Giải mã thời Tam quốc: Quân đội Tào Ngụy - Gian nan khởi sự

Giai đoạn đầu, uy vọng của Tào Tháo chưa đủ lớn, sức hiệu triệu chưa có, mà tài cầm quân cũng chưa thật xuất sắc, nên khó khăn trùng trùng.
Giai đoạn đầu, uy vọng của Tào Tháo chưa đủ lớn, sức hiệu triệu chưa có, mà tài cầm quân cũng chưa thật xuất sắc, nên khó khăn trùng trùng.
TPO - Trong ba nước Ngụy Thục Ngô, Tào Ngụy là nước mạnh nhất, chiếm được nhiều đất nhất (hơn 9 châu trong tổng số 13 châu của nhà Hán), dân số nhiều nhất, và đương nhiên có lực lượng quân sự hùng mạnh nhất. Nhưng để có được điều đó, quân đội Tào Ngụy cũng phải trải qua không ít khó khăn.

Gian nan lúc khởi sự

Không như anh em Viên Thiệu, Viên Thuật có dòng dõi tam công nên sở hữu đông đảo môn sinh thực khách và dễ dàng chiêu mộ binh lính, Tào Tháo lại khá chật vật trong việc xây dựng quân đội. Đội quân đầu tiên của vị Ngụy chủ này chỉ vào khoảng năm ngàn binh sĩ, do một người tên là Vệ Tư đem gia tài ra giúp mộ binh. Đây là vốn liếng quân sự đầu tiên giúp Tào Tháo tranh bá thiên hạ, mà trận chiến đầu tiên chính là cùng liên quân Quan Đông chống lại Đổng Trác.

Vì sao Vệ Tư lại dành cho Tào Tháo sự ủng hộ lớn như thế? Nhiều khả năng là do quan hệ thân thiết giữa Tào Tháo và Trương Mạc – Thái thú quận Trần Lưu (trong khi đó Vệ Tư lại là Hiếu liêm [1] của quận Trần Lưu dưới quyền Trương Mạc). Không chỉ giúp đỡ tiền bạc, Trương Mạc còn cho phép Vệ Tư được cầm một cánh quân đi theo Tào Tháo. Chỉ tiếc là đội quân non trẻ này đại bại dưới tay kiêu tướng Từ Vinh, không còn được mấy người. Tam Quốc Chí mô tả là “sĩ tốt tử thương rất nhiều” [2].

Sau trận thua này, Tào Tháo phải đến Dương Châu mộ thêm binh, được hơn bốn ngàn người. Tuy nhiên đa số các binh lính này sau đó đều âm mưu làm phản và đào ngũ. Có thể nói, trong giai đoạn này, uy vọng của Tào Tháo chưa đủ lớn, sức hiệu triệu chưa có, mà tài cầm quân cũng chưa xuất sắc, nên khó khăn trùng trùng.

Không nản chí ngay cả khi liên quân Quan Đông tan rã, Tào Tháo cố gắng duy trì số quân ít ỏi (chỉ vài ngàn người) bằng việc đem quân đi bình định giặc Hắc Sơn (tàn dư của giặc Khăn Vàng trước đó). Nhờ bảo vệ được Đông quận và Ngụy quận, Tào Tháo lần thứ hai có được chức Đông quận Thái thú, do Viên Thiệu tiến cử với Hán Hiến đế. (Lần đầu Tháo được phong làm Thái thú Đông quận là bởi triều đình của Hán Linh đế). Trong thời điểm đó, Đông quận là khối địa bàn quý giá, là nơi chốn để tích trữ lương thảo, là mảnh đất để trồng lương thực, là nguồn dân chúng cần thiết bổ sung cho quân đội, tất cả đều là tiền đề cho Tào Tháo tạo dựng một thế lực hùng mạnh về sau.

