Giải pháp “chữa cháy”

Giải pháp “chữa cháy”
TP - Sau sự cố “tiêm vắc-xin” hỗn loạn chưa từng có xảy ra ở Hà Nội khiến một số người ngất xỉu phải nhập viện, ngành Y tế đã chuyển sang phương thức đăng ký tiêm chủng qua điện thoại và mạng internet.

Tuy nhiên sau khi áp dụng, ở cả Hà Nội và TPHCM đều đã xảy ra những bức xúc mà cấp độ của nó nóng không kém nghịch cảnh xếp hàng trước cửa phòng tiêm chủng. Có khác chăng một đằng là online và một đằng là offline mà thôi.

Tổng đài 1080 tại TPHCM đã xảy ra tình trạng nghẽn mạch khủng khiếp. Chỉ trong vòng hơn 4 tiếng đồng hồ, từ 8h đến 12h30 sáng qua, tổng đài này đã thu về 80 triệu đồng tiền cước phí cho ngót 30 ngàn cuộc gọi tới đăng ký tiêm chủng. Tuy nhiên, chỉ một phần mười trong số đó đăng ký thành công bởi tới 11h lượng vắc-xin hiện có đã hết veo! Tình trạng tương tự cũng xảy ra y hệt ở Hà Nội, chỉ thay “nghẽn mạch” tổng đài bằng “nghẽn mạng” internet mà thôi. Hàng loạt website đăng ký đã bị tê liệt không thể truy cập, trên website của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, 3.200 liều vắc-xin dịch vụ Pentaxim đã được đăng ký hết chỉ trong vòng có… 3 phút.

Tóm lại, số lượng vắc – xin vừa tung ra chỉ như muối bỏ bể trước nhu cầu tiêm vắc - xin dịch vụ quá lớn như hiện nay. Chính vì vậy nếu ngoài đời thực, có biển người thức trắng đêm chen nhau xếp hàng đến ngất xỉu thì chuyện nghẽn mạch ở TPHCM hay nghẽn mạng ở Hà Nội trong sáng qua là tất yếu ! Bản chất sự việc là cầu đã vượt xa cung, tranh giành nhau suất tiêm là đương nhiên, dù online hay offline vẫn vậy.

Điều đó có nghĩa là, giải pháp của ngành y tế chỉ chuyển được sự bức xúc, quá tải từ chỗ này sang chỗ kia mà thôi. Còn bản thân sự việc - cầu vượt xa cung - vẫn còn nguyên. Hay nói cách khác đó chỉ là một giải pháp tình thế, một cách thức phân phối số lượng vắc - xin dịch vụ ít ỏi trước nhu cầu quá lớn của dân chúng.

Một câu hỏi đặt ra, vì sao ở nước ta lại khan hiếm trong khi các nước xung quanh lại không ? Vì sao chúng ta lại tồn tại song song hai loại vắc - xin, hai hệ thống tiêm chủng, một miễn phí và một mất tiền, trong khi các nước chỉ có một loại? Vì sao nhiều người dân lại thích mất tiền (không hề rẻ) để tiêm chủng cho con mà không dùng loại miễn phí ?

Đã đến lúc, tất cả những câu hỏi đó cần phải có câu trả lời xác đáng và thuyết phục của ngành y tế đến dân chúng. Chỉ khi ngành y tế truyền thông được tới công chúng những thông tin công khai, minh bạch và thực sự khoa học về sự an toàn của vắc-xin, khi đó “khủng hoảng” vắc-xin mới có hồi kết.

MỚI - NÓNG