Trong vòng 3 năm qua, các nhà đầu tư vào vàng đã bị thiệt hại khoảng hơn 40%. Suốt từ tháng 10/2012 đến nay, giá vàng luôn tụt dốc. Tại sàn giao dịch London sáng 31/7/2015, giá vàng từ mức 1790USD/oz (1 oz tương đương 31,10gr) đã giảm xuống 1080USD/oz. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, vàng đã “bốc hơi” mất gần 9% giá trị.
Vì đâu nên nỗi như hiện nay? Tương lai của thứ "kim loại Vua" này sẽ ra sao? Hãy cùng điểm qua các thông tin dưới đây.
Lần giở lại lịch sử của khoảng một thập kỷ qua, thời điểm giá vàng lên tới cực đại là tháng 9/2011 với mức giá 1911USD/oz, cao gấp hơn 3 lần so với khoảng 5 năm trước đó, hồi tháng 01/2006 là 570USD/oz. Và bây giờ, sau gần 5 năm, vàng cũng lại đang đảo chiều, lao dốc. Rất có thể mức giá dưới 1100USD/oz chưa phải là “đáy” trong đợt sụt giá lần này.
Trả lời câu hỏi của Bloomberg về dự báo giá vàng thế giới trong thời gian tới, 16 chuyên gia phân tích và đầu tư đều cho rằng, đến cuối năm nay “mốc giá tâm lý” 1000USD/oz sẽ bị phá vỡ và đến đầu tháng 1/2016, giá vàng sẽ chỉ còn 984USD/oz.
“Vàng giờ đã không còn là thứ hàng thời thượng. Nó cũng giống như bộ quần áo đã lỗi mốt khiến cho những tín đồ thời trang chẳng còn mặn mà muốn mua sắm. Dù sẽ không có biến động lớn xảy ra, nhưng tôi tin rằng chỉ trong một thời gian ngắn nữa giá vẫn sẽ tiếp tục tụt dốc” – Robin Bhar, chuyên viên phân tích của Societe Generale SA tại London nhận định như vậy.
Các chuyên gia của Morgan Stanley thì tự tin dự báo rằng “đáy” của giá vàng thế giới rất có thể sẽ ở mức 800USD/oz. Theo họ, so với các mặt hàng nguyên liệu khác như quặng sắt thì giá vàng giữ được sự ổn định đã khá lâu. Mặc dù nhiều chuyên gia cho rằng vàng sẽ dừng ở ngưỡng 1050USD, tuy nhiên phía Morgan Stanley thì vẫn cho rằng vàng đã và đang bị một loạt những động thái bủa vây và trong trường hợp xấu nhất giá có thể sẽ giảm xuống tới mức 800USD/oz.
Các động thái đó là: giảm phát vẫn đang tiếp tục ngự trị ở nhiều nước phát triển phương Tây, đồng USD tăng giá, sự ảm đạm vẫn còn tiếp diễn tại thị trường chứng khoán Trung Quốc và đặc biệt là những thông tin về lượng vàng dự trữ mà ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang nắm giữ đã làm cho các nhà đầu tư thất vọng và quay lưng lại với mặt hàng này (ngày 17/7, ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố số liệu lượng vàng dự trữ chỉ có 1658 tấn, thấp hơn nhiều so với mức 3500 tấn như những đồn đoán trước đó).
Năm 1977, James Sinclair, chuyên gia trong lĩnh vực phân tích chứng khoán đã đưa ra dự báo rằng trong thời gian tới, vàng sẽ có cú “ngược dòng” từ 150USD lên 900USD/oz. Dù không lên tới đỉnh như J.Sinclair đã dự đoán nhưng giá vàng cũng đã gần chạm ngưỡng này vào ngày 21/1/1980. Tại thời điểm này, giá 1 oz đạt 887,50USD. Theo lời của chính J.Sinclair, ngay ngày hôm sau ông ta đã bán sạch số vàng mua gom trước đó và kiếm được 15 triệu USD lãi ròng.
