‘Giải mã’ mục tiêu Hội nghị Cấp cao Mỹ - ASEAN

Tổng thống Obama là chủ nhà Hội nghị Cấp cao Mỹ - ASEAN (Ảnh: asean.org)
Tổng thống Obama là chủ nhà Hội nghị Cấp cao Mỹ - ASEAN (Ảnh: asean.org)
TPO - Trong hai ngày 15/2 và 16/2/2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đón tiếp lãnh đạo các nước Đông Nam Á và Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh tới dự Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN mang tính lịch sử được tổ chức tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands ở thành phố Rancho Mirage, tiểu bang California.

Mặc dù Hội nghị Cấp cao Mỹ - ASEAN lần này không đối mặt với sức ép phải đưa ra các tuyên bố chung hoặc kế hoạch giải quyết một vấn đề cụ thể nào song nó có ý nghĩa hết sức quan trọng, chứng minh Đông Nam Á và ASEAN hiện nay và tương lai có vị trí trung tâm trong chính sách đối  ngoại của Mỹ tại châu Á. Sự kiện này còn góp phần thúc đẩy hơn nữa chính sách ngoại giao “tái cân bằng” của Mỹ hướng tới châu Á. Có thể “giải mã” 3 mục tiêu chính của Hội nghị này như sau:

Thứ nhất, Hội nghị Cấp cao Mỹ - ASEAN lần đầu tiên diễn ra trên lãnh thổ Mỹ là sự kiện mang tính biểu tượng lớn, nhằm khẳng định tầm quan trọng mà chính quyền Tổng thống Barack Obama dành cho khu vực Đông Nam Á trong suốt hai nhiệm kỳ qua. Có thể thấy, phần ý nghĩa nhất trong chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương chính là sự quan tâm lớn hơn hướng về các nước Đông Nam Á nói riêng, cũng như toàn khối ASEAN nói chung.

Một số quan chức đã gọi sự quan tâm này là “tái cân bằng trong tái cân bằng”. Thực tế, ASEAN đã trở thành đối tác chủ chốt của Mỹ trong việc xây dựng và duy trì trật tự dựa trên luật lệ tại châu Á - Thái Bình Dương. Những năm qua, Mỹ can dự ngày càng sâu rộng vào khu vực qua việc ký kết Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC); trở thành nước đầu tiên ngoài ASEAN bổ nhiệm Đại sứ tại ASEAN; tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và các hội nghị khu vực khác có sự hiện diện của ASEAN…

Với vị trí địa chính trị chiến lược của ASEAN ở châu Á-Thái Bình Dương, không nghi ngờ gì, trong tương lai, chính sách của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục bị chi phối bởi các mối quan tâm liên quan tới Đông Nam Á.

Theo ông Daniel Russel - trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, Hội nghị Cấp cao Mỹ - ASEAN tại Sunnylands không chỉ giới hạn trong 1 giờ hội họp mà kéo dài cả ngày, cũng không bị xen kẽ hay diễn ra bên lề các hội nghị cấp cao khác như thường thấy. Bởi vậy, Hội nghị  lần này là một cơ hội hiếm có và quý giá để các nhà lãnh đạo ASEAN và Mỹ thảo luận sâu sắc các vấn đề quan trọng ở cấp độ cao nhất.

Thứ hai, Hội nghị Cấp cao Mỹ - ASEAN là cơ hội để tạo ra động lực mới nhằm mở rộng hơn nữa quan hệ giữa Mỹ và ASEAN. Tháng 11/2015, Mỹ và ASEAN đã nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược và đề ra kế hoạch hành động tới năm 2020. Mặc dù các quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng Hội nghị tại Sunnylands không phải là hội nghị chính thức như các cuộc họp Mỹ - ASEAN truyền thống, song hai bên vẫn tổ chức chương trình nghị sự gồm 3 phần, đầu tiên là phiên thảo luận về các vấn đề kinh tế; tiếp theo là phiên tiệc tối tiếp tục bàn thảo; cuối cùng là phiên kết về các vấn đề chính trị và an ninh, trong đó có các tranh chấp lãnh hải, chống khủng bố, đối phó dịch bệnh...

