Dự án nhà máy rác cạnh Chùa Hương: Sẽ phải chuyển sang địa điểm khác!

Dự án nhà máy rác cạnh Chùa Hương: Sẽ phải chuyển sang địa điểm khác!
Sau khi báo Tiền Phong lên tiếng, có sự tiếp sức của Đài Truyền hình TW và dư luận cả nước phản đối dự án xây dựng này, chiều 18/2/2005, Thường trực UBND tỉnh Hà Tây đã họp và đi đến thống nhất sẽ chuyển địa điểm xây dựng nhà máy xử lý rác cạnh Chùa Hương đến một nơi khác.
Dự án nhà máy rác cạnh Chùa Hương: Sẽ phải chuyển sang địa điểm khác! ảnh 1
Nam Thiên đệ nhất động đã thoát hiểm!                               ảnh: Hồng Vĩnh

Theo kế hoạch cũ của tỉnh Hà Tây, thì đầu tháng 3/2005, thủ tục phê duyệt Dự án xây dựng nhà máy xử lý rác tại An Phú sẽ hoàn tất. Nhà máy sẽ được khởi công ngay sau đó để có thể đi vào hoạt động vào đầu năm 2007. Đây là công trình xử lý rác thải vào loại lớn, sử  dụng công nghệ khá hiện đại của Đức, công suất khoảng 250 tấn rác/ngày, xử lý toàn bộ rác thải khu vực Chùa Hương-Mỹ Đức, thị xã Hà Đông và vùng phụ cận. Tuy nhiên, do chưa có sự khảo sát đầy đủ nên ngay từ đầu, dự án này đã  bị dư luận và nhân dân địa  phương phản đối gay gắt.

Ông Chủ tịch UBND xã An Phú Nguyễn Thế Nghĩa cho biết, dự án sẽ làm cả xã và dân được lợi, thế mà dân lại phản đối. Cái lợi chính là xã sẽ được một số công trình. Ngay sau khi có dự án, xã đã làm Tờ trình đề nghị hỗ trợ tổng kinh phí khái toán là hơn 20 tỷ đồng.

Theo đó, xã An Phú sẽ được xây dựng một trụ sở mới hai tầng, trạm y tế, lớp học mầm non, đường liên xã dài 4,8 ki-lô-mét( Tổng kinh phí 7,73 tỷ đồng); các thôn Đồng Chiêm, ái Nàng, Đồng Văn được xây dựng bao vùng chống lũ, một số cầu dân sinh, đường làng bê tông, nước sạch, nhà văn hóa thôn (12,3 tỷ đồng)…

Nhìn thoáng qua, đó là những công trình có giá trị tương đối lớn, bằng nội lực, một xã nghèo như An Phú chưa thể tự làm được. Tuy nhiên, ngay từ đầu, người dân An Phú kiên quyết không chấp nhận “đổi đất, để lấy công trình”. Ông Nguyễn Hải Đăng, một người dân xã An Phú nói: “Chúng tôi biết rất rõ nếu xây dựng nhà máy rác tại đây chẳng khác nào biến cả vùng sinh thái nơi đây thành một bãi rác lớn. Vì vậy chúng tôi phản đối. Hơn nữa, An Phú là một xã thuần nông, hơn 7000 dân ở đây chỉ sống bằng cây lúa. Nếu phải trích ra hơn 44 ha đất để đổi lấy một số công trình công cộng thì đời sống của những người nông dân nơi đây sau này sẽ ra sao?”.

Làm việc với PV, ông Nguyễn Thế Nghĩa cũng thừa nhận: Vị trí đặt nhà máy rác cũng chỉ cách khu dân cư trên dưới 1 ki-lô-mét. Như vậy, không thể đánh giá hết được những tác động sau này khi nhà máy hoạt động. Xã chỉ còn biết giải thích, họp dân vì đây là chủ trương của tỉnh.

Một quyết định cần thiết

Bài học từ Nhà máy rác thải Nam Định (công nghệ Pháp) cho thấy, một nhà máy rác thải dù hiện đại thế nào cũng vẫn có khả năng gây ô nhiễm ra xung quanh.

Chủ đầu tư, ông Đặng Văn Hiển–Giám đốc Cty môi trường đô thị Hà Đông cũng chỉ cam kết  sẽ không gây ô nhiễm nguồn nước, không khí trong bán kính không quá 1 ki-lô-mét!. Nhân dân xã An Phú cho rằng: xây dựng nhà máy xử lý rác tại An Phú chẳng khác nào “cõng” rác về danh thắng, đổi môi trường trong lành lấy sự ô  nhiễm lâu dài! Phó giám đốc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Hà Tây, ông Phạm Văn Khánh, nói: Mặc dù chủ đầu tư sẽ chọn công nghệ hiện đại nhưng bản thân tôi cũng thấy rất băn khoăn khi đặt nhà máy xử lý rác tại xã An Phú, một địa điểm khá gần Chùa Hương như vậy.

Trao đổi nhanh với phóng viên qua điện thoại, chiều 20/2/2005, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây thừa nhận: Đúng là khi đưa dự án về An Phú, các cơ quan chức năng cũng chưa có khảo sát cụ thể do đó đã gặp sự phản ứng của dư luận và nhân dân địa phương. Chiều ngày 18/2/2005, Thường trực UBND tỉnh Hà Tây đã họp và thống nhất sẽ chuyển nhà máy rác tới một địa điểm khác, nằm cách xa khu vực Chùa Hương. Địa điểm được chọn có thể là tại Chương Mỹ hoặc một nơi khác và sẽ phải được khảo sát một cách hết sức thận trọng.

Để bảo vệ danh thắng Hương Sơn-một di sản văn hoá đặc biệt không có cách gì khác là tiếp tục đầu tư nơi đây thành một quần thể danh thắng-du lịch hấp dẫn, có môi trường trong lành hơn. Chuyển dự án nhà máy xử lý rác thải ra khỏi khu vực này  chính là một quyết định cần thiết của tỉnh Hà Tây: Báo Tiền Phong xin hoan nghênh quyết định dũng cảm này của tỉnh Hà Tây, đồng thời cảm ơn các nhà khoa học, các nhà văn hóa và nhân dân cả nước đã cùng với công luận lên tiếng bảo vệ và gìn giữ khu danh thắng di tích Chùa Hương.

MỚI - NÓNG