> Người trẻ nghĩ về tiền
> Chọn 'Thư gửi mẹ' làm nội dung sinh hoạt trong trường học
> Tác giả bài văn xúc động - cậu học trò giàu tự trọng
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, nhận định như vậy.
GS. Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: P.N. |
Trong bài văn của mình, em Nguyễn Trung Hiếu, học sinh trường THPT Hà Nội - Amsterdam, tự nhận mình “non nớt, ngây thơ biết chừng nào khi nghĩ về tiền”. Ông nghĩ sao về tiền và giáo dục về tiền cho giới trẻ?
Ai cũng cần tiền vì ai cũng muốn có cuộc sống đàng hoàng, hạnh phúc. Nhưng trước đây, ta giáo dục thanh thiếu niên cái nhìn khắt khe về đồng tiền. Có thể cách giáo dục như vậy phù hợp quan niệm một thời xã hội đánh đồng bình quân chủ nghĩa với lý tưởng công bằng, coi cái nghèo đồng nghĩa sự trong sạch.
Nhiều người bị ảnh hưởng bởi quan niệm đó đã coi nhẹ đồng tiền. Như tôi thời bao cấp chỉ biết dạy học, lương chỉ cốt sao sống đủ trong một tháng, chẳng biết mua sắm gì. Lương một tháng 64 đồng, sống độc thân thì chi tiêu vẫn còn dư, trong khi vàng và đất hồi đó rẻ lắm, nhưng đâu nghĩ chuyện đầu tư. Mãi sau này có con rồi, khó khăn quá mới nghĩ đến nuôi lợn, nuôi gà, dạy thêm.
Suy nghĩ về tiền đơn giản quá sẽ rơi vào bi kịch. Cứ tưởng “một ngôi nhà tranh, hai trái tim vàng”, nhưng không có tiền làm sao hạnh phúc được? Ngược với thời bao cấp, bây giờ xã hội lại chạy theo đồng tiền. Tham nhũng, trộm cắp, trốn thuế, cướp giật... khá là phổ biến. Một xã hội như vậy tác động thanh niên mạnh lắm. Vì vậy, giáo dục cho thanh niên về đồng tiền là rất quan trọng.
Nhiều nước có hẳn môn học về vấn đề này. Làm người phải biết kiếm tiền, tiêu tiền. Phải khẳng định làm giàu chính đáng là cần thiết. Trước đây, ta nghĩ một cách ngây thơ rằng, chỉ có người nghèo mới tốt, còn người giàu từ trong chuyện cổ tích cho đến đời thực phần nhiều bị coi là xấu.
Thời buổi bây giờ có nhiều người nghèo vì gặp hoàn cảnh éo le, nhiều khó khăn chồng chất, nhưng cũng có nhiều người nghèo vì lười biếng, thiếu ý chí, thiếu sáng tạo,… Không nên “ca ngợi” cái nghèo và ác cảm với sự giàu có.
Ngoài giáo dục thanh niên về tiền trên lý thuyết, ông nghĩ gì về giá trị của trải nghiệm lao động kiếm tien?
Hồi còn thanh niên, nhà nghèo, tôi phải làm rất nhiều việc để kiếm tiền: bán báo, bán lạc luộc, ra sông Hồng vớt củi, cạo sắt cầu, cắt cỏ thuê ở Ba Vì. Lớp 9 đã phải đi bốc vác. Những đồng tiền tôi kiếm được thấm đẫm mồ hôi, chính vì thế tôi hiểu rất rõ giá trị của nó. Tôi tự hào khi mình bốc vác được 40 đồng, trong khi lương của bố có 85 đồng.
Bây giờ, nhiều bậc phụ huynh không muốn cho con tiếp xúc đồng tiền, không cho con tiêu tiền. Có những người khác lại cho con nhiều tiền mà không hề kiểm tra, giám sát xem con tiêu tiền như thế nào. Cả hai trường hợp này đều không có lợi. Kiểu gì thì con mình cũng sẽ có tiền và tiêu tiền. Giáo dục về đồng tiền sớm vẫn tốt hơn. Phải làm sao để con cái nhận thức được đồng tiền là mồ hôi nước mắt của bố mẹ mình.