Tại một cuộc hội thảo về vàng, dựa vào những biện pháp chống lạm phát mà Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang triển khai, J.Sinclair lại cảnh báo, vàng sẽ giảm giá mạnh sau 15 năm nữa. Quả đúng như lời mà J.Sinclair đã “tiên tri”, ngày 20/1/1995, giá vàng chỉ còn có 383,85USD/oz.
Số liệu thống kê của GFMS, một trong những công ty hàng đầu về phân tích thị trường vàng và các kim loại quý cho thấy, nhu cầu về vàng trên toàn thế giới trong quý II/2015 đã giảm 17,4% so với cùng thời gian này của 1 năm về trước và giảm 20,5% so với quý I/2015. Sản xuất vàng trên thế giới tính tròn một năm đã giảm 6% bằng 1024 tấn. Lượng vàng vật chất dư thừa đang "nằm chết" không có nhu cầu trên toàn thế giới hiện nay đang là 196 tấn.
Theo Adrian Loukok, Giám đốc Quỹ đầu tư Axa Wealth thì, “về lý thuyết giá vàng ngược dòng là khi lạm phát phi mã và đồng USD mất giá. Khi đó sức mua vàng tăng lên là để “phòng thân””.
Xem biểu đồ về sự tăng giá của đồng USD so với đồng euro, chúng ta sẽ thấy xu hướng giá vàng giảm cũng là hợp với quy luật này:
Tỷ giá EUR/USD trong năm 2014.
Còn tỷ lệ lạm phát tại các nước phát triển thì lại đang ở mức rất thấp, thậm chí là âm.
Nhớ lại những gì đã xảy ra đêm hôm thứ hai vừa rồi (27/7), David Govett, nhà đầu tư thuộc Marex Spectron đã nói: “Nhìn những con số nhảy nhót trên bảng điện tử, tôi không tin nổi vào mắt mình. Suốt cả đêm hôm đó, tôi không thể chợp mắt chỉ là để theo dõi giá vàng lao dốc. Trong phiên giao dịch hôm đó, tại Chicago Stock Exchange, đã hai lần người ta phải tạm dừng giao dịch khoảng 20 giây mỗi lần chỉ vì sự sụt giảm chóng mặt của giá vàng”. Cũng theo lời của Davit Govett thì khi giao dịch mới bắt đầu, chỉ trong vòng nửa giờ, ngân hàng Trung Quốc đã bán ra một lượng lớn vàng tương đương với 1,20 tỷ USD.
Theo số liệu của Ủy ban quản lý các giao dịch hàng hóa có kỳ hạn Hoa Kỳ (Commodity Futures Trading – CFTC), lần đầu tiên kể từ năm 2006 đến nay, các nhà đầu cơ vàng đã tỏ ra rất chán chường với triển vọng của thứ “kim loại Vua” này. Tuần lễ giao dịch kết thúc vào ngày 21/7 vừa rồi cho thấy số lượng các giao dịch ngắn hạn nhiều hơn giao dịch dài hạn tới 11345 hợp đồng.
Trao đổi với Bloomberg, Brian Barish, Giám đốc điều hành của Cambiar Investors đã nhận định, “vàng là một loại vật chất bí ẩn từ thời cổ đại. Nó hoàn toàn không giống các loại vật chất nguyên liệu khác, những thứ được sử dụng cho các nhu cầu cụ thể nào đó. Mặc dù dùng để làm đồ trang sức thì rất đẹp nhưng khác với đồng, nhôm, sắt thép hay ngũ cốc… đôi khi người ta chẳng biết sử dụng vàng để làm gì một cách cụ thể… ”.
Liệu có đúng là một chu kỳ mới, chu kỳ “ghẻ lạnh” với vàng đã và đang đến gần? Thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời chính xác nhất.