Theo tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Khoa Sản A, Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM), đa thai là sự phát triển đồng thời nhiều thai nhi trong tử cung. Đây là sự bất thường về số lượng thai chứ không phải bệnh lý. Có thể gặp 2 thai, 3 thai, 4 thai, thậm chí 8 thai, nhưng thường gặp nhất 2 thai, gọi là sinh đôi.
Tỷ lệ mang đa thai tự nhiên khác nhau giữa các dân tộc. Nghiên cứu của Myrianthopoulos năm 1970 cho thấy, tỷ lệ sinh song thai của phụ nữ da trắng là 1/100, da màu là 1/80. Một số khu vực như châu Phi, tỷ lệ sinh đa thai rất cao. Nghiên cứu của Knox và Morley năm 1960 tiến hành ở Nigeria ghi nhận, tỷ lệ sinh song thai là 1/20. Ở châu Á, tỷ lệ sinh này là 1/155. Nhìn chung, tỷ lệ trung bình phụ nữ mang song thai là 1/80, tam thai khoảng 1/8.000, tứ thai tự nhiên là rất hiếm, thấp hơn 1/10.000.
Ngày nay, tỷ lệ mang đa thai ngày càng tăng do việc sử dụng thuốc trong kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Có báo cáo ghi nhận trong nhóm thụ tinh ống nghiệm, tỷ lệ phát hiện đa thai qua siêu âm vào ngày thứ 21 đến 28 sau chuyển phôi như sau: 47% tam thai, 32% song thai và 18% là đơn thai. Một số trường hợp mang thai bốn từng được ghi nhận tại Việt Nam, đa phần sau khi sử dụng biện pháp hỗ trợ sinh sản. Cách đây 2 năm có sản phụ sinh 5 nhờ thụ tinh nhân tạo.
Chị Chị Hoàng Thị Xuân (Quảng Bình) mới phát hiện mang thai sinh tư 11 tuần tuổi. Đây là trường hợp mang 4 thai tự nhiên hiếm gặp. Ảnh: Quang Hà.
Theo bác sĩ Thu Hà, cơ chế dẫn đến hiện tượng mang đa thai là khi trứng của người nữ và tinh trùng của người nam gặp nhau thụ tinh sẽ phát triển thành phôi thai. Thông thường, hàng tháng chị em chỉ có một trứng chín và rụng. Tinh trùng của nam giới có hàng chục triệu con cho một lần xuất tinh, nhưng chỉ có duy nhất một "anh chàng tốt số" chui sâu vào trong trứng gây ra hiện tượng thụ thai và dần phát triển thành thai nhi.
Nếu mọi việc diễn ra hoàn toàn bình thường, đủ ngày tháng, người phụ nữ sẽ sinh ra một bé. Trong quá trình phát triển, trứng đã thụ tinh đột nhiên "nổi hứng" phân chia làm đôi, sẽ phát triển thành hai bé. Hiện tượng này gọi là song thai cùng trứng (hai thai một trứng). Những đứa trẻ sinh ra trong trường hợp đó sẽ cùng giới tính và cùng yếu tố di truyền, hình hài rất giống nhau thậm chí bố mẹ cũng khó có thể phân biệt được.
Một tình huống song thai khác là có hai trứng chín và rụng cùng lúc, các trứng sẽ được thụ tinh bởi hai tinh trùng khác nhau. Trường hợp này gọi là song thai khác trứng (hai thai hai trứng), hai bé sinh ra có thể cùng hoặc khác giới tính, có đặc trưng di truyền khác nhau. Các trứng này có thể rụng từ một buồng trứng, hoặc từ hai buồng trứng, tinh trùng có thể từ cùng một người hoặc những người cha khác nhau. Nhiều trứng được thụ tinh có thể xảy ra trong cùng một lần giao hợp hoặc các lần giao hợp khác nhau nhưng trong cùng một chu kỳ kinh nguyệt, gọi là sự bội thụ tinh đồng kỳ. Hiện tượng bội thụ tinh khác kỳ (các trứng thụ tinh ở các tháng khác nhau) chưa thấy xảy ra ở loài người.
Tương tự như song thai, ở phụ nữ mang 4 thai có thể do một trong những tình huống sau:
- Có 4 trứng thụ tinh với 4 tinh trùng khác nhau (4 thai 4 trứng).
- Có hai thai từ hai trứng thụ tinh với hai tinh trùng. Hai thai còn lại do một trứng thụ tinh với một tinh trùng và phân đôi sau đó. Như vậy, trong tình huống này là 4 thai 3 trứng.
- Có 2 trứng thụ tinh với 2 tinh trùng. Cả hai trứng được thụ tinh này đều phân đôi (4 thai từ 2 trứng).
Bác sĩ Thu Hà khuyến cáo, phụ nữ càng mang nhiều thai thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé càng tăng. Khi thai phát triển, hiện tượng tăng huyết áp ở mẹ là phổ biến, tỷ lệ tiền sản giật tăng đáng kể bên cạnh nguy cơ đái tháo đường ở mẹ trong thai kỳ.
Mang đa thai còn làm tăng nguy cơ thiếu máu. Do nhu cầu hồng cầu của mẹ tăng và nhu cầu tạo máu tăng theo số lượng thai nên khả năng thiếu máu cao. Ước tính khoảng hơn 40% thai phụ mang tam thai trở lên bị thiếu máu. Tùy thuộc vào mức độ thiếu sắt và các tế bào hồng cầu trong máu của người mẹ, có thể dẫn đến các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở và giảm lượng truyền ôxy ở các thai.
Theo thống kê, trong các trường hợp mang đa thai, nhiều diễn tiến bất thường có thể xảy ra như ngôi thai bất thường, sa dây rốn, thai suy cấp… nên làm tăng tỷ lệ mổ lấy thai. Vì tử cung quá to nên thường có hiện tượng đờ tử cung sau sinh khiến người mẹ tăng nguy cơ băng huyết sau sinh. Số lượng thai nhiều nên tử cung lớn nhanh làm mẹ mệt mỏi, khó thở, tăng nguy cơ nhau tiền đạo và nhau bong non.
Thông thường những phụ nữ mang đa thai dễ bị sảy thai sớm nên tỷ lệ đa thai giảm dần so với tuổi thai. Tình trạng sinh non, tức là sinh trước tuần thứ 37 của thai kỳ, cũng phổ biến. Trẻ sinh non thường kèm theo các vấn đề của thiếu tháng như suy hô hấp, bệnh phổi, bệnh lý đường tiêu hóa, võng mạc, giảm hoặc mất thính lực, xuất huyết não thất, viêm ruột hoại tử.
Có nhiều nguy cơ cho cả mẹ và bé trong các ca đa thai. Vì vậy kinh nghiệm của thế giới và Việt Nam có chiến lược giảm thai trong những trường hợp tam thai, tứ thai trở lên. Thông thường sẽ can thiệp bằng thủ thuật để giảm còn lại hai thai. Khi số lượng thai giảm sẽ tăng trọng lượng các thai còn lại và kéo dài tuổi thai, khả năng nuôi sống các bé sẽ cao hơn, giảm tỷ lệ bệnh suất và tử suất ở trẻ.
Can thiệp giảm thai thường được thực hiện khi thai được từ 10 tới 12 tuần tuổi. Tuy nhiên, giảm thai là thủ thuật có thể gây một số rủi ro như sẩy thai, nhiễm trùng nên cần sự đồng thuận của cả hai vợ chồng trước khi tiến hành.