Chỉ cần gõ tìm kiếm trên mạng dòng chữ “học sinh rối loạn tâm thần vì áp lực”, chỉ chưa đầy 1 giây đã xuất hiện hàng nghìn kết quả. Hàng loạt các bài báo với các tiêu đề như “học sinh trầm cảm vì áp lực điểm số”, báo động tình trạng học sinh chịu áp lực dẫn tới tự tử… khiến nhiều người không khỏi giật mình. Nhiều bậc phụ huynh đâu biết rằng mình đang vô tình đặt áp lực lên vai con trẻ bằng sự kì vọng về thành tích, điểm số…
Theo một nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam, một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ em Việt Nam bị rối loạn sức khỏe tâm thần là áp lực học tập. Ngày càng có chiều hướng gia tăng hiện tượng trẻ bị lo âu, trầm cảm, rối loạn cảm xúc vì học. Thời gian này cũng đã sắp tới các kì thi chuyển cấp, thi đại học… tình trạng áp lực thi cử với các em học sinh càng dễ xảy ra.
Bà Hoàng Thị Thu Nhiên - Trung tâm hỗ trợ cộng đồng Thu Nhiên Better Minds cho biết, áp lực gây ra cho con thường xuất phát từ tình yêu thương đi cùng kỳ vọng của cha mẹ. Bởi không thể phủ nhận, tất cả những điều đó là mong cho con mình sẽ tốt hơn. Thế nhưng mong con tốt hơn lại hành động sai cách hoặc nhiều khi phớt lờ những cảnh báo về việc cần mềm dẻo với con vì tin phải cứng rắn mới là cách giáo dục tốt…Sự yêu thương sai cách này dễ dẫn tới xung đột. Kỳ vọng quá lớn, muốn con vào trường này, trường kia thành ra vô tình bố mẹ tạo áp lực cho con. Con căng thẳng ở cả trường học và rồi về nhà cũng vậy.
Hệ lụy xảy ra khiến cho nhiều trẻ gặp phải các vấn đề về tâm lý. Thậm chí đã có nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra khi có một vài trẻ đã chọn cách tiêu cực…
N.T.H (Hà Nội) đã phải tìm đến trung tâm nhờ tư vấn. Đang học lớp 12 với ngoại hình xinh xắn, học lực tốt nhưng suốt một thời gian dài lại không muốn đến lớp. H kể mình luôn thấy lạc lõng ở trong lớp, khổ tâm vì bị các bạn xì xèo. Trong khi đó, bố mẹ lại quá kì vọng về em. Khi cảm thấy không thể tâm sự được với ai, không ai hiểu mình, "giải pháp" mà H nghĩ đến là giam mình trong phòng. Kết quả học tập ngày một sa sút. May mắn sau khi đến trị liệu tâm lý, H đã bắt đầu có tinh thần tốt lên. H đến lớp không còn ngột ngạt, bắt đầu mỉm cười và không còn sợ ánh mắt của các bạn khác nữa.
Bà Hoàng Thị Thu Nhiên chia sẻ, để hóa giải áp lực cho con, trước tiên cần phải thay đổi từ chính các bậc làm cha làm mẹ. Bố mẹ hãy học cách nhìn áp lực ấy bằng một góc nhìn khác, tức chuyển hướng sự tập trung. Chuyển sự tập trung sẽ làm cho áp lực đấy không còn là tiêu cực nữa mà giống như đấy là khát khao tự nhiên của bố mẹ và không còn gây khó chịu cho con trẻ nữa. Cách chuyển hiệu quả là nhận biết rằng con mình đã và đang rất cố gắng, ghi nhận sự cố gắng của con, tin tưởng con. Và hãy nói cho con biết điều đó. Việc nói cho con biết cha mẹ tin tưởng và ghi nhận con rất quan trọng với các con.
Thứ 2, trường hợp các bạn đang thi cần phải nhận thức rõ ràng đâu là áp lực, những nỗi sợ đang có, đâu là niềm tin giới hạn về học tập, năng lực bản thân…Sau đó gỡ từng rào cản một để trẻ tin vào bản thân, thấy mình có đầy đủ năng lực để làm điều này bằng cách của mình.
Thay vì nói với con là “con phải” thế này… hãy thay đổi bằng cách nói “con sẽ làm như thế nào để cải thiện?”, khi hỏi như vậy, các con có thể tự do chia sẻ những cách mà con có thể làm. Mỗi đứa trẻ có những năng lực khác nhau. Chúng có cách học, cách tư duy khác nhau nên sẽ tìm ra giải pháp, biết mình cần làm thế nào, cần thêm những sự hỗ trợ nào, nguồn lực từ đâu…nếu có sự khích lệ tích cực của cha mẹ.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh, bố mẹ hơn ai hết là người hiểu về năng lực của con đến đâu. Nếu nhìn thấy năng lực của con nhiều hơn những gì con nghĩ thì điều đó có nghĩa mình cần khơi dậy năng lực sẵn có của con. Trẻ có những rào cản, khi tạo áp lực sẽ khiến con tự ti vì tin mình không làm được.
Không một bố mẹ nào không muốn điều tốt nhất đến với con. Tốt nhất bằng năng lực hiện tại của con chứ không phải tốt như bố mẹ mong muốn. Tạo áp lực chỉ khiến trẻ khó đạt được kết quả hơn. Thay vì tạo áp lực hãy bơm vào con những sự tin tưởng như “mẹ tin là con…”, “mẹ tin là con sẽ làm được”, “Con đang có sự thay đổi, mẹ tin là con đã cố gắng rất nhiều và bây giờ để đạt cao hơn nữa, con nên làm… thì sẽ tốt hơn đấy”…
Với các bạn chuyển cấp từ tiểu học lên cấp 2, thi vào các trường điểm vẫn còn dễ uốn nắn. Chỉ cần cha mẹ động viên, tin tưởng ở con. Còn từ cấp 2 chuyển cấp lên cấp 3, đầu tiên là từ góc nhìn, suy nghĩ của cha mẹ, cho con cảm nhận sự tin tưởng thay vì áp lực. Trong giao tiếp hãy thể hiện sự tin tưởng thật sự với con. Hãy lắng nghe xem thật sự vấn đề con gặp phải đang là gì, đừng ngắt lời khi trẻ đang nói để xem con đang gặp khó khăn nào. Đâu là những khó khăn mà con thực sự nghĩ là đang khó khăn để tháo gỡ từng phần. Khi nói chuyện, cha mẹ tốt nhất cũng tránh ngồi cùng nhau.
“Cha mẹ cần phải hướng cho con nhận biết mục tiêu của cá nhân con muốn và cần làm những gì, con cần sắp xếp ra sao chứ không phải bố mẹ muốn. Để các bạn tự nhận thức, đang lo điều gì…và những gì đang tạo ra áp lực cho chúng. Thường trẻ sợ mình không đạt được kết quả mà bố mẹ và mình đang muốn. Hoặc là cảm thấy học nhiều, quá mệt mà không có được sự ghi nhận của người thân dù đã làm quá sức. Từ đó sinh ra bất mãn vì vẫn phải làm mà không hề vui vẻ” – bà Hoàng Thị Nhiên nói.