Tiền Phong trao đổi với bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), xung quanh vấn đề kề trên.
Bà Hằng cho biết: Trong suốt 30 năm thực hiện công tác tiêm chủng mở rộng, nhờ đạt tỷ lệ tiêm chủng cao mà hàng trăm ngàn trẻ em và phụ nữ Việt Nam đã được bảo vệ khỏi bệnh tật và tàn phế, hàng chục ngàn trẻ được cứu sống, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005, tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em như bạch hầu, ho gà, sởi… đã giảm từ hàng trăm đến hàng nghìn lần.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác tiêm chủng cũng đã bộc lộ một số bất cập, đòi hỏi sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu phòng chống dịch bệnh chủ động của người dân. Công tác tiêm chủng là một trong những chính sách ưu tiên được Nhà nước đảm bảo, chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Nghị định quy định về hoạt động tiêm chủng để tạo sự chuyển biến cả về công tác tổ chức, cơ chế tài chính cũng như việc triển khai thực hiện công tác tiêm chủng. Trong đó có 2 vấn đề liên quan đến tăng chi phí hỗ trợ cho cán bộ thực hiện tiêm chủng mở rộng và điều chỉnh giá vắc-xin sản xuất trong nước.
Bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế).
Xin bà cho biết cụ thể về 2 vấn đề này?
Về việc hỗ trợ kinh phí cho cán bộ làm công tác tiêm chủng thì hiện nay theo Thông tư Liên tịch số 113/2013/TTLT-BTC-BYT ngày 15/8/2013 giữa Bộ Tài chính và Bộ Y tế, kinh phí hỗ trợ cho cán bộ trực tiếp thực hiện tiêm chủng tại tuyến cơ sở là 6.000 đồng (12.000 đồng đối với các xã đặc biệt khó khăn) cho tiêm chủng đầy đủ (8 lần tiêm và uống vắc-xin) cho 1 trẻ dưới 1 tuổi, tức là chỉ khoảng hơn 600 đồng/lần tiêm hoặc uống vắc-xin. Trong khi đó phí tiêm chủng vắc-xin dịch vụ theo Thông tư số 08/2014/TT-BTC ngày 15/01/2014 của Bộ Tài chính là từ 7.000 đồng/lần uống đến 17.000 đồng/lần tiêm. Công tiêm trong tiêm chủng mở rộng thấp dẫn tới việc nhiều cán bộ tuyến xã không muốn làm công tác tiêm chủng. Vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh để tăng mức hỗ trợ cho cán bộ làm công tác tiêm chủng mở rộng nhằm tạo điều kiện khuyến khích, thu hút cán bộ tham gia, tạo sự bình đẳng giữa tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ.
Vấn đề thứ 2 là giá vắc-xin. Hiện nay, các vắc-xin sản xuất trong nước cung cấp cho Chương trình tiêm chủng mở rộng được Nhà nước duyệt giá, từ năm 2010 tới nay có những biến động về giá của một số vật tư, hóa chất, điện, nước, hệ số tiền lương tối thiểu..., tuy nhiên giá vắc-xin được duyệt năm 2014 không tăng tương ứng so với giá vắc-xin năm 2010. Vắc-xin nhập khẩu sử dụng trong tiêm chủng mở rộng một phần được viện trợ và một phần mua bằng vốn đối ứng thông qua đấu thầu. Trong khi đó, giá vắc-xin nhập khẩu để sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ do nhà phân phối quy định. Chính việc không tính đúng, tính đủ giá vắc-xin sản xuất trong nước như hiện nay khiến cho các cơ sở sản xuất vắc-xin gặp rất nhiều khó khăn để tiếp tục sản xuất lâu dài, phát triển vắc-xin mới để có thể tự chủ vắc-xin tiêm chủng cho người dân trong tiêm chủng thường xuyên cũng như đáp ứng tình trạng khẩn cấp phòng chống dịch. Do vậy, việc xây dựng khung giá vắc-xin sản xuất trong nước trên cơ sở tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí là hết sức cần thiết.
Bố mẹ đưa con đến Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội (số 70 Nguyễn Chí Thanh) tiêm vắc-xin. Ảnh: Như Ý.
Hiện nay, chất lượng của vắc-xin sản xuất trong nước so với vắc-xin nhập khẩu như thế nào?
Hiện 8 trong số 10 loại vắc-xin phòng ngừa 12 loại bệnh truyền nhiễm trong Tiêm chủng mở rộng là do Việt Nam tự sản xuất. Một số loại vắc-xin sản xuất trong nước cũng được sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ như vắc-xin viêm gan A, vắc-xin viêm não Nhật Bản...
Tất cả các vắc-xin lưu hành tại Việt Nam bao gồm cả vắc-xin sản xuất trong nước và vắc-xin nhập khẩu đều được cơ quan có thẩm quyền kiểm soát nghiêm ngặt từ quy trình sản xuất đến việc bảo quản, vận chuyển, phân phối tới tận người sử dụng để đảm bảo chất lượng và an toàn. Tổ chức Y tế Thế giới vừa qua cũng đã đánh giá và ghi nhận Việt Nam có hệ thống quản lý vắc-xin đạt tiêu chuẩn quốc tế. Điều này khẳng định Việt Nam hoàn toàn có khả năng kiểm soát được chất lượng vắc-xin cũng như hoạt động tiêm chủng đảm bảo hiệu quả cao.
Việc tự chủ trong sản xuất vắc-xin có lợi ích gì trong thời gian tới, thưa bà?
Để tự chủ sản xuất vắc-xin trong nước, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án sản phẩm quốc gia trong đó có vắc-xin phòng bệnh cho người nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất vắc-xin trong nước duy trì sản xuất các vắc-xin hiện có, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển vắc-xin mới, nâng cao chất lượng các sản phẩm sản xuất trong nước. Điều này sẽ đảm bảo cho việc tiếp tục cung ứng vắc-xin một cách ổn định cho Tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng dịch vụ trong nước và tiến tới xuất khẩu vắc-xin ra nước ngoài, góp phần tích cực cho công tác tiêm chủng phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới.
Cảm ơn bà.
Công tác tiêm chủng tại Việt Nam hiện nay được tổ chức theo 2 hình thức bao gồm tiêm chủng mở rộng miễn phí vắc-xin phòng 12 bệnh truyền nhiễm cho trẻ em và phụ nữ có thai, phụ nữ độ tuổi sinh đẻ do Nhà nước chịu trách nhiệm chi trả theo qui định tại Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm; tiêm chủng dịch vụ do người dân tự chi trả theo nhu cầu khi sử dụng các vắc-xin ngoài những vắc-xin do Chương trình Tiêm chủng mở rộng cung cấp.