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa cùng đến

Bước ngoặt đến với Tào Tháo là khi hơn trăm vạn quân Khăn Vàng của Thanh Châu tiến vào xâm chiếm Duyện Châu. Thứ sử Duyện Châu Lưu Đại tử trận. Tào Tháo lúc này chỉ là Thái thú của một quận thuộc Duyện Châu, được quan lại Duyện Châu suy tôn làm Duyện Châu mục, về sau lại đại thắng phản quân, thu nhận đến 30 vạn hàng binh. Từ một Thái thú cấp quận với binh lực ít ỏi, bỗng chốc Tào Tháo trở thành Châu mục một châu với quân số cấp chục vạn, thế lực tăng vọt, có thể nói là bởi thiên thời, địa lợi, nhân hòa cùng hội đủ.

Tại sao nói Tào có địa lợi? Là bởi Tháo sở hữu một quận lớn của Duyện Châu (Đông quận) ngay lúc quân Khăn Vàng đến cướp bóc. Nếu không có trong tay Đông quận, Tháo sẽ không tận dụng được cơ hội này.

Tại sao nói Tào có thiên thời? Là bởi sự trùng hợp của nhiều yếu tố: quân Khăn Vàng tấn công; Thứ sử Lưu Đại không nghe lời khuyên của Bào Tín mà lấy cứng chọi cứng rồi mất mạng; thành ra Duyện Châu bỗng nhiên vô chủ, mà ngay lúc này quyền lực của chính quyền trung ương lại cực kỳ suy yếu (trung ương còn không lo nổi cho chính mình, nói gì đến chuyện các châu phía dưới).

Giải mã thời Tam quốc: Quân đội Tào Ngụy - Gian nan khởi sự ảnh 1

Trần Cung là kẻ sĩ nổi tiếng ở Đông quận, đã từng giúp đỡ Tào Tháo rất nhiều.

Tại sao nói Tào có nhân hòa? Nhân hòa là chỉ hai người Trần Cung và Bào Tín. Trong lúc chính quyền trung ương không quản nổi việc ở các châu quận, thì quan viên và sĩ tộc địa phương chính là một lực lượng quan trọng. Trần Cung là kẻ sĩ nổi tiếng ở Đông quận, được mô tả là “cương trực, cứng cỏi và mạnh mẽ, thời trẻ những kẻ sĩ nổi danh trong nước đều đến giao kết” [3], tiếng nói rất có trọng lượng. Bào Tín là Quốc tướng ở Tế Bắc (thuộc Duyện Châu), đã từng đưa ra chiến lược đúng đắn chống Khăn Vàng nhưng không được Lưu Đại tin theo, là người vừa có địa vị vừa có uy tín. Chính hai người Trần Cung và Bào Tín đã đứng ra thuyết phục các quan viên khác đồng ý suy cử Tào Tháo lãnh chức Duyện Châu mục.

Nói như vậy không có nghĩa là Tào Tháo không có nỗ lực. Chính vì dũng cảm chiến đấu chống Đổng Trác mà ông ta mới có được sự tôn trọng, kính nể của các quan viên Duyện Châu, được Trần Cung ra mặt nói giúp, được Bào Tín chiến đấu hết mình để chống lại quân Khăn Vàng. Cũng nhờ tài cầm quân tiến bộ dần dần mà ông ta thắng được đối thủ đông hơn mình gấp bội. Tào Tháo gặp may mắn, nhưng chính ông ta cũng là một phần nguyên nhân của sự may mắn đó.

Sau bước ngoặt này, quân đội Tào Ngụy bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ.

(Đón xem Kỳ 17: Quân đội Tào Ngụy: Nhân tài lớp lớp, cơ cấu trùng trùng)

.................................................

Chú thích và tham khảo:

[1] Thời Đông Hán, cách thức lựa chọn nhân tài phần lớn dựa vào tiến cử. Mỗi năm, Thái thú của mỗi quận có quyền tiến cử một người có đủ các phẩm chất của “hiếu tử” và “liêm sĩ”(nói chung là phẩm chất đạo đức tốt) để vào triều làm quan. Người này được gọi là Hiếu liêm.

[2] Tam Quốc Chí – Vũ Đế kỷ (NXB Văn học 2016, Bùi Thông dịch, Phạm Thành Long hiệu đính).

[3] Tam Quốc Chí – Lã Bố Trương Mạc Tang Hồng truyện (NXB Văn học 2016, Bùi Thông dịch, Phạm Thành Long hiệu đính).

MỚI - NÓNG