Từ con chip trên mai rùa
Anh Trần Hữu Đức Nhật (trú đường Quang Trung, quận Hải Châu, Đà Nẵng) vui mừng báo với tôi qua điện thoại con rùa biển suýt…lên mâm đã được vẫy vùng dưới đại dương. “Nó được cứu ngay trong ngày. Tận tay lực lượng chức năng mang nó thả về biển là tui yên tâm rồi. Chậm chân chút thôi là nó đã thành mồi nhậu”, anh nói.
Ngày 13/11, đúng Chủ nhật, một người bạn gửi cho anh Nhật hình ảnh của chú rùa bị nhốt trong một nhà hàng trên đường Yên Bái (quận Hải Châu). Anh thấy con rùa cũng bình thường như bao con rùa khác, song khi nhìn kỹ phát hiện trên mai có gắn một con chip điện tử. Đoán chắc đây là động vật được bảo vệ hoặc theo dõi đặc biệt mới có gắn chíp, anh lập tức gọi điện cho đường dây nóng bảo vệ động vật hoang dã, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học nước Việt Xanh (GreenViet). Sợ họ chậm chân, anh Nhật tiếp tục lục tung danh bạ gọi cho bạn bè, nhờ mọi người tìm cách liên hệ với lực lượng chức năng để giải cứu chú rùa.
Ngay trong ngày hôm đó, Chi cục Thủy sản, Cảnh sát môi trường (Công an TP Đà Nẵng), Bộ đội Biên phòng lập tức có mặt tại nhà hàng để xác minh. Qua kiểm tra, chú rùa này là rùa biển có nguồn gốc tự nhiên, dài 0,5m, nặng 4,5kg. Cá thể rùa này cần được bảo vệ và cấm khai thác, mua bán dưới mọi hình thức.
Trong chiều cùng ngày, lực lượng chức năng đã vận động chủ nhà hàng cùng đem cá thể rùa thả về biển. Anh Nhật nhớ lại: “Cả ngày hôm đó tui gọi điện liên tục để cập nhật tình hình giải cứu. Chậm chân là vĩnh viễn mất nó rồi còn gì. Dù là ngày nghỉ Chủ nhật, nhưng thấy mọi người giải cứu rùa thần tốc nên tôi vô cùng cảm kích”. Anh nói thêm, nếu ai cũng thờ ơ khi thấy động vật hoang dã bị nuôi nhốt trong nhà hàng, quán nhậu thì vô tình làm cạn kiệt nguồn sinh vật tự nhiên.
Rùa biển có gắn chíp điện tử trên mai được lực lượng chức năng thả về biển chiều 13/11. Ảnh: Thanh Trần
Bỏ tiền túi cứu động vật hoang dã
Câu chuyện giải cứu “mồi nhậu” của anh Trần Văn Dũng (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), chủ một quán nhậu dưới chân “lá phổi xanh” của thành phố vẫn được anh em trong Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn nhắc nhở như là một tấm gương sáng về bảo vệ động vật hoang dã. Một lần tình cờ nghe bàn khách trong quán bàn tán rôm rả việc chuẩn bị giết khỉ làm mồi và nấu cao, anh lân la lại gần ngỏ ý mua lại với giá 1,5 triệu đồng. Anh Dũng phải giả vờ mua về làm mồi thì nhóm khách mới chịu bán.
Đưa chú khỉ ra khỏi vòng nguy hiểm, anh báo ngay cho Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn. Khi lực lượng này tới lập biên bản bàn giao, anh mới biết đó là chú khỉ đuôi lợn, nặng hơn 5kg, tuy không nằm trong danh mục các loại động vật quý hiếm nhưng rất khó bắt gặp. “Lúc cứu nó tui đâu có biết nó là giống khỉ gì. Miễn là động vật ở với núi với rừng là phải giúp nó sống, trả lại tự do cho nó”, anh Dũng nói.
Sau nhiều ngày chăm sóc và theo dõi tình hình sức khỏe của chú khỉ ổn định, anh Dũng cùng Hạt Kiểm lâm mang chú khỉ lên núi Sơn Trà thả về môi trường tự nhiên. Trước đó, anh Dũng cũng là người liên tục báo cho lực lượng kiểm lâm tới tiếp nhận trăn, đại bàng.