Em Hiếu đã nhận thức rất rõ điều này khi viết: “Con đâu có ngờ tiền chính là yếu tố quyết định sinh mạng mẹ mình, là thứ bố mẹ phải hàng ngày chắt bóp và bao người thân gom góp lại để trả cho từng ca lọc máu cho mẹ tại bệnh viện Bạch Mai, là thứ càng làm mẹ thêm đau đầu suy nghĩ khi mẹ buộc phải nghỉ việc làm vì điều kiện sức khỏe không cho phép”.
"Nếu bạn trẻ nào cũng đều nhận thức đúng về giá trị đồng tiền, thì họ sẽ biết cách sử dụng đồng tiền một cách đúng đắn hơn; những thói ăn chơi đua đòi, tệ nạn xã hội sẽ bớt đi nhiều".
Từ trái qua: Bà nội, mẹ và em Nguyễn Trung Hiếu. Ảnh: Tuấn Nguyễn. |
Tham nhũng và an sinh xã hội
Quá coi trọng đồng tiền nên có những người trẻ nghĩ rằng: “Cái gì không mua được bằng tiền sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”...
Đây là câu nói mà trùm xã hội đen Năm Cam rất thích. Nếu thanh niên bây giờ mà suy nghĩ theo hướng đó thì hỏng, không hỏng kiểu này cũng hỏng kiểu khác. Người hỏng và xã hội cũng hỏng. Nhưng tâm lý chạy chọt, sai khiến người khác bằng tiền đang thắng thế. Từ bé, con trẻ đã thấy bố mẹ dắt mình đi chạy trường, thấy thầy cô nhận phong bì thì làm sao kính trọng thầy cô được? Cấp trên nhận tiền của cấp dưới thì cấp dưới làm sao kính trọng cấp trên, đơn vị làm sao nề nếp được?
Em Hiếu viết: “Con bỗng hoảng sợ tự hỏi nếu không còn bảo hiểm y tế (BHYT) nữa thì sao? Và nếu ông mất thì sao? Ông nghĩ gì về việc chăm lo an sinh xã hội cho người nghèo?
Bài văn của em Hiếu rất hiện thực nên nó gợi ra nhiều vấn đề, trong đó có an sinh xã hội. Đây là một vấn đề lớn vì người nghèo trong xã hội mình nhiều quá, trong khi kinh tế đất nước chưa phát triển, tài chính eo hẹp.
Qua bài văn của mình, em Hiếu được nhiều người quan tâm giúp đỡ. Đó là điều may mắn. Nhưng may mắn vốn hiếm hoi và số phận người nghèo không thể được cải thiện chỉ nhờ may mắn mà phải bằng chính sách của Nhà nước chăm lo cho họ.
Bài văn của em Hiếu cũng cho thấy giá trị của BHYT, nhưng BHYT cần giá trị hơn nữa. Trước hết là không được cào bằng. Sự cào bằng trong bảo hiểm y tế khiến nó trở thành hình thức. Người nghèo không dựa vào đó để chữa được bệnh, mà người khá giả cũng không chữa được bệnh với giá trị thuốc và dịch vụ thấp như thế. Phải thay đổi mức đóng bảo hiểm và nguyên tắc chi bảo hiểm tương ứng mức đóng.
Đồng thời, phải có chính sách hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong xã hội. Chẳng hạn, với những người phải chạy thận như mẹ em Hiếu, cần có sự hỗ trợ đặc biệt để họ có thể chịu đựng được chi phí chạy chữa rất tốn kém.
Người nghèo đang rất nhiều và họ nằm ngoài lề của sự phát triển. Tham nhũng, lãng phí làm giảm khả năng hỗ trợ của Nhà nước đối với người nghèo. Tiền đóng thuế của dân, tiền bán tài nguyên mà chui vào túi một số người thì dĩ nhiên tiền cho an sinh xã hội sẽ kém đi. Đó là vấn đề rất lớn phải giải quyết.
Tôn trọng khác biệt, chấp nhận phá cách
Cách đây mấy năm, dư luận xôn xao về một bài văn lạ liên quan tác phẩm Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc. Bây giờ có thêm bài văn của em Hiếu. Nhưng cái lạ của hai bài văn này khác nhau. Bài văn của học sinh viết về Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc dấy lên lo ngại về sự lạc nhịp của thế hệ trẻ với văn hoá dân tộc. Còn bài văn của em Hiếu được coi là lạ vì lý do khác.
