Giải mã kỳ án 3.000 năm của Ai Cập

Giải mã kỳ án 3.000 năm của Ai Cập
Khoa học hiện đại đã giúp giải mã bí ẩn tồn tại hơn 3.000 năm về cái chết của pharaon Ramses III (1184 - 1155 trước Công Nguyên).

Giải mã kỳ án 3.000 năm của Ai Cập

> Vua Tutakhamen chết do "gẫy xương đùi"
> Phát hiện nghĩa địa cổ ở Ai Cập

Khoa học hiện đại đã giúp giải mã bí ẩn tồn tại hơn 3.000 năm về cái chết của pharaon Ramses III (1184 - 1155 trước Công Nguyên).

Quan tài Ramses III hiện được trưng bày ở Bảo tàng Louvre (Pháp). Ảnh: Reuters
Quan tài Ramses III hiện được trưng bày ở Bảo tàng Louvre (Pháp). Ảnh: Reuters.

Hậu cung đảo chính

Âm mưu ám sát pharaon Ramses III là một trong những vụ chính biến nổi tiếng nhất trong lịch sử Ai Cập cổ đại, theo báo Le Monde. Đặc biệt, nó lại xuất phát từ chốn hậu cung.

Năm 1155 trước Công Nguyên, Pharaon Ramses III trị vì xứ kim tự tháp hơn ba thập niên. Thái tử được nhà vua chọn là con của chính thất hoàng hậu.

Quyết định này làm vương phi Tiye vô cùng căm phẫn. Bà lập mưu ám sát pharaon, khi ấy đã 65 tuổi, để đưa con trai là hoàng tử Pentawer lên ngôi thay cho thái tử.

Kế hoạch thất bại, khoảng 30 người bị bắt giữ và xét xử. Tổng cộng 24 phạm nhân phải lãnh án tử, trong đó có hoàng tử Pentawer.

Toàn bộ phiên xét xử vụ “hậu cung đảo chính” cùng bản án được ghi chép kỹ trong cổ thư viết trên giấy papyrus, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Ai Cập học Turin (Ý). Tuy nhiên, tài liệu này không đề cập pharaon Ramses III có tử nạn hay không sau khi bị mưu hại.

Các chuyên gia đưa ra ba giả thuyết: nhà vua vẫn bị giết chết dù âm mưu đảo chính thất bại; ông thoát nạn, sau đó qua đời một cách tự nhiên; bị thương nặng trong vụ ám sát, một thời gian sau ông qua đời.

Bí ẩn về cái chết của Ramses III đã được giải đáp sau 3.000 năm. Ảnh: Bảo tàng Cairo
Bí ẩn về cái chết của Ramses III đã được giải đáp sau 3.000 năm. Ảnh: Bảo tàng Cairo.

“Khăn quàng cổ” của pharaon

Nghiên cứu vừa được đăng tải trên chuyên san British Medical Journal của cựu Tổng thư ký Hội đồng Ai Cập cổ đại Zahi Hawass và chuyên gia về xác ướp Albert Zink đã làm sáng tỏ nghi vấn tồn tại suốt ba thiên niên kỷ qua.

Trong thập niên 1960, xác ướp pharaon Ramses III từng được cho chụp X quang nhưng không tìm thấy gì khác lạ. Tuy nhiên, trước giờ xác của nhà vua vẫn gây chú ý vì có một dải “khăn choàng” quấn khá dày nơi cổ. Chính từ manh mối này, nhóm nghiên cứu Hawass - Zink đã dùng máy quét 3 chiều hiện đại để kiểm tra lại.

Qua phân tích các hình ảnh 3D, các nhà khoa học phát hiện bên dưới dải khăn là vết thương dài 7 cm, rất sâu: cổ họng bị một vật cực kỳ sắc bén cắt qua khí quản, thực quản và các mạch máu để chạm đến tận đốt sống cổ.

Theo truyền thống, các nhà ướp xác Ai Cập cổ đại không bao giờ mổ xẻ vùng cổ của thi hài người đã khuất. Do đó, vết cắt không thể có sau khi nhà vua qua đời. Chắc chắn đây là vết thương do hung thủ gây ra và ngay lập tức đã lấy mạng Ramses III.

Một chi tiết đáng chú ý khác là các nhà khoa học đã ghi nhận một vật nhỏ hình tròn, đường kính khoảng 1,5 cm trong vết thương của nhà vua.

Hình ảnh 3D chi tiết cho thấy đây chính là loại bùa truyền thống của người Ai Cập thời đó, có hình con mắt Horus - thần mình người đầu chim ưng, đại diện cho sức khỏe, sự sống và tái sinh.

Loại bùa này thường được các chuyên gia ướp xác đặt vào những đường rạch do họ gây ra trong lúc “mở” tử thi để lấy các cơ quan nội tạng. Công dụng của bùa là giúp làm lành vết thương.

Trong quá trình nghiên cứu, nhóm Hawass - Zink còn quan tâm đến xác ướp vô danh, được các nhà khảo cổ gọi là “nhân vật E” khi tìm thấy ở gần xác ướp Ramses III.

Kết quả phân tích xương cho thấy, đây là thanh niên từ 18-20 tuổi. Từ hình ảnh của máy quét 3 chiều, có thế nhận ra thi hài người này đã không được xử lý theo đúng quy trình ướp xác truyền thống vì não bộ và các cơ quan nội tạng không được lấy đi.

Bên cạnh đó, xác của anh ta còn bị đắp bằng một tấm da dê, vốn bị người Ai Cập cổ đại xem là ô uế. Nhiều khả năng chỉ những phạm nhân mới bị đối xử như thế và có thể “nhân vật E” không ai khác chính là hoàng tử Pentawer, nhân vật chính của kỳ án “hậu cung đảo chính”.

Phân tích nhiễm sắc thể Y cũng cho thấy “nhân vật E” và Ramses III có quan hệ huyết thống. Tuy nhiên, có một điểm còn gây nghi ngờ: theo cổ thư ở Bảo tàng Turin, hoàng tử Pentawer bị phán phải tự xử bằng độc dược nhưng “nhân vật E” lại chết do bị siết cổ. Lời giải đáp trọn vẹn chỉ có khi các nhà khảo cổ tìm ra xác ướp của vương phi Tiye để tiếp tục xét nghiệm ADN.

Theo Nguyễn Ngọc Lan Chi
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG