Ấn Độ:

Giải mã các ca đột tử hơn 20 năm qua

Nhiều đứa trẻ ở Muzaffarpur, Ấn Độ phải nhập viện sau khi ăn vải xanh trong lúc đói bụng.
Nhiều đứa trẻ ở Muzaffarpur, Ấn Độ phải nhập viện sau khi ăn vải xanh trong lúc đói bụng.
TP - Ba năm trước, TS Rajesh Yaday công tác tại Trung tâm Bệnh dịch học Ấn Độ, được biệt phái tới thành phố Muzaffarpur để điều tra nguyên nhân nhiều đứa trẻ ở vùng này chết bí ẩn hơn 20 năm qua.

Hằng năm, cứ vào giữa tháng 5 khi trời nóng như thiêu đốt, nhiều bậc phụ huynh phải đưa con đi cấp cứu. Những đứa trẻ này trước khi đi ngủ hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng đến sáng sớm, chúng khóc thét lên, rồi sau đó rơi vào trạng thái hôn mê. Khoảng 40% ca bệnh tử vong. Đến tháng 7 khi mùa mưa tới, bệnh này đột ngột biến mất như lúc nó bắt đầu.

Từ năm 1995, các nhà điều tra không tìm ra nguyên nhân gây ra những cái chết bí ẩn kia. Họ thường gán cho hiện tượng này là sốc nhiệt, là nhiễm trùng do chuột, dơi, muỗi, hoặc là ngộ độc thuốc trừ sâu được dùng trong các vườn vải trong vùng. Thay vì xuất hiện thành cụm, căn bệnh này chỉ tấn công những đứa trẻ đơn lẻ, không lây sang người thân, họ hàng.

Một cuộc điều tra chung đã được các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Kiểm soát bệnh dịch quốc gia Ấn Độ và các trung tâm kiểm soát và phòng chống bệnh dịch tại Atlanta, Mỹ phối hợp trong 3 năm qua. Công trình nghiên cứu của họ vừa được công bố trên tạp chí y khoa nổi tiếng Lacet Global Health với một phát hiện khá bất ngờ. Thủ phạm chính là trái vải xanh những đứa trẻ ăn lúc đói.

Năm 2015, các nhà nghiên cứu đã tìm ra nguyên nhân ban đầu và các quan chức y tế khuyến cáo các bậc cha mẹ ở Muzaffarpur chỉ cho trẻ ăn vải sau bữa tối và hạn chế việc tiêu thụ quả vải. Sau khi tìm ra nguyên nhân, họ thử nghiệm trong hai năm; số lượng ca mắc bệnh giảm từ hàng trăm xuống còn 50.

TS Yaday nói: “Tình hình hết sức nguy cấp vì chúng tôi chứng kiến những đứa trẻ chết ngay trước mắt chúng tôi hằng ngày, ngay sau khi chúng được đưa đến bệnh viện. Nhiều đứa trẻ trong số đó bị co giật hoặc hôn mê hàng giờ trước khi nhập viện. Các ông bố bà mẹ thì hoảng loạn”.

Chuyên gia bệnh dịch học Padmini Srikantiah và các chuyên gia khác tham gia dự án cho biết, chỉ sau hai năm tiếp cận có hệ thống, các nhà điều tra tìm ra nguyên nhân. Qua tìm hiểu kỹ hồ sơ bệnh án của những đứa trẻ mắc bệnh, họ phát hiện chúng không hề bị sốt, trong khi não phù nề. Các bà mẹ nạn nhân kể rằng, con cái họ buổi tối không hề ăn gì.

Các phân tích mẫu dịch não tủy cho thấy, lượng tế bào máu trắng ở những đứa trẻ mắc bệnh không hề tăng. Bình thường, khi cơ thể bị nhiễm trùng, lượng tế bào máu trắng thường tăng. Qua phân tích mẫu sinh phẩm của hơn 300 đứa trẻ, các nhà nghiên cứu phát hiện, phần lớn nạn nhân có lượng đường trong máu rất thấp.

Vùng Muzaffarpur ở phía đông của Ấn Độ là nơi trồng vải chiếm 70% sản lượng vải của Ấn Độ. Cây vải ở đây nhiều đến nỗi người ta mô tả là không thể đi 100m mà không gặp một vườn vải nào. Không ai biết rằng, ăn trái vải còn xanh lại có thể gây tử vong. Trong trái vải chưa chín có một lượng hypoglycin - một chất độc ức chế khả năng của cơ thể để tổng hợp glucose, dẫn đến hạ đường huyết cấp tính. Nếu ăn trong lúc bụng rỗng sẽ gây mất cân bằng chuyển hóa lớn, dẫn đến co giật, hôn mê và tử vong.

Theo Theo The New York Times
MỚI - NÓNG
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
TPO - Sáng nay (15/11), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng, tuỳ từng thương hiệu vàng.