Cổ phục không chỉ có áo dài
Những năm gần đây, cổ phục Việt dần nhận được nhiều sự quan tâm. Nhiều nhà nghiên cứu, sưu tầm bắt tay phục dựng, đưa cổ phục Việt trở lại đời sống. Nhắc đến trang phục truyền thống, người Việt thường nhớ đến chiếc áo dài, song lịch sử trang phục Việt Nam phong phú hơn nhiều.
Cổ phục Việt bao gồm yếu tố ngoại lai và bản địa để làm nên tổng hòa trang phục mang dấu ấn riêng. Từ áo giao lĩnh đơn giản đến áo ngũ thân cầu kỳ, cổ phục mang đến một bức tranh đa sắc về văn hóa thời trang của người Việt xưa và nay.
Nhà nghiên cứu, phục dựng cổ phục Việt Nguyễn Đức Lộc nhấn mạnh lịch sử trang phục Việt Nam rất phong phú. |
Nhà nghiên cứu, phục dựng cổ phục Việt Nguyễn Đức Lộc phát biểu trong tọa đàm rằng thật thiếu sót khi gọi chung cổ phục của Việt Nam là áo dài. Tên gọi không đủ bao quát hết các loại cổ phục Việt Nam.
Đến nay, áo giao lĩnh là loại phổ biến nhất. Ngoài ra cổ phục còn có áo viên lĩnh (áo cổ tròn), áo tứ thân (hai vạt áo song song), áo lập lĩnh (cổ đứng). Áo lập lĩnh (hay áo ngũ thân) xuất hiện nhiều trong thời kỳ nhà Nguyễn và là dáng áo thông dụng với thời điểm hiện tại.
Áo ngũ thân được sử dụng nhiều trong phim ảnh, MV ca nhạc. |
Sự xuất hiện của áo ngũ thân trong các MV ca nhạc hay các bộ phim điện ảnh Việt như Hồng Hà nữ sĩ, Người vợ cuối cùng, Kẻ ăn hồn, Tết ở làng Địa ngục... cho thấy phục trang này đang ngày càng được quan tâm.
Cổ phục Việt cũng thể hiện sự khác biệt về thổ nhưỡng, khí hậu và nhân sinh quan của người Việt xưa. Cổ áo người Hoa cao, tròn vì khí hậu lạnh hơn, trong khi đó khí hậu Việt Nam mùa nóng nhiều, cần ăn mặc mát mẻ hơn, lớp lang ít hơn.
Không vội vàng cách tân
Với sự trở lại mạnh mẽ của cổ phục Việt những năm gần đây đã tạo động lực để nhiều người trẻ lựa chọn phục dựng, từ đó khởi nghiệp và quảng bá áo dài ngũ thân đến nhiều người, lan tỏa tình yêu cổ phục Việt Nam.
Tìm kiếm trên mạng xã hội Facebook dễ dàng thấy các nhóm Đại Việt cổ phục, Chợ phiên Việt phục, Hội yêu cổ phục Việt… với số lượng từ hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn thành viên mà đa phần là người trẻ.
Nội dung hoạt động của những nhóm này xoay quanh lịch sử của thời trang Việt, kiến thức văn hóa, chia sẻ ảnh mặc cổ phục đẹp. Việc tìm kiếm các địa điểm bán, cho thuê cổ phục Việt cũng vô cùng đơn giản.
Cổ phục Việt ngày càng được giới trẻ quan tâm, đón nhận. |
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Lộc nhận định cổ phục Việt vẫn là kho tàng lớn và kiến thức, tài liệu về cổ phục Việt không nhiều. “Khi cổ phục đến được với giới trẻ cần nghiên cứu kỹ lưỡng và chuẩn chỉ, luôn ưu tiên câu chuyện đúng trước rồi mới đẹp, gốc phải chắc, không vội vàng cách tân”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Lộc nhấn mạnh.
Sự khác biệt về thẩm mỹ giữa các thế hệ trở thành yếu tố tác động mạnh mẽ đến nhu cầu cách tân cổ phục Việt. Vì vậy, chỉ khi các chuyên gia và giới trẻ kết hợp hài hòa được hai yếu tố trên, việc quảng bá cổ phục Việt mới đạt được hiệu ứng tốt nhất.
Cổ phục Việt được sử dụng làm trang phục để chụp kỷ yếu. |
Để cổ phục Việt có thể tiếp cận ngày càng nhiều bạn trẻ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Lộc đề xuất khi nghiên cứu về cổ phục, trang phục phải được nghiên cứu cùng bối cảnh và những yếu tố liên quan khác như dáng đi, trâm, đồ dùng...
Các nhà thiết kế cùng các nhà nghiên cứu đang cố gắng để giúp công chúng hiểu được những phong cách, trang phục khác nhau và khiến họ khi nhìn vào trang phục sẽ hiểu đây là trang phục thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn…
TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế từng cho rằng ý thức về bản sắc văn hóa truyền thống, sự cảm nhận về vẻ đẹp của trang phục Việt đang được nâng cao trong giới trẻ. Ông khẳng định những bạn trẻ tâm huyết, gìn giữ, làm lan tỏa cổ phục cũng chính là những gạch nối quá khứ và hiện tại.