Giấc mơ xuất khẩu giáo dục của Việt Nam

Du học sinh nước ngoài đang học tại Việt Nam.
Du học sinh nước ngoài đang học tại Việt Nam.
TP - Năm 2014, khi được bổ nhiệm hiệu trưởng Ðại học FPT, TS. Ðàm Quang Minh mới 35 tuổi, là hiệu trưởng trẻ nhất lúc bấy giờ. Sau hơn 2 năm gắn bó, anh chính thức rời “ghế nóng” để tìm hướng đi mới. 

Suốt hơn 10 năm gắn bó với giáo dục, TS. Ðàm Quang Minh đã có những nghiên cứu liên quan đến giáo dục đại học trong nước với những dự báo cho đến bây giờ, nó bắt đầu trở thành “ứng báo”.

Miếng trong nước nhỏ dần

Một buổi sáng mùa đông, Hà Nội lành lạnh. Năm nay, những đợt gió mùa không đủ sức làm người dân Hà Thành phải co  mình lại trong giá rét. Bên chén nước trong quán cà phê dưới chân tòa nhà nơi mình đang sinh sống, TS. Ðàm Quang Minh cho biết buổi chiều sẽ cho các con trải nghiệm kỳ nghỉ cuối tuần. Anh khẳng định mình không giàu, nhà phải đi thuê, không có xe bốn bánh nhưng vẫn đầu tư một khoản không nhỏ để đưa các con đi thăm viện bảo tàng của các nước để các con sớm có được trải nghiệm.

Từ câu chuyện của bản thân mình, anh chia sẻ về góc nhìn mà người ta gọi là “tị nạn” giáo dục đang diễn ra tại Việt Nam. Anh cho biết: Theo thống kê của Việt Nam hiện nay có khoảng 110.000 đến 125.000 du học sinh đang học ở nước ngoài. Mỗi năm người Việt chi ước chừng khoảng 3 tỷ đô la (USD) cho con du học. Trong khi đó, chỉ có 3000 du học sinh các nước đang học tại Việt Nam. Nếu nhìn giáo dục như một nền kinh tế thì chúng ta đang nhập siêu giáo dục. Tổng số sinh viên Việt Nam hiện nay là 2,4 triệu, và chi phí hàng năm để đào tạo số lượng sinh viên này là 1,7 tỷ USD - 2 tỷ USD. Như vậy, miếng bánh trong nước đã nhỏ hơn miếng bánh ngoài nước.

Ðiều này phản ánh một thực trạng “thị trường” giáo dục của Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu của người dân trong nước. Một nền giáo dục không hấp thụ được học sinh thì đó là một nền giáo dục thiếu hội nhập.

Trái ngược với quan điểm của nhiều chuyên gia, TS. Ðàm Quang Minh không phản đối xu thế du học của sinh viên Việt. Xu hướng trao đổi du học sinh là xu hướng mà thế giới đang diễn ra. Nhưng trong xu hướng cạnh tranh đó  phải tìm được  cách để “thiên hạ” đến với mình.

Mất dần thị phần trong nước

Trong thời gian qua, ngoài công việc của một giảng viên, một nhà quản lý, anh luôn đặt cho mình một mục tiêu để nghiên cứu. Với đề tài quốc tế hóa giáo dục, anh đã có những cảnh báo quan trọng đối với các trường ÐH Việt Nam cách đây không lâu. Ðó là xu hướng dịch chuyển sinh viên trên thế giới ngày càng tăng. Sau hai năm, ở Việt Nam, số sinh viên nước ngoài đến trải nghiệm tăng lên nhiều lần.  Từ xu hướng đó, TS. Ðàm Quang Minh cho rằng nếu không thay đổi, nền giáo dục ÐH của Việt Nam sẽ suy giảm nhanh trong thời gian tới.  Các trường sẽ phải đối mặt với tình trạng mất sinh viên, mất thị trường trên chính mảnh đất của mình. Bởi đời sống người dân ngày càng tăng, đi du học tại các nước xung quanh như Malaysia, Singapore ngày càng rẻ. Anh dự đoán, con số đi du học sẽ không chỉ dừng lại  như trên mà sẽ có thể là 200.000 sinh viên đến 300.000 sinh viên (gần bằng chỉ tiêu đào tạo ÐH chính quy một năm của các trường ÐH Việt Nam).

Theo TS. Minh, các trường ÐH công lập của Việt Nam đã bắt đầu chuyển mình. Mấu chốt của vấn đề là phải thay đổi hệ thống chính sách đối với trường công.

