Giải mã siêu thị kìm giá

Nhân dịp 8-3, nhiều siêu thị tung ra chương trình khuyến mãi lớn Ảnh: Q.T
Nhân dịp 8-3, nhiều siêu thị tung ra chương trình khuyến mãi lớn Ảnh: Q.T
TP - Một số doanh nghiệp cho biết, đến nay, đa số tiểu thương, nông dân sản xuất, cung cấp hàng lâu dài cho nhiều siêu thị chưa gửi đề nghị tăng giá. Bí quyết nào giúp các siêu thị có thể kìm giá, khuyến mua trong thời buổi 'bão' giá?

> Doanh nghiệp xoay xở trong 'bão' giá

Nhân dịp 8-3, nhiều siêu thị tung ra chương trình khuyến mãi lớn Ảnh: Q.T
Nhân dịp 8-3, nhiều siêu thị tung ra chương trình khuyến mãi lớn.
Ảnh: Q.T.

Hiệu ứng mách nhỏ thời bão giá

Trên các trang mạng nói về mua sắm, người tiêu dùng, đặc biệt là các bà nội trợ, thông tin cho nhau về những nơi có giá tốt.

Một bà nội trợ thông tin về siêu thị Co.opMart Nguyễn Đình Chiểu (TPHCM) như sau: “Giá hàng hoá ở đây vẫn rẻ so với một số siêu thị khác, có những mặt hàng còn rẻ hơn cả ở chợ. Các mặt hàng được khuyến mãi nhiều và thường xuyên. Co.opMart cũng có những chương trình thẻ khách hàng thân thiết tích lũy điểm trong 1 năm”.

Không tính những mặt hàng bình ổn giá, nhà nước hỗ trợ vốn, thực tế nhiều siêu thị, doanh nghiệp phân phối vẫn duy trì nhiều sản phẩm có giá hợp lý, thậm chí giảm giá ngay trong thời buổi không ít mặt hàng có giá tăng phi mã, tát nước theo mưa.

Trong cuộc họp báo ngày 2-3 tại Hà Nội, Siêu thị Big C công bố chương trình khuyến mãi Tôn vinh vẻ đẹp Việt kéo dài 18 ngày, giảm giá từ 5 - 50% giá của 1.000 loại hàng hoá, kèm nhiều quà tặng.

Theo ông Ông Nguyễn Thái Dũng - Phó Tổng giám đốc BigC Thăng Long, 90% hàng hoá bán trong siêu thị Big C được sản xuất trong nước. Với chương trình Giá rẻ chưa từng thấy áp dụng trong 19 ngày kể từ 2-3, khoảng 420 mặt hàng như: nước mắm, bột ngọt, dầu ăn, mì gói, sữa, bánh kẹo, thực phẩm chế biến, đồ gia dụng… có mức giảm giá từ 10 - 50%.

Theo ông Dũng, những mặt hàng thiết yếu này giảm giá được trong thời bão giá là do Big C hỗ trợ giá (có giới hạn về số lượng để tránh tình trạng mua sỉ). Ví dụ, thùng 30 gói mì A-One 85gr, giá giảm 25%, một người được mua 2 thùng/ngày.

Ai hạn chế tình trạng té nước theo mưa?

Đại diện siêu thị Big C tiết lộ bí quyết kìm giá: Doanh nghiệp đã chấp nhận giảm một phần lợi nhuận để bù vào giá, áp dụng hàng loạt biện pháp trong thu mua hàng.

Theo ông Dũng, đến đầu tháng, tất cả đơn vị cung cấp hàng hoá đầu vào cho siêu thị vẫn chưa đề nghị tăng giá. Nếu có nhà cung cấp nào đòi tăng giá thì cũng phải sau 45 ngày tính từ ngày đề nghị, nhà cung cấp đó mới được tăng. Bên cạnh đó, mức độ tăng bao nhiêu, có hợp lý không cũng còn phải trải qua quá trình thương lượng với đại diện siêu thị. Những yêu cầu tăng giá bất hợp lý sẽ khó được chấp nhận.

Theo lãnh đạo Big C, siêu thị này áp dụng 5 chính sách thương lượng và điều chỉnh giá với nhà cung cấp gồm: Từ chối đề xuất điều chỉnh giá, thay vào đó là thảo luận về những khó khăn và cùng đưa ra các giải pháp; thương lượng mức độ điều chỉnh hợp lý, thời gian điều chỉnh chậm nhất có thể được; hủy bỏ những mặt hàng bị điều chỉnh giá cao... Siêu thị cũng tăng cường mức độ cam kết mua hàng lâu dài, ổn định, số lượng lớn cho nhà cung cấp; giảm hoặc không lấy chiết khấu, cắt giảm chi phí phụ như quảng cáo…

Theo một chuyên gia kinh tế, kinh doanh trong lĩnh vực phân phối được coi là hình thức kinh doanh không cần nhiều vốn. Việc doanh nghiệp phân phối chủ động cung cấp trước cho nhà cung cấp một lượng vốn nhất định, cam kết thu mua hàng hoá lâu dài trong mọi điều kiện sẽ giúp nông dân, tổ chức sản xuất yên tâm đầu tư bài bản. Còn nhà phân phối thì giữ được giá hàng hóa ổn định, không chộp giật lợi nhuận theo mùa.

Trước đây, Chính phủ có Quyết định 80 về thực hiện hợp đồng bao tiêu nông sản cho nông dân, thể hiện văn minh trong kinh doanh giống như Big C, co.opMart… đang làm, nhưng đến nay chỉ còn vài doanh nghiệp thực hiện được.

Theo nhiều người mua sắm, với những doanh nghiệp bán hàng bình ổn giá nhận hỗ trợ lớn của Nhà nước về vốn, mặt bằng... không duy trì được mức giá hợp lý, cần xem xét lại tinh thần chia sẻ khó khăn với người dân và Chính phủ trong thời bão giá.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ cho rằng, có thể lấy chi phí kinh doanh của những siêu thị kìm được giá để áp dụng tính toán và xử lý các doanh nghiệp, tổ chức tăng giá tùy tiện, té nước theo mưa, gây bất ổn thị trường.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG