Tiền Phong từng thông tin Khu xử lý chất thải rắn Lộc Thủy (Phú Lộc, TT- Huế) đã ngưng hoạt động bất đắc dĩ gần 3 tháng nay, do vấp phải phản ứng quyết liệt của dân bởi lý do gây ô nhiễm.
Chính quyền ra tay “giải cứu”
Từ 3 tháng nay, dân thôn Nam Phước chặn tất cả phương tiện chở rác vào nhà máy, vì lý do gây ô nhiễm môi trường kéo dài. Sau nhiều lần lãnh đạo tỉnh, huyện, xã tổ chức họp dân, đối thoại bàn giải pháp xử lý nhưng bất thành, đến nay, khu xử lý chất thải rắn Lộc Thủy bị tê liệt hoạt động gần 3 tháng.
Trước nguy cơ nhà máy xử lý rác thải có trị giá đầu tư hơn 2 triệu USD mới hoạt động vài năm phải đóng cửa vĩnh viễn vì những vướng mắc với dân, mới đây, ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, cùng ngành chức năng tiếp tục đối thoại với dân. Tại cuộc làm việc mới nhất này, biện pháp “giải cứu” nhà máy xử rác được đưa ra và nhận sự đồng thuận của nhiều người dân.
Tiếp xúc với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Mạnh, cho biết: qua nhiều buổi đối thoại của huyện, tỉnh với dân, do ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, chủ trì, chính quyền huyện đã rút ra được hai nội dung quan trọng cần thực hiện, đó là đồng ý di dời các hộ dân gần nhà máy rác trong phạm vi 300 m và buộc doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý rác thải.
Qua kiểm tra bước đầu, trong phạm vi 300 m tính từ nhà máy ra khu dân cư, hiện có 22 hộ dân sinh sống. Tuy nhiên, nếu di dời số hộ dân này, có thêm 8 hộ khác bị ảnh hưởng, do đó, có tất cả 30 hộ được đưa vào diện phải chuyển đi tái định cư nơi khác. Ban đầu, chính quyền huyện chỉ đưa ra phương án đền bù đất ở, nhà cửa, còn đất sản xuất, các tài sản khác trên đất vẫn để dân sử dụng mà không thu hồi, giải tỏa, đền bù. Tuy nhiên, qua xem xét quy hoạch chung vùng Chân Mây, chính quyền huyện quyết định thu hồi, đền bù cả đất ở, đất sản xuất, tài sản trên đất đối với 30 hộ dân gần nhà máy rác, với tổng kinh phí dự trù khoảng 26 tỷ đồng.
Cho dân thuê đất giá 0 đồng
Để tạo yên tâm cho dân khi chuyển sang nơi ở mới, chính quyền vận dụng một số cơ chế đặc biệt, như lấy đất đổi đất, đất ở bị thu hồi gần nhà máy có giá trị thấp được “đổi” bằng đất thuộc khu tái định cư Lộc Thủy có giá trị cao gần gấp đôi, nằm gần Quốc lộ 1 rất thuận tiện cho đi lại làm ăn, con em đến trường học hành. Mặc dù dân chuyển đến nơi khác, nhận tiền đền bù đất ở, đất nông nghiệp, cây cối, tài sản trên đất một lần, nhưng bà con vẫn được hưởng ưu tiên quay lại khu đất cũ đã bị thu hồi để thuê mặt bằng làm ăn, canh tác, sản xuất, cải thiện sinh kế từ chính quyền với giá… “0 đồng”.
Với “sáng kiến” này, những hộ dân tham gia buổi đối thoại đều rất đồng tình, thậm chí còn yêu cầu tăng thêm số hộ di dời nếu xác định bị ảnh hưởng, ô nhiễm từ nhà máy rác. “Qua buổi đối thoại chiều 17/5, có tất cả 29/30 hộ tham gia. Một hộ vắng vì lý do việc nhà. Huyện tiếp nhận 11 ý kiến phản ánh của bà con, tất cả dân tham gia đối thoại đều đồng tình. Một số người nêu ý kiến đề nghị bổ sung đền bù tài sản trên đất như vườn cây, ao cá, giếng nước, mái ngói… chứ không có ý kiến phản đối. Chúng tôi rất vui vì hầu hết bà con đều phấn khởi trước cách xử lý này. Các giải pháp kể trên tạo lợi ích tối đa cho dân, vì lợi ích của dân, nên nhiều bà con cảm thấy yên tâm”, ông Mạnh chia sẻ.
Chủ tịch huyện Phú Lộc còn cho biết thêm, sau khi đề xuất với tỉnh và nhận văn bản đồng ý chính sách này, UBND huyện sẽ cho tiến hành ngay công tác đền bù, đồng thời, vận động dân đồng ý cho xe chở rác vào nhà máy trở lại, nhằm tránh gây ô nhiễm kéo dài do rác bị dồn ứ mấy tháng nay tại nhiều địa bàn.
“Trước tiên, khi nhà máy rác vận hành trở lại, chúng tôi yêu cầu đơn vị quản lý khu xử lý lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường và công khai giá trị quan trắc cho dân giám sát và theo dõi.
Nếu trong khoảng cách từ 400 đến 500 m mà còn xảy ra ô nhiễm do bãi rác gây nên, chính quyền sẽ tiếp tục xem xét thực hiện di dời dân đợt tiếp theo, với cơ chế chính sách hỗ trợ, đền bù như áp dụng với 30 hộ dân di dời đợt đầu. Chúng tôi cũng yêu cầu Công ty CP Môi trường & Công trình Đô thị Huế phải có trách nhiệm thực hiện, áp dụng nhanh các công nghệ tiên tiến vào khu xử lý rác Lộc Thủy”, ông Mạnh lưu ý.
“Qua buổi đối thoại chiều 17/5, có 29/30 hộ tham gia. Một hộ vắng vì lý do việc nhà. Huyện tiếp nhận 11 ý kiến phản ánh của bà con, tất cả dân tham gia đối thoại đều đồng tình. Một số người nêu ý kiến đề nghị bổ sung đền bù tài sản trên đất như vườn cây, ao cá, giếng nước, mái ngói… chứ không có ý kiến phản đối. Chúng tôi rất vui vì hầu hết bà con đều phấn khởi trước cách xử lý này. Các giải pháp kể trên tạo lợi ích tối đa cho dân, vì lợi ích của dân, nên nhiều bà con cảm thấy yên tâm”.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc