Giải mã những nghi án đầu độc

Công nhân nhà máy Hongfu bị ngộ độc hàng loạt.
Công nhân nhà máy Hongfu bị ngộ độc hàng loạt.
Hàng nghìn công nhân đang làm việc bỗng dưng ngất xỉu phải đi bệnh viện cấp cứu không rõ nguyên nhân; những vụ chết tập thể mà nạn nhân không hề có thương tích. Các giám định viên Viện Khoa học hình sự (KHHS) - Bộ Công an đã vào cuộc, giải mã thủ phạm không dấu vết này.

Vụ ngộ độc bất thường

Khoảng 10h ngày 15/5/2014, tại Công ty đóng giày HONGFU Việt Nam (Liên danh với Đài Loan) tại xã Hoàng Long, TP Thanh Hóa xảy ra một vụ ngộ độc tập thể. Hơn 1.000 công nhân bị các biểu hiện: nôn mửa, chân tay co quắp, co giật, choáng ngất… phải đưa đi bệnh viện cấp cứu, nhà máy phải đóng cửa. 4 ngày sau, khi công nhân trở lại làm việc, tiếp tục xảy ra các biểu hiện ngộ độc tương tự.

Sự việc xảy ra đúng vào thời điểm nhạy cảm, khi trên toàn quốc diễn ra các cuộc mít tinh, biểu tình phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Do bức xúc và do sự kích động của các đối tượng xấu một số vụ biểu tình đã trở thành các vụ gây rối an ninh trật tự, phá hoại tài sản như ở KCN Sóng thần Bình Dương và KCN FORMOSA Hà Tĩnh, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp nước ngoài và ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước ta.

Chính vì vậy, vụ ngộ độc tại Công ty HONGFU đã gây xôn xao dư luận, nhiều người cho rằng có hoạt động đầu độc tại đây. Trước tình hình trên, nhiều cơ quan chức năng như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế… đã trực tiếp vào Thanh Hóa nghiên cứu hiện trường, thu các loại mẫu về giám định nhưng chưa cơ quan nào đưa ra kết luận chính xác nguyên nhân của sự việc.

Thượng tá Vũ Quốc Tuấn, Phó phòng Giám định Hóa pháp lý, Viện Khoa học hình sự (KHHS) - Bộ Công an kể lại: Cuối giờ chiều ngày 15/5, Cơ quan điều tra Công an TP Thanh Hóa cử cán bộ mang quyết định trưng cầu giám định kèm theo các mẫu vật trong vụ nghi công nhân Công ty HONGFU bị trúng độc chưa rõ nguyên nhân nêu trên tới Viện KHHS (C54).

Các mẫu vật này gồm 3 mẫu khí, 5 mẫu chất nôn, 7 mẫu keo, nước tẩy rửa và nhiều mẫu nước cùng mẫu bột đen thu được tại nhà xưởng. Theo phản ánh của Công an TP Thanh Hóa thì số công nhân được đưa vào bệnh viện cấp cứu, điều trị đều có chung biểu hiện đau bụng, co rúm chân tay, khó thở, nôn mửa, co giật. Thời điểm xảy ra hiện tượng này khoảng 10h sáng, chưa đến giờ ăn trưa nên nguyên nhân ngộ độc thực phẩm đã được loại trừ.

Theo công nhân nhà máy cho biết, trước khi xảy ra hiện tượng ngộ độc, họ có ra các cây nước uống được bố trí ở khu vực cửa ra vào của các nhà xưởng, lấy nước vào các vỏ chai nhựa mang vào bàn làm việc uống. Sau khi sự việc xảy ra, mọi người đi kiểm tra các cây nước uống tại các phân xưởng, phát hiện một cây nước bị hở gioăng khiến nước bị rò ra ngoài.

Có người đã cho rằng khả năng có kẻ xấu bơm chất độc vào khe hở này khiến công nhân bị ngộ độc. Trước thông tin này, Công an TP Thanh Hóa đã thu tất cả các mẫu nước cấp cho công nhân tại các phân xưởng, mẫu nước tại vòi nước tổng của công ty.

Theo Thượng tá Vũ Quốc Tuấn, ngay từ đầu khi nhận trưng cầu giám định của Công an TP Thanh Hóa, giám định viên nhận định khả năng  các công nhân bị nhiễm độc do khí, không phải do nguồn nước vì chỉ có trúng độc khí mới làm nhiều người ngộ độc cùng lúc trong một thời gian ngắn.

Mặt khác, giả sử nguồn nước bị nhiễm độc thì không thể gây ra ngộ độc với số lượng lớn người cùng một thời điểm, vì những người uống lúc đầu sẽ bị ngộ độc nặng hơn (có thể dẫn đến chết người) so với những người uống sau. Trong khi đó, số công nhân bị ngộ độc đều có biểu hiện như nhau.

Tuy nhiên, để sớm làm rõ nguyên nhân sự việc, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, lãnh đạo Viện KHHS đã yêu cầu Phòng Giám định Hóa pháp lý tập trung giám định các mẫu vật do Công an Thanh Hóa thu mẫu trưng cầu giám định, đồng thời cử một số giám định viên khẩn trương vào Thanh Hóa nghiên cứu hiện trường, thu mẫu giám định.

Sau 2 ngày tập trung nhân lực và  thiết bị, máy móc hiện đại nhất để giám định trên 30 mẫu vật do Công an TP Thanh Hóa trưng cầu giám định, kết quả không tìm thấy các chất độc thường gặp trong các mẫu chất nôn, nước uống, mẫu khí và bột đen thu được tại hiện trường.

Ngày 17/5/2014, một tổ giám định viên Viện KHHS đã khẩn trương vào Công ty HONGFU xem xét, thu mẫu. Tuy nhiên, sau khi xảy ra vụ ngộ độc ngày 15/5, toàn bộ nhà xưởng ngừng hoạt động. Trên bàn làm việc của công nhân có các lọ keo dán. Tuy nhiên việc thu mẫu khí gặp khó khăn vì công nhân đang nghỉ làm, hơn nữa đã qua 2 ngày từ khi xảy ra ngộ độc nên mẫu thu được sẽ không chuẩn xác như lúc xưởng hoạt động.

Xem xét kết cấu trong nhà xưởng, hệ thống quạt gió lưu thông khí vẫn hoạt động bình thường. Tại các bàn làm việc của công nhân cũng có thiết bị hút khí. Tại công ty có một tháp cung cấp nước uống cho toàn bộ nhà máy thông qua đường ống dẫn đến các phân xưởng. Trường hợp nguồn nước bị đầu độc thì toàn bộ những người trong công ty phải bị ngộ độc, chứ không thể tập trung vào số công nhân ở một vài phân xưởng như đã xảy ra.

Cùng thời gian này, cơ quan chuyên môn của các bộ, ngành tham gia nghiên cứu hiện trường, thu mẫu giám định cũng chỉ đưa ra nhận định chung chung rằng khả năng số công nhân này bị nhiễm độc thần kinh.

Đến sáng 19/5, khi các phân xưởng làm việc trở lại, tiếp tục có trên 300 công nhân bị ngất và nôn phải vào Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa cấp cứu. Theo yêu cầu của Công an tỉnh Thanh Hóa, chiều 19/5, tổ công tác Phòng Giám định Hóa pháp lý đã cùng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa vào hiện trường một lần nữa để thu mẫu khí tại các xưởng.

Với 13 loại keo dán, các giám định viên đã vận dụng sáng tạo, thu mẫu khí qua than hoạt tính và dung môi hữu cơ để lấy được các thành phần dung môi hữu cơ trong không khí của các xưởng giày. Kết quả giám định cho thấy trong các mẫu khí thu được có tìm thấy các thành phần dung môi hidrocacbon, metyl xyclohexan, n-propyl axetat, etyl axetat là dung môi có mùi thơm đặc trưng, gây kích thích mắt, mũi, họng.

Người hít phải các dung môi nói trên sẽ bị chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, khó thở, thở gấp do máu thiếu oxy. Dung môi hidrocacbon có thể kích thích và làm tổn thương niêm mạc mũi, họng, phổi; ở nồng độ cao có thể gây chảy máu mũi, đau rát họng. Mức độ nhiễm độc phụ thuộc vào nồng độ các chất trong không khí.

Như vậy, nếu do ngộ độc khí thì chỉ tập trung ở các dung môi do keo dán giày gây ra. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là Công ty HONGFU đã hoạt động được trên 2 năm. Nếu là ngộ độc khí do dung môi keo dán giày thì tại sao trước đây không xảy ra?

Cùng với việc thu mẫu, giám định viên còn cẩn thận đi kiểm tra, nắm thông tin về hoạt động của nhà máy trong thời gian gần đây. Qua đó đã thu được thông tin hết sức quan trọng. Trước khi xảy ra vụ ngộ độc đầu tiên vào ngày 15/5, lo lắng trước các vụ gây rối an ninh trật tự (ANTT), phá hoại tài sản đã xảy ra ở một số KCN, lãnh đạo Công ty HONGFU đã cho xây các bức tường ngăn giữa các phân xưởng để đề phòng việc công nhân tập trung đông người. Các bức tường này được rào kín bằng gạch hoặc các tấm tôn lớn.

Nhận định việc xây các tường ngăn này đã ảnh hưởng tới việc lưu thông khí giữa các nhà xưởng, khiến các dung môi từ keo dán giày không thoát được gây ngộ độc cho công nhân, các giám định viên đã trao đổi với Công an tỉnh Thanh Hóa vận động lãnh đạo công ty phá bỏ ngay hàng rào ngăn các phân xưởng trên. Việc phá dỡ được thực hiện ngay trong chiều 19/5.

Quả nhiên, sau khi các bức tường được phá bỏ, đã chấm dứt hiện tượng công nhân bị ngộ độc hàng loạt. Công nhân trở lại làm việc bình thường. ANTT được đảm bảo, công ty ổn định sản xuất. Việc tìm ra "thủ phạm" vụ "ngộ độc" gây xôn xao dư luận của  Viện KHHS  đã góp phần quan trọng giải quyết tốt các "điểm nóng" về ANTT trên cả nước.

Giải mã những nghi án đầu độc ảnh 1

Lực lượng KTHS khám nghiệm hiện trường.

Tìm thủ phạm không dấu vết

Khoảng 15h ngày 7/2/2011, trực ban Viện KHHS nhận được tin báo của Công an TP Hải Phòng về việc 9 nam nữ thanh niên bị chết chưa rõ nguyên nhân tại phường Thành Tô, quận Hải An, Hải Phòng, đề nghị Viện KHHS cử cán bộ chuyên môn tới hiện trường hỗ trợ công tác khám nghiệm.

Xác định tính chất nghiêm trọng của sự việc, đồng chí Viện trưởng đã thành lập đoàn công tác bao gồm các lĩnh vực giám định pháp y, dấu vết cơ học, hóa pháp lý và giám định ma túy do trực tiếp đồng chí Viện trưởng dẫn đầu lên đường tới hiện trường.

Hiện trường xảy ra vụ việc là căn nhà mặt đường Nguyễn Văn Hới, Cát Bi, quận Hải An dạng hình ống rộng 3,6m, dài 20,2m gồm 2 lớp cửa: ngoài là cửa cuốn, gara xe; tiếp theo là phòng khách thông với khu vực bếp và gác lửng có cửa kính đóng kín. Trong phòng khách có hệ thống giàn âm thanh hiện đại với những loa công suất lớn, đèn đổi màu…

Qua nắm tình hình được biết chiều 6/2/2011, ông Phạm Văn Thúc (SN 1956) ở Tiên Lãng gọi điện cho con trai là Phạm Văn Thức (SN 1983) ở địa chỉ trên. Không thấy người nghe máy, 14h30 cùng ngày, vợ chồng ông Thức đến căn nhà trên thì thấy cửa nhà đóng kín.