Chị Lê Thị Trang, Phó giám đốc GreenViet cho biết trong năm nay, trung tâm đã 5 lần tiếp nhận động vật hoang dã suýt bị làm mồi nhậu do người dân và du khách đưa tới. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là lần giải cứu tới cùng của hai du khách nước ngoài. Chị kể, khi phát hiện chú khỉ đuôi lợn bị treo ở quán nhậu, hai du khách này đã bỏ tiền túi ra mua lại và ôm nó tới GreenViet.
Chú khỉ quá nhỏ và yếu ớt, cần phải chăm sóc chứ không thể lập tức thả về rừng nên trung tâm đã liên hệ với nhiều nơi để tiếp nhận. Cuối cùng một trung tâm cứu hộ động vật ở Quảng Bình đồng ý. Nhưng rồi lại trục trặc chuyện vận chuyển chú khỉ. Nghe vậy, hai du khách không hề đắn đo, tức tốc tự bắt xe đưa chú khỉ ra tận nơi với hy vọng nó được chăm sóc rồi sớm thả về rừng. “Đó là một hành động đẹp cần được lan tỏa và thức tỉnh người dân. Với người nước ngoài, giam cầm động vật hoang dã là một việc làm rất thiếu lương tâm, đưa chúng lên bàn nhậu thì quá sức kinh khủng. Trong khi đó, chúng ta vẫn chưa ý thức hết về việc làm này”, chị Trang nói.
Chủ quán cùng thả động vật về với tự nhiên
Theo chị Trang, những nhà hàng, quán nhậu nuôi nhốt động vật hoang dã với nhiều mục đích khác nhau, trong đó mục đích để làm mồi nhậu phần lớn họ không biết việc làm của mình là trái phép. Họ không biết rõ đâu là loài cần được bảo vệ, đâu là động vật quý hiếm, cấm khai thác dưới mọi hình thức cho đến khi có sự vào cuộc của cơ quan chức năng. “Tuy nhiên, khi được vận động để thả về rừng thì họ luôn sẵn sàng. Đó là một tín hiệu rất đáng mừng”, chị Trang nói thêm.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Lưu Quang Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng cho hay: Chúng tôi đã đưa chủ nhà hàng cùng đi thả động vật về môi trường tự nhiên, muốn để họ thấy ý nghĩa của việc làm đó, thấy được môi trường sống thực thụ của những con vật mà bấy lâu họ nuôi nhốt. Từ đó ý thức hơn khi tiếp cận động vật hoang dã”.
Theo ông Khánh, để giải cứu động vật hoang dã, nhất là động vật có nguy cơ làm mồi nhậu phải đặt hai yếu tố kịp thời và mềm dẻo lên hàng đầu. Sau khi nhận tin báo, Chi cục lập tức cử lực lượng đi kiểm tra, xác minh động vật, sau đó thông tin cho chủ nhà hàng, quán nhậu biết về những quy định bảo vệ động vật hoang dã, động vật quý hiếm…cũng như các mức phạt. “Nghe xong họ đều sẵn sàng giao nộp, trường hợp không chấp hành chúng tôi mới phải dùng đến các biện pháp cưỡng chế. Song dù tình thế ra sao thì vẫn đặt mục đích uốn nắn ý thức lâu dài của người dân lên trên hết chứ không phải giải quyết theo kiểu cuốn chiếu rồi thôi. Như vậy họ mới không tái phạm”, ông Khánh nói.
Đại diện nhà hàng Đông Dương (quận Hải Châu), nơi vừa được lực lượng chức năng vận động thả con rùa biển về môi trường tự nhiên, nói: “Chúng tôi không hề biết đó là rùa tự nhiên cần được bảo vệ và cấm buôn bán. Chỉ nghĩ nó cũng như bao loài rùa khác mới dám để khơi khơi cho khách thấy. Khi biết thông tin rõ ràng về loài rùa này, nhà hàng đã cùng lực lượng chức năng đi thả ngay. Đây là một bài học để nhà hàng lưu ý hơn”.