Với ASEAN, Hội nghị tại Sunnylands là dịp để thể hiện vai trò của ASEAN trong việc giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu, từ việc đối phó với biến đổi khí hậu cho tới cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Trong khi đó, Mỹ cũng đang kỳ vọng vào những đóng góp cụ thể của ASEAN trong giải quyết các vấn đề của hôm nay và tương lai.

Có những lo lắng rằng một số nước ASEAN có thể né tránh đề cập tới vấn đề Biển Đông trong năm 2016. Với việc Mỹ xác nhận sẽ bàn thảo vấn đề Biển Đông và tái khẳng định quan điểm ủng hộ tự do hàng hải của mình, Hội nghị ở Sunnylands hứa hẹn xua tan những lo lắng nêu trên.

Với Mỹ, Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN là cơ hội để xây dựng một cách tiếp cận kinh tế mang tính tổng thể đối với khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mới chỉ gồm 4 thành viên ASEAN tham gia (Việt Nam, Malaysia, Singapore, Brunei), chính quyền Tổng thống Obama vẫn đang khó nhọc tìm kiếm những sáng kiến kinh tế khu vực có tính chất mới và đặc biệt để đáp ứng với sự đa dạng của các nền kinh tế trong ASEAN.

Các nỗ lực như sáng kiến Cam kết kinh tế mở rộng ASEAN - Mỹ, các chương trình hỗ trợ công nghệ như: Kết nối ASEAN thông qua Thương mại và Đầu tư… là những bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, nhiều việc cần tiếp tục làm trong các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng, sáng tạo và quản lý. Vấn đề này sẽ được tập trung thảo luận không chỉ ở Hội nghị Cấp cao Mỹ - ASEAN ở Sunnylands mà còn ở Hội nghị do Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN tổ chức vào ngày 17/2 tới tại San Diego. Tại Sunnylands, phía Mỹ sẽ tiếp tục hối thúc các nước ASEAN còn lại ký kết TPP.

Thứ ba và cuối cùng, trong bối cảnh Tổng thống Obama sắp kết thúc nhiệm kỳ và cuộc chạy đua bầu cử Tổng thống Mỹ bắt đầu nóng bỏng, Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN là thời điểm thích hợp để chính quyền Tổng thống Barack Obama “bắn tín hiệu” cho chính quyền mới về tầm quan trọng của ASEAN trong quá trình định hình tương lai châu Á. Các cố vấn của ông Obama cho biết, giống như việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - châu Phi lần thứ nhất tại Washington vào năm 2014, Hội nghị Cấp cao Mỹ - ASEAN tại Sunnylands cũng là một cách để Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng Đông Nam Á tiếp tục là một ưu tiên trọng tâm của Mỹ thời gian tới và việc can dự với khu vực ở cấp cao nhất là một phần quan trọng của cam kết đó.

Việc chuyển tải thông điệp này là rất quan trọng bởi không có đảm bảo nào rằng một ứng cử viên Tổng thống Mỹ tới đây sẽ thể hiện sự quan tâm hướng về Đông Nam Á ở mức độ tương tự Tổng thống Obama. Thực tế, Tổng thống mới của Mỹ có thể phải đương đầu với một thế giới hỗn loạn hơn, với các mối đe doạ từ IS, Trung Đông… và một nền kinh tế toàn cầu ốm yếu. Do vậy, có tâm lý lo ngại rằng Washington sẽ bớt sự kiên nhẫn đối với chủ nghĩa đa phương và chuyển sang can dự vào từng nước ASEAN, hơn là can dự vào cả khối. Trong bối cảnh này, Hội nghị Cấp cao Mỹ - ASEAN là “cơ hội vàng” để chính quyền Tổng thống Obama tái cam kết ủng hộ và gia tăng sức mạnh đoàn kết cho ASEAN, đánh giá lại những thành tựu đã đạt được trong quan hệ với ASEAN, đồng thời mở đường cho những hướng phát triển quan hệ chiến lược Mỹ - ASEAN thời gian tới.

Các nhà phân tích chính trị nhận định, kết quả Hội nghị Cấp cao Mỹ -ASEAN tại Sunnylands có thể phần nhiều mang tính biểu tượng, song điều đáng lưu ý là tính biểu tượng vẫn truyền tải được những thông điệp mạnh mẽ trong quan hệ quốc tế.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.