Giá thuốc giảm mạnh

Giá thuốc giảm mạnh
TP - Thông tư liên tịch (TTLT) số 01 do liên Bộ Y tế - Tài chính có hiệu lực từ 1/6/2012, từng được kỳ vọng giúp giảm giá thuốc thông qua cơ chế đấu thầu công khai. Nhiều thuốc cung ứng vào bệnh viện bất ngờ giảm giá mạnh từ 20-166%.

> Bất thường thuốc trúng thầu vào bệnh viện
> Quản lý chặt giá thuốc trong bệnh viện

Những thay đổi về quy định đấu thầu thuốc cho thấy, trong một thời gian dài đã diễn ra tình trạng loạn giá thuốc tại các bệnh viện. Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) dẫn chứng, so sánh các thuốc Ấn Độ, Trung Quốc trúng thầu của năm 2012 và năm 2013 cho thấy về cơ bản số thuốc Ấn Độ và Trung Quốc trúng thầu ở 2 năm là tương tự nhau.

Khảo sát kết quả trúng thầu của các đơn vị trong 2 năm còn cho thấy, có 120 mặt hàng thuốc Ấn Độ và 15 mặt hàng thuốc Trung Quốc cùng tên thương mại, dạng bào chế, nồng độ hàm lượng, nhà sản xuất (cùng là một thuốc) trúng thầu ở cả 2 năm, tuy nhiên trong đó 77 mặt hàng thuốc Ấn Độ, 9 mặt hàng thuốc Trung Quốc giảm giá mạnh so với kết quả năm 2012. T

rong đó, năm 2013 rất nhiều mặt hàng có mức giảm từ 20% đến 166% so với mức giá trúng thầu năm 2012 (46/135 mặt hàng chiếm 34%). Số lượng mặt hàng có tăng giá so với năm 2012 là 12/135 mặt hàng (chiếm 8,8%), còn lại là các mặt hàng giữ nguyên giá so với năm 2012.

Báo cáo nhanh của một số sở y tế về trị giá trúng thầu theo quy định mới so với kế hoạch tương tự theo giá trúng thầu của năm trước cho thấy, kết quả đấu thầu của Sở Y tế Quảng Ngãi giảm, tiết kiệm được khoảng 28 tỷ (24%), Quảng Ninh giảm được khoảng 40 tỷ (20%), Hà Tĩnh giảm được khoảng 32 tỷ (25%), Hậu Giang giảm được khoảng 57 tỷ (31%).

Trị giá tiền mua thuốc theo giá thuốc trúng thầu năm 2013 của 20 mặt hàng có tỉ trọng sử dụng cao trong đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế (chiếm khoảng 30% trị giá thuốc trúng thầu tại các bệnh viện) với việc mua sắm các mặt hàng này năm 2012 đã tiết kiệm được 115,49 tỷ, tương đương với 28% tổng trị giá trúng thầu của các mặt hàng này tại 7 sở y tế.

So sánh giá của các mặt hàng thuốc cụ thể cùng nhà sản xuất, cùng tên thương mại trúng thầu năm 2012 (theo quy định cũ) và năm 2013 (theo quy định mới) tại các bệnh viện, hầu hết các mặt hàng năm 2013 đều có giá giảm so với năm 2012, nhiều mặt hàng có giá giảm mạnh như: Fascort (Methyl prednisolon 4mg) giảm 42,86%; Quincef (Cefuroxim 125mg) giảm 34,64%; Teonam (Imipenem 500mg + Cilastatin 500mg) giảm 10,6%; Getzlox (Levofloxacin 750mg) giảm 6,88%...

Với tiêu chí giảm giá thuốc thông qua cơ chế đấu thầu các bệnh viện lo ngại chất lượng thuốc sẽ không đảm bảo yêu cầu điều trị. Theo đánh giá của nhiều bệnh viện chưa bao giờ thuốc giá rẻ, có hàm lượng lạ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan... trúng thầu vào các bệnh viện Việt Nam nhiều như hiện nay. TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, quy định mới này chỉ chú trọng đến thuốc giá rẻ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Việt Hùng cho biết: “Ý kiến cho rằng thuốc trúng thầu giá rẻ chất lượng không đảm bảo là cảm tính, không có cơ sở, gây hiểu nhầm cho dư luận”.

Nhà thuốc BV Việt Đức: Nhiều loại thuốc nhập giá cao hơn kê khai

Ngày 4/9, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, kết quả thanh tra, kiểm tra hoạt động nhà thuốc tại Bệnh viện (BV) Việt Đức cho thấy, tại thời điểm kiểm tra xác suất 74 loại thuốc trong tổng số 400 mặt hàng thuốc đang bán tại nhà thuốc BV Việt Đức thì có tới 25 thuốc, nhà thuốc mua với giá cao hơn giá bán buôn kê khai đang có hiệu lực và 1 loại thuốc chưa có giá kê khai (thuốc Trifix, hoạt chất Cefixime 200 mg, SĐK: VN-8041-09 do công ty Vinpharco nhập khẩu).

Cụ thể, thuốc Zibut (Cefuroxime 500mg) giá kê khai chỉ là 7,700 đồng, nhà thuốc BV Việt Đức nhập với giá là 21.000, cao gần gấp 3 lần với giá kê khai. Thuốc Harcepime (Cefepime 1g) giá nhập vào nhà thuốc BV Việt Đức là 142.000 nghìn đồng, cao hơn 17 nghìn so với giá kê khai.

Thuốc Reldicef (Cefpodoxime 200mg), giá kê khai cũng chỉ khoảng 5 nghìn đồng, giá nhà thuốc BV Việt Đức nhập vào tới hơn 17 nghìn đồng…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG