Đang sai lầm?
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, TPHCM đang phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức mới, như việc mất kiểm soát trong tăng trưởng dân số cơ học; phát triển hạ tầng chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế và dân số; ô nhiễm môi trường, lấn chiếm kênh rạch, biến đổi khí hậu.
“Thời gian tới, Bộ Xây dựng cam kết ủng hộ mạnh mẽ chương trình chỉnh trang đô thị để TPHCM sớm hoàn thành mục tiêu đã đề ra”, ông Hà nói.
TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright viện dẫn báo cáo 2035 của Ngân hàng Thế giới, cho rằng, để giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông ở trung tâm TP Hà Nội và TPHCM, mối quan hệ giữa đô thị nén và hệ thống vận tải công cộng cần được quan tâm. Tuy nhiên, các kế hoạch phát triển ở khu trung tâm Hà Nội và TPHCM cho thấy điều này có khả năng không thành hiện thực do các chính sách trái ngược đang được triển khai.
Một mặt, các kế hoạch hàng chục tỷ USD để xây dựng hệ thống vận tải công cộng công suất lớn dựa vào tàu điện ngầm, xe điện và xe buýt nhanh đang được triển khai tại Hà Nội và TPHCM. Mặt khác, quan điểm đi kèm với chính sách hạn chế mật độ và chiều cao ở các khu trung tâm Hà Nội và TPHCM dường như đang thắng thế.
“Chính sách này đi cùng với sự phát triển manh mún với mật độ thấp như đã phân tích ở trên rất có khả năng sẽ tạo ra rất nhiều điểm tắc nghẽn nhỏ, sau đó lây lan ra diện rộng”, TS Du nói và cho rằng, TPHCM cần phát triển đô thị theo định hướng vận tải công cộng (TOD) và gắn chương trình chỉnh trang đô thị với chương trình giảm ngập nước, ô nhiễm… thay vì dồn sức mở đường, vừa không đủ nguồn lực, vừa không hạn chế được phương tiện cá nhân.
Ông Du dẫn chứng: Kinh nghiệm của các thành phố có sức cạnh tranh và có hệ thống giao thông công cộng hiệu quả cho thấy chỉ nên tập trung phát triển với mật độ cao ở vùng lõi trong phạm vi khoảng 600 km2 như Tokyo: 623 km2, Seoul: 605 km2,… đặc biệt là dọc theo các tuyến giao thông công cộng. Vì vậy, TPHCM nên ưu tiên tập trung mật độ vào khu vực hiện hữu (494 km2) và hạn chế việc mở rộng, phát triển “nhảy cóc” ở những vùng ven bằng vành đai xanh. “Phát triển đô thị tràn lan, nhảy cóc sẽ để lại những hậu quả hết sức nghiêm trọng của quá trình đô thị hóa”, ông Du cảnh báo.
Giao quyền cho chuyên viên
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, TPHCM cần có cơ chế đặc thù, nhất là trong lĩnh vực tài chính để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị. Mục tiêu của chương trình là tập trung nguồn lực đầu tư để chỉnh trang và phát triển đô thị, phấn đấu đến năm 2020, di dời và tổ chức lại cuộc sống cho 20.000 người dân đang sống trên và ven các kênh, rạch, đồng thời xây mới, cải tạo 50% số chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975.
Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường cho biết, giai đoạn 2016 -2020, TPHCM cần 315.000 tỷ đồng cho các dự án trọng tâm của chương trình giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông, trong đó ngân sách thành phố cần 38.000 tỷ đồng, vốn trung ương 80.000 tỷ đồng, vốn ODA 72.000 tỷ đồng, số còn lại (125.000 tỷ đồng) cần kêu gọi đầu tư.
Đề cập thủ tục hành… là chính, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM kể: Tôi có người bạn xin xây dựng một khách sạn mini. Sau khi được Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND quận chấp thuận về quy hoạch, được cấp phép xây dựng. Khi sắp hoàn thành, đi đăng ký kinh doanh mới phát hiện còn thiếu một phòng theo quy định về điều kiện kinh doanh khách sạn.
Sau khi xin lại ý kiến quy hoạch – kiến trúc, thay đổi giấy phép xây dựng để làm thêm một phòng. Xong xuôi, cơ quan đăng ký kinh doanh trả lời “không được” vì không nằm trong quy hoạch khách sạn của địa phương. Có rất nhiều ví dụ về các điều kiện tiền kiểm phi lý, những điều kiện để cấp giấy phép con mà Chính phủ đang rất quyết tâm loại bỏ.
Theo TS Võ Kim Cương, các sở ngành đã thực hiện quy trình quản lý chất lượng công tác theo “ISO – 2000”, ưu điểm nổi bật là chất lượng công việc và thời gian giải quyết được kiểm soát trong từng khâu của dây chuyền. Cũng nhờ đó mà phát hiện ra có nhiều công đoạn không cần thiết.
“Có cần phải qua nhiều người như vậy không? Đó là thời gian còn tốn nhiều trong việc xin ý kiến các cơ quan và bổ túc, chỉnh sửa hồ sơ nhưng không được thể hiện trên sơ đồ. Hướng dẫn – bổ túc, chỉnh sửa – tham vấn – hướng dẫn… thường là những vòng xoáy làm mất nhiều thời gian ngoài quy trình chính thức”, ông Cương nói.
Ông Cương dẫn chứng: Dây chuyền hành chính theo thứ bậc: Nhân viên hành chính – nhân viên chuyên môn – trưởng phòng – giám đốc sở – UBND thành phố… Trách nhiệm thuộc người đứng đầu, cấp dưới chịu trách nhiệm (kỷ luật hành chính) trước cấp trên. Với dây chuyền này, cấp trên phải tinh thông hơn cấp dưới nhưng trên thực tế, cấp trên không thể sâu sát, tỉ mỉ bằng cấp dưới do không đủ thời gian để thụ lý vụ việc cặn kẽ nên nhiều khi chỉ ký theo cấp dưới.
Vì vậy, thực chất người ra quyết định chính là các nhân viên chuyên môn trực tiếp thụ lý hồ sơ. Trong khi đó, hệ thống ràng buộc trách nhiệm rất cồng kềnh. Đó là lý do vì sao việc thụ lý hồ sơ mất nhiều thời gian, dẫn đến năng suất lao động thấp, lương thấp, lãnh đạo sa vào sự vụ mà công việc lại chậm trễ.
“Giải pháp để loại bỏ dây chuyền dài dòng này là giao quyền cho chuyên viên. Điều kiện tiên quyết để thực hiện là chuyên viên phải có trình độ và phẩm chất cao, có quyền ra quyết định và trực tiếp chịu trách nhiệm”, TS Võ Kim Cương đề xuất.
Một số chuyên gia cho rằng, việc xây dựng các khu đô thị vệ tinh, khu công nghiệp, di dời các trường đại học ra ngoại thành nhưng hạ tầng kỹ thuật đầu tư chưa tương xứng dẫn đến tình trạng “dao động quả lắc”, gây ùn tắc giao thông trầm trọng hơn.