kiệt để Minh đứng tên. Tính từ 24-8-2005 đến 30-4-2011, tổng số tiền Kiệt chỉ đạo cấp dưới gởi tiết kiệm tại ngân hàng trên gần 393 tỷ đồng. Số lãi có được (gần 370 triệu), Kiệt tự chia cho mình 50%, hai thuộc cấp còn lại Minh 30%, Trực 20%.
Kết quả điều tra còn phát hiện Kiệt đã cùng Minh, Trực pha chế xăng A92 với dung môi tạo thành xăng A83 bán cho khách, hưởng chênh lệch (gần 100 triệu đồng) chia nhau theo tỷ lệ Kiệt 50%, Minh và Trực mỗi người 25%.
Đến nay, Nguyễn Đức Minh mới khắc phục hậu quả 750,5 triệu đồng (còn hơn 8,67 tỷ), Đỗ Trung Trực được hơn 2,3 tỷ (còn gần 1,37 tỷ). Vụ việc xảy ra thời gian dài nhưng PV Oil Mekong thiếu kiểm tra, nhắc nhở; khi phát hiện số tiền bị chiếm đoạt tương đối lớn, công ty mới đề nghị các đối tượng khắc phục và chỉ đến khi không nhận được sự hợp tác, PV Oil Mekong mới nhờ Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang can thiệp.
Theo Đào Văn
Công An TPHCM