Giải mã bí ẩn hình tượng rồng trên bia Tiến sĩ ở Văn Miếu

TPO - Trong văn hóa phương Đông, rồng biểu trưng cho sự vô thường, mạnh mẽ của tự nhiên, sự cát tường và biểu tượng đế vương. Vì vậy trong số các hoa văn và họa tiết được sử dụng để trang trí trên trán bia và diềm bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hình tượng rồng luôn nằm ở vị trí trang trọng.

Biểu tượng vô thường, mạnh mẽ

Cách đây 540 năm, những tấm bia đề danh tiến sĩ đầu tiên được vua Lê Thánh Tông cho khởi dựng để tôn vinh các nhà khoa bảng. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn lưu giữ 82 bia, ghi danh 1.304 tiến sĩ, trong đó có 39 bia có hình tượng rồng.

Đây không chỉ là kho sử liệu quý giá về lịch sử, văn hóa, xã hội và giáo dục khoa cử Việt Nam thời phong kiến, mà còn là những tác phẩm nghệ thuật tạo hình độc đáo. Bia tiến sĩ là nơi nghệ nhân chế tác đá gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa.

Giải mã bí ẩn hình tượng rồng trên bia Tiến sĩ ở Văn Miếu ảnh 1Giải mã bí ẩn hình tượng rồng trên bia Tiến sĩ ở Văn Miếu ảnh 2

Trong số các hoa văn và họa tiết được sử dụng để trang trí trên trán bia và diềm bia Tiến sĩ, hình tượng rồng luôn nằm ở vị trí trang trọng.

Tọa đàm Hình tượng rồng trên bia Tiến sĩ: Từ bảo tồn đến phát huy di sản diễn ra chiều 13/8 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (VMQTG) giải đáp nhiều bí ẩn liên quan đến hình tượng rồng trên bia Tiến sĩ.

TS. Trần Hậu Yên Thế (khoa Lý luận, lịch sử và phê bình mỹ thuật, Đại học Mỹ thuật Hà Nội) chỉ ra ý nghĩa biểu tượng của rồng trong văn hóa phương Đông và Việt Nam. Đó là biểu tượng cho sự vô thường, mạnh mẽ của tự nhiên, sự cát tường, vẻ đẹp đế vương. Vì vậy, trong số các hoa văn và họa tiết được sử dụng để trang trí trên trán bia và diềm bia Tiến sĩ, hình tượng rồng luôn nằm ở vị trí trang trọng.

“Trán bia là phần cao quý. Đó là khoảng quan trọng nhất để trang trí. Rồng của mỗi quốc gia có ý nghĩa, đặc trưng riêng. Các vua nhà Lý không sử dụng biểu tượng rồng cho riêng mình mà đại diện toàn quốc gia", TS. Trần Hậu Yên Thế nói.

Giải mã bí ẩn hình tượng rồng trên bia Tiến sĩ ở Văn Miếu ảnh 3

TS. Trần Hậu Yên Thế chia sẻ về hình tượng rồng ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Thu Vân.

Chia sẻ về biểu tượng rồng qua các thời kỳ, PGS.TS Trần Trọng Dương (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết: “Định hình xuyên suốt các giai đoạn, rồng là hình tượng đa nghĩa và dành cho vương giả. Tuy nhiên, phạm vi rồng trong VMQTG mang nghĩa hẹp hơn là khát vọng hóa rồng của những tầng lớp thấp hơn”.

Ở mỗi đợt dựng bia, hình tượng rồng được thể hiện theo phong cách khác nhau. Hoa văn, họa tiết rồng xuất hiện rõ nét trên trán bia Tiến sĩ từ đợt dựng bia năm 1653. Kể từ thời điểm này, hình ảnh rồng chầu mặt trời mây lửa thường xuyên hiện diện trên các trán bia.

Giải mã bí ẩn hình tượng rồng trên bia Tiến sĩ ở Văn Miếu ảnh 4

Định hình xuyên suốt các giai đoạn, rồng là hình tượng đa nghĩa và dành cho giới vương giả.

