Giá trần G7 áp đặt lên dầu Nga bắt đầu có hiệu lực

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Giá trần đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga mà các quốc gia G7 đã thống nhất sẽ có hiệu lực từ hôm nay (5/12), trong bối cảnh phương Tây muốn cắt giảm thu nhập của Điện Kremlin từ nhiên liệu hoá thạch.

Tuần trước, các nước Anh, Nhật Bản, Đức, Ý, Pháp, Canada, Mỹ, cũng như các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Úc đã đạt được thoả thuận áp mức giá trần 60 đô la/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga.

Thoả thuận cho phép dầu Nga được vận chuyển đến các nước thứ ba bằng tàu chở dầu của G7 và EU, với sự hỗ trợ của các công ty bảo hiểm và tổ chức tín dụng, chỉ khi mặt hàng này có mức giá thấp hơn hoặc bằng 60 đô la/thùng.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Janet Yellen, cho biết việc giới hạn giá sẽ "ngay lập tức cắt giảm nguồn thu nhập quan trọng nhất của Nga".

Nhưng những người chỉ trích, bao gồm cả Ukraine, nói rằng mức trần này là vô nghĩa vì nó cao hơn giá dầu hiện tại của Nga là khoảng 52 đô la/thùng.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói: “Bạn sẽ không thể gọi đó là một quyết định nghiêm túc khi họ đặt ra giới hạn như vậy đối với giá của Nga. Việc phải sử dụng các công cụ mạnh hơn sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Thật đáng tiếc khi lần này bị bỏ phí.”

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hôm 4/12 cho biết nước này sẽ không bán dầu ở mức giá trần 60 đô la/thùng mà EU và các quốc gia G7 vừa thống nhất.

“Chúng tôi sẽ chỉ bán dầu và các sản phẩm từ dầu cho những quốc gia hợp tác với chúng tôi trên cơ chế thị trường, ngay cả khi chúng tôi phải giảm sản lượng”, ông Novak nói.

Quan chức Nga dự đoán giá trần sẽ “làm mất ổn định” thị trường toàn cầu, và việc này mâu thuẫn với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ông cho biết Nga đang “nghiên cứu các biện pháp” để đối phó.

Tờ Hoàn cầu Thời báo đưa tin hôm thứ Hai, dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc, rằng việc Liên minh châu Âu áp đặt mức giá trần đối với dầu Nga sẽ gây ảnh hưởng đến chính châu lục này.

Lin Boqiang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng Trung Quốc tại Đại học Hạ Môn, nói rằng thay vì mong đợi giá cả bình ổn, các nước châu Âu nên sẵn sàng đối phó với những hóa đơn năng lượng thậm chí còn đắt đỏ hơn.

Theo Lin, Mátxcơva khó có thể nhượng bộ mức giá trần trong tương lai gần. Và EU cũng sẽ gặp thách thức khi tăng nhập khẩu dầu từ Mỹ, chuyên gia cảnh báo. Lin nói thêm: “Lục địa này gần như chắc chắn sẽ bị tê liệt bởi giá dầu tăng vọt trong thời gian ngắn.”

Zhang Hong, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), nói rằng ông mong đợi Nga "đưa ra các biện pháp đối phó kiên quyết ở cấp độ ngoại giao”. Theo Hoàn cầu Thời báo, "Châu Âu có thể sẽ phải chịu thiệt hại từ quyết định của chính mình nhiều hơn so với Nga."

Theo The Guardian, Reuters
MỚI - NÓNG