Trước đó TS. Ðàm Quang Minh cũng có hai đề tài nghiên cứu quan trọng là các trường ÐH ngoài công lập và cơ chế vận hành các trường ÐH công lập. Năm 2014, anh (khi đó chưa là hiệu trường ÐH FPT) cùng với TS. Phạm Thị Ly (ÐH Quốc gia TPHCM) đã có bài báo cáo về giáo dục ngoài công lập ở Việt Nam. 

Theo quan điểm của anh giáo dục ngoài công lập của Việt Nam hiện nay, đã có sự phân hóa rõ ràng và có thể thấy hai nhánh khá khác biệt. Thứ nhất là các trường hạng D, học phí rất thấp và tuyển sinh chủ yếu những thí sinh “vớt”. Theo anh, đây là lựa chọn vào ngõ cụt, một hướng đi sai lầm. Không những thế, TS. Minh cho hay, một hai năm trở lại đây, không còn thấy tên của những trường này trên “bản đồ” của giáo dục ÐH Việt Nam như ÐH Hà Hoa Tiên (đã chuyển giao cơ sở vật chất cho Bộ Công an), ÐH Phan Châu Trinh, ÐH Chu Văn An, ÐH Lương Thế Vinh, ÐH Trưng Vương, ÐH Hữu nghị… Nhánh thứ hai là học phí cao và chất lượng của những trường này đã bắt đầu làm thay đổi nhận thức của người dân. Nhiều người bắt đầu thấy tự hào khi cho con em mình học tại những trường này như ÐH Duy Tân, ÐH Hoa Sen, ÐH Thăng Long, ÐH FPT… 

Giấc mơ xuất khẩu giáo dục của Việt Nam ảnh 1 TS. Ðàm Quang Minh.

Và ước mơ xuất khẩu giáo dục

Dù chất lượng giáo dục ÐH Việt Nam còn nhiều điều chưa ổn, nhưng từ năm 2014, TS. Ðàm Quang Minh đã nghĩ đến giấc mơ xuất khẩu giáo dục. Sau một thời gian vật lộn trên “thương trường” giáo dục quốc tế, anh nhận thấy du học sinh chọn quốc gia rồi mới chọn trường ÐH. Tức là chọn uy tín giáo dục của một quốc gia rồi mới đến uy tín của một trường ÐH. Vì vậy, để xây dựng thương hiệu quốc gia giáo dục cho Việt Nam, không gì khác là các trường ÐH của Việt Nam phải tích cực “xuất hiện” tại các diễn đàn lớn trên thế giới về giáo dục. Giống như một con thuyền ra biển hay một đoàn thuyền ra biển.  Những năm vừa qua,  TS. Minh cùng một số chuyên gia giáo dục đã vận động một số trường tham gia vào nhóm toàn cầu hóa giáo dục của QS (Quacquarelli Symonds – tổ chức giáo dục chuyên về đánh giá, xếp hạng các trường ÐH  trên thế giới). Anh mong muốn thời gian tới, làm sao có được từ hơn 10 trường đến 20 trường ÐH sẵn sàng tham gia nhóm toàn cầu hóa giáo dục của QS.

Tuy nhiên, với các trường ngoài công lập, việc hội nhập thường dễ hơn các trường công lập. Nhưng theo TS. Minh, các trường ÐH công lập của Việt Nam đã bắt đầu chuyển mình. Mấu chốt của vấn đề là phải thay đổi hệ thống chính sách đối với trường công. Ví dụ như có chỉ tiêu nhất định cho việc này; thay đổi áp đặt yêu cầu cao với chương trình đào tạo. Không thể nói quốc tế hóa giáo dục mà chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt. Phải có chính sách để có được giảng viên nước ngoài… rồi mới nói đến chuyện có sinh viên quốc tế. 

Còn nói về bản thân mình, TS. Ðàm Quang Minh cho hay, sau khi rời ghế nóng hiệu trưởng ÐH FPT, anh vẫn tiếp tục gắn bó với giáo dục. Chỉ hai năm làm lãnh đạo ÐH FPT, anh rút được rất nhiều kinh nghiệm để tiếp tục theo đuổi mục tiêu đóng góp một tiếng nói nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ÐH Việt Nam.

TS. Ðàm Quang Minh sinh năm 1979. Tốt nghiệp hệ cử nhân tài năng của ÐH Khoa học Tự nhiên, ÐHQG Hà Nội. Anh sang Ðức bảo vệ luận án tiến sĩ, sau đó trở về là giảng viên ÐH Quốc gia Hà Nội. Từ năm 2007, anh đầu quân về FPT. Năm 2014, anh chính thức ghi danh là hiệu trưởng một trường ÐH trẻ nhất Việt Nam khi mới 35 tuổi.

MỚI - NÓNG