Giải trình giá cổ phiếu tăng trần, giảm sàn 5 phiên liên tiếp: Nặng thủ tục hành chính, tốn kém

0:00 / 0:00
0:00
TP - Từ tháng 5/2022 đến nay, theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), doanh nghiệp (DN) có cổ phiếu tăng trần, giảm sàn 5 phiên liên tục phải công bố thông tin liên quan đến biến động giá. Vừa qua, tần suất giải trình của DN tăng, thế nhưng nội dung các văn bản giải trình vô bổ.

Hai tháng qua, khi thị trường biến động mạnh, liên tiếp DN phải đăng đàn giải trình. Đáng chú ý, với chuỗi 17 phiên giảm sàn kéo dài trong tháng 11, Novaland 3 lần phải giải trình. Cả 3 bản giải trình đều chung lý do yếu tố tâm lý trên thị trường chứng khoán và bị tác động bởi nhiều điều kiện kinh tế vĩ mô. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến trong văn bản giải trình của hàng loạt DN.

Giải trình giá cổ phiếu tăng trần, giảm sàn 5 phiên liên tiếp: Nặng thủ tục hành chính, tốn kém ảnh 1

Nhà đầu tư, chuyên gia đánh giá, giải trình của DN không có hàm lượng thông tin cao (Ảnh: Như Ý).

Số ít DN như CTCP Cà phê Thắng Lợi (CFV) lên tiếng “kêu cứu” trong văn bản giải trình, vì cổ phiếu tăng trần 23 phiên liên tục. Sự việc tại CFV khá hi hữu. CFV nêu trong giải trình: “Việc cổ phiếu công ty liên tục tăng trần và khối lượng như vậy là rất bất thường, tất cả các phiên tăng trần chỉ có một lệnh đặt mua và bán giá trần trong phiên. Công ty nghi ngờ có một số cá nhân lợi dụng lỗ hổng của thị trường chứng khoán tác động đến giá cổ phiếu công ty vì động cơ cá nhân”. CFV đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra việc cổ phiếu này tăng trần bất thường.

Yêu cầu DN giải trình là một trong những giải pháp mà Bộ Tài chính, UBCKNN đưa ra với mục tiêu ổn định thị trường, tăng cường giám sát, đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch. Dù vậy, theo nhiều nhà đầu tư, chuyên gia, yêu cầu này đang nặng về thủ tục hành chính, tốn kém thời gian, chưa rõ hiệu quả.

“Thay vì yêu cầu DN giải trình, cơ quan quản lý nên làm rõ tại sao giá cổ phiếu tăng, tài khoản nào giao dịch, khối lượng mua bao nhiêu, có tuân thủ đúng pháp luật hay không. Đừng để đến khi lãnh đạo DN lĩnh án lúc ấy mới lộ ra lãnh đạo làm giá”, một nhà đầu tư chia sẻ.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (Vafi) cho rằng, yêu cầu DN giải trình biến động cổ phiếu vẫn cần duy trì, nhưng UBCKNN nên có quy định chặt chẽ hơn. “Yêu cầu giải trình sẽ hiệu quả hơn nếu có tiêu chí rõ ràng. Biến động 5 phiên chưa nói lên được điều gì, nếu như đặt trong bối cảnh thị trường chung lao dốc như vừa qua. Theo luật, DN phải chịu trách nhiệm với thông tin mình công bố. UBCKNN có nhiệm vụ giám sát”, ông Hải nhận định.

TS Lê Đạt Chí, Phó khoa Tài chính (ĐH Kinh tế TPHCM) cho rằng, cổ phiếu tăng trần/ giảm sàn 5 phiên liên tiếp là chuyện của người mua, người bán, cung cầu của thị trường, DN không thể nắm được để giải trình.

Cũng theo chuyên gia, UBCKNN đưa ra yêu cầu với DN, thì nên có quy định rõ ràng đi kèm, về giải trình đạt yêu cầu phải có những tiêu chí nào.

Thông tin từ UBCKNN, qua nắm bắt thông tin từ 2 sở giao dịch, thời gian qua đã có 39 DN trên HoSE, và 22 DN trên HNX thực hiện giải trình. DN chấp hành yêu cầu giải trình, thực hiện đúng hạn.

Khép lại phiên giao dịch cuối tuần (2/12), VN-Index tăng 43 điểm, vượt mốc 1.080 điểm, giữ mạch tăng liên tiếp 3 tuần. Đây là mức tăng cao nhất nửa năm qua, đưa chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường có chỉ số đại diện tăng mạnh nhất thế giới.

MỚI - NÓNG