Vừa mở cửa, vợ chồng ông Thúc chứng kiến cảnh tượng hãi hùng: Con trai ông cùng 8 thanh niên khác (trong đó có 2 nữ) nằm chết la liệt trong phòng khách. Trên chiếc bàn cạnh đó vẫn còn ngổn ngang những chai rượu, trái cây đang ăn dở.

Chiếc xe ôtô mui trần thể thao của Thức với 2 ống xả trong phòng khách vẫn nổ máy, đèn pha bật sáng, tiếng nhạc vẫn phát ra từ hệ thống loa công suất lớn lắp trên xe. Phòng khách nồng nặc mùi khí thoát ra từ ống xả xe ôtô. Ông Thúc cùng mọi người đưa Thức đi cấp cứu nhưng bệnh viện xác định nạn nhân đã tử vong trước đó.

Tại hiện trường đã bị xáo trộn một phần do quá trình cấp cứu nạn nhân nhưng xem xét không thấy các dấu hiệu cậy phá, đột nhập; đồ đạc tài sản trong nhà không bị mất. Khám nghiệm tử thi không thấy tổn thương do ngoại lực tác động.

Do tính chất nghiêm trọng của sự việc, lại xảy ra vào những ngày Tết Nguyên đán, nhiều thanh niên chết cùng trong một ngôi nhà đã gây xôn xao dư luận. Nhiều vấn đề được đặt ra, như liệu đây có phải là vụ án mạng? Tại sao các nạn nhân chết mà không có thương tích? Hay một vụ tự sát tập thể bằng thuốc độc?...

Đây là những vấn đề cần được giải đáp nhanh chóng, khách quan và chính xác để trả lời trước công luận và ổn định tình hình ANTT ở địa phương. Do đó, công việc cần làm ngay là tiến hành phân loại, giám định ngay các mẫu thu tại hiện trường và thu trong quá trình khám nghiệm tử thi để có kết luận chính thức trong thời gian sớm nhất. Đặc biệt ưu tiên giám định các mẫu máu của các nạn nhân để xác định có hay không sự có mặt của khí CO (Monoxit cacbon), rượu, chất ma túy trong cơ thể các nạn nhân.

Kết quả giám định cho thấy trong máu các nạn nhân có nồng độ CO cao vượt quá mức giới hạn gây chết; trong máu và phủ tạng các nạn nhân có rượu và chất ma túy. Kết quả này đã khẳng định nhận định của các chuyên gia pháp y về nguyên nhân chết của các nạn nhân là do ngộ độc khí CO.

Kết hợp với hiện trường nhận định những thanh niên này đã sử dụng rượu bia, thuốc gây ảo giác, sau đó ở trong phòng kín nổ máy ôtô để bật đèn, nhạc. Khí thải từ ôtô bao gồm CO2, CO trong phòng kín không thoát được ra ngoài, khi đạt đến nồng độ nhất định đã gây tử vong. Ở đây, khí CO chính là "thủ phạm không dấu vết" chính gây nên cái chết của các nạn nhân.

Vụ việc là một bài học cảnh báo về những tai nạn thương tâm, những cái chết không báo trước do ngộ độc khí CO (một loại khí độc không màu, không mùi, không tan trong nước và chiếm một lượng lớn trong quá trình đốt dầu nhớt, dầu lửa, củi hoặc than) đang xảy ra ngày càng nhiều do sơ suất và thiếu hiểu biết của người dân trong lao động và sinh hoạt hàng ngày.

Như sử dụng gas, bếp than tổ ong sưởi ấm trong mùa đông nhưng đóng kín cửa, chạy máy phát điện bằng xăng trong nhà kín, để xe máy, ôtô nổ máy trong nhà khi cửa nhà không mở… làm cho khí CO tích tụ gây chết ngạt.

Theo Hương Xuân

Theo An Ninh Thế Giới
MỚI - NÓNG