Mới nhất, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi L.T.Đ (15 tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng bụng đau, co cứng như khúc gỗ. Người nhà bệnh nhân cho hay trẻ lo lắng chuyện thi cử, luyện thi nên đau bụng vùng trên rốn nhiều hơn. Trước đó, trẻ có tiền sử nhiều lần viêm dạ dày, đại tràng. Sau một ca học thêm buổi tối, trẻ về nhà thì bị đau bụng dữ dội kèm theo sốt cao.
Các bác sĩ khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan Mật Tụy mổ nội soi cho bệnh nhân |
Qua khám lâm sàng và kết quả xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phúc mạc do thủng ổ loét hành tá tràng. Lập tức, các bác sĩ mổ cấp cứu bằng phương pháp nội soi khâu lỗ thủng ổ loét hành tá tràng, lau rửa, dẫn lưu ổ bụng. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân được xuất viện nhưng phải tiếp tục điều trị thuốc và theo dõi khám lại.
Theo các bác sĩ khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan Mật Tụy (Bệnh viện Bạch Mai), thủng ổ loét là biến chứng nặng nề của bệnh loét dạ dày tá tràng và là hậu quả của mất cân bằng giữa các yếu tố tấn công (acid, pepsin) và hệ thống bảo vệ niêm mạc của dạ dày, tá tràng. Thủng ổ loét dạ dày - tá tràng phát hiện và xử trí muộn có tỉ lệ tử vong từ 2,5-10%. Các bác sĩ cho biết, viêm loét dạ dày - tá tràng tiến triển nặng gây ra biến chứng thủng, loét, thậm chí ung thư hóa. Căn bệnh này càng lúc càng trẻ hóa, xuất hiện ở lứa tuổi học đường do áp lực học hành, thi cử, đặc biệt thời điểm cuối năm học.
Dấu hiệu nhận biết
Các bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ và người thân cần sớm nhận biết dấu hiệu căng thẳng, lo âu, thậm chí sợ hãi của trẻ như: mệt mỏi, hay hồi hộp, lo lắng, vã mồ hôi, khó chịu, bồn chồn, rối loạn cảm xúc, ăn ngủ kém, hay đau bụng đi ngoài mỗi khi căng thẳng.
Bác sĩ Nguyễn Hàm Hội, khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan Mật Tụy, cho biết, đã có viêm loét dạ dày, trẻ sẽ có những cơn đau bụng trên rốn hoặc quanh rốn âm ỉ, giống như rối loạn tiêu hóa nên cha mẹ thường chủ quan tự chữa bằng men tiêu hóa, tẩy giun… Do đó, nhiều khi bệnh chỉ được phát hiện khi đã biến chứng. Ngoài ra, trẻ còn có thể buồn nôn, nôn, ợ hơi, ợ chua. Đau bụng thường xuất hiện đột ngột, dữ dội vùng thượng vị, vùng mũi ức, trên rốn,”đau như dao đâm” là triệu chứng để mô tả tính chất đau trong thủng ổ loét hành tá tràng. Do đau dữ dội nên bệnh nhân thường gập người về phía trước khi đi, hai chân ép vào bụng khi nằm. Vì đau nên bệnh nhân sợ di chuyển, vẻ mặt hốt hoảng, toát mồ hôi, chi lạnh. Triệu chứng này gặp trên 80% trường hợp. Khoảng 15% bệnh nhân có nôn và buồn nôn nôn ra dịch nâu đen nếu có hẹp môn vị, ít khi có nôn ra máu nhưng nếu có thì là trường hợp rất nặng, tiên lượng xấu, cần xử lí kịp thời. Đa số bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày tá tràng nhiều năm, ở một số bệnh nhân, thủng dạ dày là dấu hiệu đầu tiên của bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Văn Minh, khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan Mật Tụy, nói: “Để giúp trẻ tránh áp lực, căng thẳng, cha mẹ cần giúp con có kế hoạch học tập hợp lí, tránh dồn khối lượng lớn trước kì thi, có thời gian xen kẽ nghỉ ngơi, thư giãn, vận động thể chất. Động viên, khuyến khích tạo tâm trạng thoải mái cho trẻ, không đòi hỏi kết quả vượt quá xa năng lực thực tế của trẻ. Không trách mắng, xúc phạm trẻ khi kết quả không đạt được như kì vọng”.
Ngoài ra, cần cho trẻ ăn nhiều loại thực phẩm rau xanh, trái cây và ngũ cốc để tăng cường vitamin, khoáng chất, chất xơ, phytochemical và flavonoid. Các chất này có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch, tăng cường tính toàn vẹn của niêm mạc đường tiêu hóa và chữa lành các vết loét đã có từ trước. Hạn chế thức ăn cay, béo và chiên vì chúng có thể làm trầm trọng thêm viêm loét dạ dày tá tràng; uống thêm nước và hạn chế lượng caffeine; tăng cường hệ thống đường ruột bằng các vi khuẩn lành mạnh có thể có trong thực phẩm lên men như sữa chua, dưa cải bắp, giấm táo hoặc bổ sung men vi sinh nếu bệnh nhân đang được điều trị bằng kháng sinh diệt H.P. Bác sĩ khuyến cáo cần tránh các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID), như aspirin, ibuprofen, naproxen…
“Hãy chú ý đến sức khỏe tinh thần của con cái. Căng thẳng, lo lắng và trầm cảm có thể gián tiếp gây ra viêm loét dạ dày, tá tràng. Thói quen ăn uống và hành vi, lối sống không khoa học có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, có thể góp phần gây ra viêm loét dạ dày tá tràng”, bác sĩ Hội nhấn mạnh.
“Viêm loét dạ dày - tá tràng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, loét sẽ khoét sâu xuống các lớp bên dưới thành dạ dày gây các biến chứng như thủng, chảy máu, hẹp môn vị, ung thư hóa... Nguyên nhân gây bệnh được kể đến như: lạm dụng thuốc lá, bia rượu; ăn uống, sinh hoạt thiếu điều độ, căng thẳng tâm lí (stress)... Điều này lí giải việc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng trước đây thường gặp ở độ tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, căn bệnh này càng lúc càng trẻ hóa, xuất hiện ở lứa tuổi học đường do áp lực học hành, thi cử” Bác sĩ Nguyễn Văn Minh-Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)