"Bài văn của em Hiếu nói đến những câu chuyện rất thực tế của đời thường, ẩn chứa nhiều vấn đề thời sự nóng bỏng của xã hội cần giải mã: Đó là câu chuyện dạy văn trong nhà trường, an sinh xã hội, khoảng cách giàu nghèo, suy nghĩ của thế hệ trẻ về đồng tiền và gia đình” - GS Nguyễn Minh Thuyết. |
Đây là một cách viết khác với khuôn mẫu thông thường của văn nghị luận. Thông thường, văn nghị luận thiên về lý trí, lập luận, nhưng em Hiếu lại kể một câu chuyện thực của gia đình mình, từ đó nói lên suy nghĩ của mình về vấn đề đặt ra ở đề bài.
Bài văn gây xúc động và được thầy cô, bạn bè, xã hội đón nhận, chia sẻ không phải chỉ vì hoàn cảnh éo le của gia đình Hiếu mà vì tình cảm sâu sắc và ý thức trách nhiệm của em đối với gia đình và những suy nghĩ đúng đắn của em về giá trị sống. Đó là điều mà xã hội mong đợi ở thế hệ trẻ. Và đó cũng là yêu cầu cao nhất đối với bài văn nghị luận.
Điều rất đáng quý đối với một người học văn là em Hiếu không làm ngơ trước những tình cảm, suy nghĩ trong tâm khảm mình, dằn lòng viết ra một bài nghị luận với những lý lẽ khô khan, mà mạnh dạn nói lên câu chuyện thực của gia đình mình và những suy nghĩ thực của mình. Có cảm giác như Hiếu đã suy nghĩ về câu chuyện của mình từ lâu lắm, chỉ cần gặp đề này là tuôn trào...
Phải chăng việc dạy văn trong nhà trường đã quen với sự sáo mòn, sách vở nên bài văn trở nên lạ?
Có bài văn này là một thành công của thầy cô ở Trường THPT Hà Nội- Amsterdam. Tôi biết các thầy cô Trường Ams dạy văn theo tinh thần khai phóng, không khuôn sáo, mà tôn trọng sáng tạo của học sinh. Nếu chấm văn mà chỉ chấm ý, chắc bài em Hiếu không thể đạt điểm cao. Nhưng dạy văn theo kiểu áp đặt, chấm văn theo kiểu “đếm ý cho điểm” thì môn văn trong nhà trường sẽ trở nên khô khan, sáo mòn, không những không hấp dẫn mà còn hạn chế óc tưởng tượng, năng lực thẩm mỹ và sáng tạo của học sinh.
Có lần, đi tập huấn cho giáo viên tiểu học, tôi nghe một cô giáo than phiền: “Học sinh của em làm văn kém lắm”. Cô giáo dẫn chứng: “Có em làm văn tả con mèo ví đầu con mèo giống như cái bánh chưng con”, Tôi bảo: “So sánh như vậy rất hay và ngộ nghĩnh, sao cô lại chê? Nếu ôm con mèo vào lòng vuốt ve, cô sẽ thấy đầu của nó không tròn mà xương xẩu. Còn cái bánh chưng con chắc gì đã vuông? Lỡ cái bánh mẹ gói cho em học sinh đó méo thì sao? Mỗi người có một cảm nhận chứ. Tranh Picasso đấy, vẽ người có ra người đâu mà giá hàng trăm triệu đô la một bức”.
Thầy cô không thể áp đặt nhận thức của mình cho học sinh mà phải tôn trọng và khơi dậy sự khác biệt ở các em, chấp nhận sự phá cách. Cuộc sống tiến lên được cũng nhờ những khác biệt ấy. Nếu chấp nhận những khuôn mẫu cũ thì chắc hẳn đến bây giờ nhân loại vẫn đang đi ngựa. Có chấp nhận sự khác biệt mới tạo ra được một lớp người giàu sáng tạo giàu tưởng tượng.
Người Việt Nam ta vốn hạn chế về óc tưởng tượng. Trong khi đó, môn văn lại nuôi dưỡng trí tưởng tượng, là nơi trí tưởng tượng có thể bay bổng. Không nên dùng những khuôn mẫu sẵn có kéo trí tưởng tượng của học sinh xuống là là mặt đất.
Cảm ơn ông.
Phùng Nguyên