“Không nhận bất cứ đồng hoa hồng nào”
Theo báo cáo của CDC Nam Định, trong năm 2021, đơn vị này đã mua của công ty Việt Á với 4 hợp đồng đều là sinh phẩm y tế (gồm kit xét nghiệm phát hiện COVID-19, tách chiết tay và tách chiết tự động) với tổng giá trị là trên 53,4 tỷ đồng và đều mua theo hình thức chỉ định thầu rút gọn.
Cụ thể, ngày 19/2, công ty Việt Á bán cho CDC Nam Định 12.960 test kit xét nghiệm (với giá 509.250 đồng/test, trị giá gần 6,6 tỷ đồng) và 11/800 test tách chiết tay (với giá 42.000 đồng/test, trị giá 495,6 triệu đồng). Tổng trị giá hợp đồng là hơn 7 tỷ đồng.
Ngày 1/6, CDC Nam Định mua của công ty Việt Á 13.536 test kit xét nghiệm (với giá 509.250 đồng/test, trị giá hơn 6,89 tỷ đồng) và 13.200 test tách chiết tay (với giá 42.000 đồng/test, trị giá hơn 516 triệu đồng). Tổng giá trị hợp đồng là hơn 7,4 tỷ đồng.
Danh mục mua sắm của CDC Nam Định đối với công ty Việt Á. Ảnh: Hoàng Long |
Tiếp đó, ngày 31/8, CDC Nam Định mua của công ty Việt Á 17.760 test kit xét nghiệm (với giá 367.500 đồng/test, trị giá trên 6,5 tỷ đồng), 14.200 test tách chiết tay (với giá 42.000 đồng/test, trí giá hơn 596 triệu đồng) và 6.816 test tách chiết tự động (với giá 136.500 đồng/test, trị giá hơn 930 triệu đồng) . Tổng trị giá hợp đồng là hơn 8,05 tỷ đồng.
Hợp đồng cuối cùng của CDC Nam Định với công ty Việt Á ký ngày 12/11 lên tới 30,85 tỷ đồng gồm mua 67.584 bộ kit xét nghiệm (với giá 367.500 đồng/test, trị giá trên 24.83 tỷ đồng) và mua 44.064 test tách chiết tự động (với giá 136.500 đồng/test, trị giá hơn 6 tỷ đồng).
Làm việc với Tiền Phong, ông Đỗ Đức Lưu - Giám đốc CDC Nam Định, khẳng định: “Từ đầu năm 2021, dịch COVID-19 mới bùng phát mạnh tại Nam Định dẫn đến phải mua sắm nhiều. Tuy nhiên, tôi khẳng định không ăn bất cứ đồng hoa hồng nào trong cả 4 vụ mua sinh phẩm của công ty Việt Á. Toàn bộ quá trình mua hàng trong 4 hợp đồng trên của Việt Á đều được thực hiện đủ 13 bước quy trình của đấu thầu theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, được Sở Tài chính Nam Định và các cơ quan chức năng thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt rồi mới ký hợp đồng mua”.
Lý giải về việc trong cả 4 hợp đồng, CDC Nam Định đều mua cùng 1 loại kit xét nghiệm là bộ kít gồm 96 test nhưng ở 2 hợp đồng đầu tiên, CDC Nam Định đã mua kit xét nghiệm của công ty Việt Á với giá 509.250 đồng/test, cao hơn so với một số đơn vị mua ở cùng thời điểm này, trong đó có cả CDC Hải Dương với giá mua chỉ 470.000 đồng/test, ông Lưu cho biết: “Trong quá trình thương thảo, chúng tôi đã đề xuất Việt Á hạ giá bán cho Nam Định. Phía Việt Á đã gửi công văn cho biết giá 470.000 đồng/test chỉ áp dụng cho các đơn vị mua hàng với số lượng lớn (từ 200.000 test trở lên), nếu mua ít phải mua với giá 509.250 đồng. Tham khảo các đơn vị đã mua khác thấy đúng như vậy nên chúng tôi mới mua. Ở 2 hợp đồng sau, Việt Á hạ giá đồng loạt xuống 367.500 đồng/test”.
Việc mua sắm của CDC Nam Định được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt. Ảnh: Hoàng Long |
Ông Lưu cũng cho biết, trong 4 hợp đồng với công ty Việt Á, phía Nam Định đã thanh toán 3 hợp đồng đầu có tổng trị giá trên 22,5 tỷ đồng.
“Hiện chúng tôi còn chưa thanh toán hợp đồng cuối trị giá hơn 30,85 tỷ đồng. Hàng đã nhận, sử dụng rồi nên không thể trả lại, nhưng bây giờ Việt Á xảy ra chuyện, chúng tôi cũng chưa biết trả tiền cho họ theo cách nào”, Giám đốc CDC Nam Định thông tin thêm.
Thanh tra toàn bộ việc đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư thiết bị y tế phục vụ chống dịch COVID-19 tại Nam Định
Liên quan đến thẩm định giá mua sinh phẩm y tế của công ty Việt Á, ông Đoàn Văn Ước - Trưởng phòng Giá của Sở Tài chính tỉnh Nam Định, cho biết: “Quá trình thẩm định giá, chúng tôi căn cứ trên hướng dẫn, khung giá, đặc biệt là danh sách sinh phẩm được phép sử dụng của Bộ Y tế và tham khảo giá mua của các đơn vị tỉnh thành, bệnh viện toàn quốc. Làm gì có chuyện hoa hồng nào ở đây?”, ông Ước nói.
Về việc tại sao không chọn kit của một đơn vị khác có giá rẻ hơn, ông Ước cho biết: "Lúc đó sản phẩm kit xét nghiệm của công ty Việt Á dẫn đầu trong danh sách của Bộ Y tế, chúng tôi tin bộ và thấy nhiều đơn vị đã sử dụng đánh giá hiệu quả, dịch tại Nam Định thì đang bùng phát mạnh, làm sao có thời gian để thẩm định chất lượng của tất cả các loại kit khác".
Chiều 23/12, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Anh Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định, cho biết: “Trong cuộc họp ngày 21/12, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nam Định đã chỉ đạo kiểm tra vấn đề liên quan đến mua sắm trang thiết bị, vật tư phục vụ phòng chống dịch. Trong đó, làm rõ vấn đề về mua bán sinh phẩm, thiết bị y tế liên quan đến công ty Việt Á”.
Thực hiện chỉ đạo trên của Thường vụ Tỉnh uỷ Nam Định, UBND tỉnh Nam Định vừa ban hành văn bản, thông báo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị về việc yêu cầu Sở Y tế Nam Định rà soát lại kế hoạch mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch, đảm bảo minh bách, công khai trong đấu thầu, mua sắm.
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo thanh tra việc đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế phòng chống dịch. Ảnh: Hoàng Long |
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo Thanh tra tỉnh Nam Định phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành thanh tra về công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch COVID-19 tại tỉnh này.
Kết quả thanh tra phải báo cáo UBND tỉnh Nam Định trước ngày 1/2/2022.