Vào lúc 10h, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 80,5 - 83 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, giảm 1 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng nay. Doanh nghiệp nới rộng khoảng cách mua vào - bán ra từ 2 triệu đồng/lượng lên 2,7 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji niêm yết vàng miếng SJC 80,7 - 83,15 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết vàng miếng SJC 80,55 - 82,9 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Cùng thời điểm, giá vàng thế giới giảm tiếp 12 USD còn 2.372 USD/ounce.
Vàng miếng SJC bất ngờ giảm mạnh. |
Với mức giá giảm mạnh của vàng miếng SJC khiến giá mua vào thấp hơn giá khởi điểm phiên đấu thầu vàng miếng vào ngày mai (23/4) lên đến 1,25 triệu đồng/lượng. Sau khi Ngân hàng Nhà nước thông báo dời lịch đấu thầu từ ngày 22 sang 23/4, đến thời điểm hiện tại chưa có thông tin chính thức việc điều chỉnh giá khởi điểm. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước thông báo đấu thầu gần 17.000 lượng vàng miếng SJC với giá khởi điểm 81,8 triệu đồng/lượng.
Với mức giá đấu này, nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp không mặn mà cao hơn nhiều so với mức giá mua vào. Như vậy, mục tiêu cung vàng miếng hạ nhiệt thị trường khó đạt được.
Tỷ giá tăng mạnh chưa từng có
Cũng trong sáng nay, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lên mức 24.272 đồng/USD, tăng 12 đồng/USD so với đầu giờ sáng.
Với biên độ +/-5%, giá sàn và giá trần áp dụng cho các ngân hàng thương mại hôm nay là 23.059-25.485 đồng/USD.
Tỷ giá USD ngân hàng và thị trường tự do tăng cao nhất lịch sử. |
Giá bán USD được Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước giữ nguyên mức 25.450 đồng.
Cùng với đó, tỷ giá USD tại các ngân hàng đồng loạt tăng mạnh lên hết mức cho phép. Cụ thể, giá USD tại Vietcombank được niêm yết ở mức 25.175-25.485 đồng mua vào - bán ra, tăng 12 đồng so với cuối tuần trước. Mức mua vào - bán ra đồng USD tại BIDV và VietinBank lần lượt 25.185 - 25.485 đồng và 25.160 - 25.485 đồng. Các ngân hàng TMCP cũng tăng mạnh tỷ giá. Techcombank, ACB niêm yết 25.240 - 25.485 đồng/USD mua vào - bán ra. Giá USD trên thị trường tự do cũng tăng "nóng" những ngày gần đây. Hiện giá USD mua vào - bán ra 25.780 - 25.850 đồng/USD.
Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I ngày 19/4 vừa qua, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, từ đầu năm đến nay, VND đã mất giá khoảng 4,9% so với đồng USD. Tuy nhiên, mức mất giá này vẫn thấp hơn rất nhiều so với các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới.
Theo ông Tú, có 3 nguyên nhân cơ bản khiến tỷ giá tăng. Thứ nhất, là kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm hạ lãi suất với tần suất cao trong năm 2024 đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tỷ giá của các nước, trong đó có Việt Nam.
Thứ hai, tình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng địa chính trị, giá vàng và giá xăng dầu thế giới tăng,… cũng là các yếu tố tác động đến tỷ giá của các nước nói chung, nhất là những nước có độ mở lớn như Việt Nam.
Thứ ba, chính sách lãi suất của Việt Nam đi ngược với rất nhiều quốc gia trên thế giới, khi các nước tăng lãi suất thì Ngân hàng Nhà nước lại điều chỉnh giảm lãi suất, nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Chính sách lãi suất thấp đã phần nào tác động đến tỷ giá, nhất là trên thị trường liên ngân hàng, khi tạo ra chênh lệch lãi suất âm giữa VND và USD.
Sáng 19/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã có biện pháp mạnh mẽ hơn để ổn định thị trường ngoại tệ khi bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0, với mức bán tỷ giá can thiệp là 25.450 đồng.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, đây là biện pháp rất mạnh mẽnhằm đảm bảo giải tỏa tâm lý thị trường, đảm bảo nguồn cung thị trường, nguồn cung ngoại tệ thông suốt, đảm bảo đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có động thái bán ngoại tệ, giá USD tại ngân hàng và cả giá USD tự do đều vẫn tiếp tục tăng mạnh.