Từ năm 1717 trở đi, hầu hết hình tượng rồng được các nghệ nhân tạo tác theo những cách thể hiện đa dạng, thoát ly hoàn toàn khỏi những khuôn mẫu thông thường. Có những phiên bản rồng hóa mây, rồng hóa lửa hay rồng hóa cây lá.

Giải mã thời kỳ lịch sử đầy biến động

Những tấm bia chịu nhiều tác động bất lợi của thời tiết. Mặt bia Tiến sĩ bị bào mòn, các họa tiết ít nhiều bị che phủ sau lớp bụi của thời gian. Song nhờ kỹ thuật rập thác bản, các nhà nghiên cứu tìm lại được không chỉ những bài văn bia chứa đựng nhiều thông tin hữu ích mà còn phát hiện hàng loạt hoa văn, họa tiết tinh xảo.

Ông Trương Quốc Toàn - người thiết kế trưng bày Hình tượng rồng trên bia Tiến sĩ - cho rằng 82 tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu hiện nay giống như 82 cuốn sử bằng đá mấy trăm năm qua chưa được mở.

Giải mã bí ẩn hình tượng rồng trên bia Tiến sĩ ở Văn Miếu ảnh 5Giải mã bí ẩn hình tượng rồng trên bia Tiến sĩ ở Văn Miếu ảnh 6
Văn Miếu - Quốc Tử Giám hút khách quốc tế. Ảnh: Nguyễn Trọng Quân.

“Khách tham quan tới Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhìn vào 82 tấm bia ấy như đang ngắm 82 cuốn sách mà chỉ nhìn thấy bìa, còn ruột sách ra sao dường như mọi người chưa biết”, ông Toàn nói.

Chuyên gia nêu quan điểm luôn xem những vấn đề di sản văn hóa giống như "củ hành khô", càng bóc dần từng lớp vào bên trong sẽ hiểu được những lớp nghĩa khác.

Với bia Tiến sĩ cũng vậy, nếu chỉ nhìn bên ngoài sẽ thấy giống như bảng thành tích, nhưng nghiên cứu thêm sẽ có thông tin về quê quán và khi bóc thêm một lớp nữa có thể hiểu thêm nhiều thông tin lịch sử. Từ đó, một thời kỳ lịch sử đầy biến động nhưng vô cùng sáng tạo dần dần được giải mã.

Chính bởi những ẩn nghĩa về hình tượng rồng nói riêng và bia Tiến sĩ nói chung, TS. Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học VMQTG - mong muốn có thêm những cuốn sách về bia Tiến sĩ.

Giải mã bí ẩn hình tượng rồng trên bia Tiến sĩ ở Văn Miếu ảnh 7Giải mã bí ẩn hình tượng rồng trên bia Tiến sĩ ở Văn Miếu ảnh 8Giải mã bí ẩn hình tượng rồng trên bia Tiến sĩ ở Văn Miếu ảnh 9Giải mã bí ẩn hình tượng rồng trên bia Tiến sĩ ở Văn Miếu ảnh 10

Du khách khám phá hình tượng rồng hóa mây, hóa lửa.

“Hy vọng trong tương lai có những cuốn sách, đề án được tạo ra nhằm tiếp nối, phát huy ý nghĩa tại Văn Miếu để dòng chảy văn hóa vẫn tiếp diễn tới thế hệ sau”.

Ông Lê Xuân Kiêu cho biết bia Tiến sĩ cũng được nghiên cứu, đưa vào tour đêm để phát huy giá trị và quảng bá di sản tư liệu này tới đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Bia đá đặt tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám vinh danh tên tuổi những người đỗ đạt trong các kỳ thi tuyển Tiến sĩ triều Lê và Mạc. Trên mỗi tấm bia khắc một bài văn (bài ký) bằng chữ Hán, nội dung ghi lại lịch sử của các khoa thi tổ chức từ năm 1442 đến 1779. Tấm bia Tiến sĩ đầu tiên được dựng năm 1484 đời vua Lê Thánh Tông, ghi lại lịch sử khoa thi năm 1442. Tấm bia cuối cùng được dựng vào năm 1780.

Hồ sơ bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê và Mạc được công nhận Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (2010), Di sản tư liệu thế giới vào năm 2011.

Tin liên quan