Giải mã 'cơn sốt' chuyển nhượng hạ tầng - Bài 5: Minh bạch đến đâu?

Nhà ga T1 Nội Bài vốn đã cũ kỹ, xuống cấp rất cần một sự thay đổi để cải thiện hình ảnh.
Nhà ga T1 Nội Bài vốn đã cũ kỹ, xuống cấp rất cần một sự thay đổi để cải thiện hình ảnh.
TP - Trong “cơn sốt” chuyển nhượng hạ tầng, vấn đề nhà đầu tư và dư luận quan tâm nhất hiện nay là Bộ GTVT đề nghị bán những gì, cách bán và giá bán ra sao. Bộ GTVT vừa có báo cáo và xin Chính phủ chủ trương về một số nội dung liên quan.

Nhiều doanh nghiệp mua, bắt buộc đấu giá

Hàng không là lĩnh vực nóng nhất trong thị trường chuyển nhượng hạ tầng hiện nay. Nhà ga Hàng không T1 Nội Bài vừa được Vietnam Airlines và Vietjet xin chuyển nhượng. Jetstar Pacific cũng mới đệ đơn xin mua lại Cảng Hàng không Đà Nẵng. Ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển, Cty cổ phần Tập đoàn T&T) và một “đại gia” khác cũng lên tiếng muốn mua Cảng Hàng không Phú Quốc. Ông Nguyễn Danh Huy-Trưởng ban Quản lý các dự án đối tác công tư (Bộ GTVT), cho hay: Cảng Hàng không Phú Quốc mới được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương  thí điểm chuyển nhượng. Lý do cảng hàng không này được chọn là không có hoạt động quân sự thường xuyên; quy mô cảng hàng không không quá lớn; tốc độ tăng trưởng hành khách hằng năm cao và ổn định...

“Việc chuyển nhượng sẽ được thực hiện công khai. Chẳng hạn, Nhà ga T1, Nội Bài lúc đầu có một DN đăng ký, Bộ GTVT có chủ trương chuyển nhượng theo thỏa thuận. Nhưng khi có nhiều nhà đầu tư đăng ký, Bộ sẽ tổ chức đấu thầu”.

Ông Nguyễn Danh Huy 

Theo ông Huy, để tiến hành chuyển nhượng cảng hàng không này (và các công trình khác) trước tiên phải xác định giá trị tài sản thông qua các đơn vị tư vấn, định giá độc lập, trình cấp có thẩm quyền  phê duyệt. Hiệu quả công trình hạ tầng phụ thuộc rất nhiều hiệu quả khai thác nên giá bán còn phải dựa trên cả phương án tài chính. “Chẳng hạn, Cảng Hàng không Cần Thơ và Phú Quốc có quy mô, thời điểm đưa vào khai thác gần bằng nhau, (đều mới xây-PV). Tuy nhiên, lượng khách đi bằng máy bay đến Phú Quốc nhiều hơn Cần Thơ nên Cảng Hàng không Phú Quốc sẽ hấp dẫn hơn và giá bán sẽ cao hơn” – ông Huy nói.

Ông Huy cho biết, sau khi xác định phương án tài chính, giá bán, Bộ GTVT sẽ công bố công khai danh sách công trình được chuyển nhượng theo Luật Đấu thầu để các doanh nghiệp (DN) đăng ký tham gia. Nếu có nhiều DN tham gia, Bộ GTVT sẽ tổ chức đấu thầu theo quy định; nếu chỉ có một DN đăng ký sẽ bán theo giá thỏa thuận.

Công khai công trình, cách thức chuyển nhượng

Ông Nguyễn Danh Huy cũng cho hay, Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương nhượng quyền khai thác cảng hàng không, làm tiền đề cho việc chuyển nhượng ở các lĩnh vực khác trong ngành.

Theo đó, nhượng quyền khai thác được tiến hành theo hai hình thức. Thứ nhất là nhượng quyền theo hợp đồng kinh doanh - quản lý (hợp đồng O&M) (được quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP). Ở phương án này, Nhà nước và nhà đầu tư ký kết hợp đồng để kinh doanh công trình nhượng quyền trong một thời hạn nhất định. Hình thức này có thể hiểu đơn giản là Nhà nước cho thuê hạ tầng. Hình thức thứ hai là thực hiện chuyển đổi chủ sở hữu cảng hàng không (được coi là DN) cho tập thể, cá nhân hoặc pháp nhân khác có thu tiền (quy định tại Nghị định số 128/2014/NĐ-CP). Đây là hình thức chuyển giao DN, hay nói cách khác là bán quyền khai thác hạ tầng. Bất kể hình thức nào, phương án chuyển nhượng đều phải tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành.   

Theo ông Vũ Anh Minh- Vụ trưởng Vụ Quản lý DN Bộ GTVT, các hình thức xã hội hóa trong khai thác hạ tầng đang được Bộ GTVT áp dụng gồm: Cổ phần hóa DN, cho phép thành lập thêm các DN tư nhân, nhà nước liên doanh với DN tư nhân; kêu gọi DN đầu tư theo hình thức BOT, PPP… và hình thức nhà nước cho thuê hoặc chuyển nhượng các nguồn lực hạ tầng. Như vậy, ngoài hình thức nhận chuyển nhượng, DN có thể nắm quyền khai thác các công trình hạ tầng nếu chiếm cổ phần chi phối, có quyền phủ quyết tại các DN quản lý hạ tầng đó. Điều này đúng với trường hợp Tập đoàn Vingroup muốn mua 80% cổ phần của Cảng Hải Phòng và Cảng Sài Gòn vừa qua.

Hiện, danh mục các công trình nhượng quyền đã được Bộ GTVT công khai trong các đề án xã hội hóa của từng ngành. Chẳng hạn, trong đề án “Huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không”, danh mục các dự án cảng hàng không hấp dẫn nhà đầu tư có khả năng chuyển nhượng gồm 18 công trình tại các cảng hàng không: Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Liên Khương, Côn Sơn, Phú Quốc... Tỷ lệ phần vốn tối đa cho phép tư nhân tham gia tại các DN quản lý hạ tầng (để nắm quyền điều hành) cũng được công bố tại phương án cổ phần hóa được phê duyệt của từng DN.

Theo nghiên cứu của Cục Hàng không Việt Nam, xã hội hóa kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay rất thành công tại các nước đang phát triển (Ấn độ, Trung Quốc, Brazil, Chilê, Pakistan, Columbia..), nhưng quy mô của hầu hết các dự án không lớn. Hình thức BOT (xây dựng - khai thác – chuyển giao) chủ yếu được áp dụng vào các dự án nhà ga, bến đỗ ô tô, các công trình cung cấp dịch vụ công cộng...

Với các cảng hàng không lớn, quan trọng thì áp dụng nhượng quyền khai thác. Tại các nước phát triển như Mỹ, Tây Âu, Anh hình thức tư nhân hóa triệt để cảng hàng không, sân bay được ưa thích hơn. Tại Nga và các nước Đông Âu cũ hiện tại chủ yếu là hình thức thoái vốn.

MỚI - NÓNG