Giá lương thực, thực phẩm cao khiến chỉ số tiêu dùng tăng

0:00 / 0:00
0:00
Tâm lý tích trữ hàng hóa của người dân khiến giá lương thực, thực phẩm tăng. ảnh minh họa
Tâm lý tích trữ hàng hóa của người dân khiến giá lương thực, thực phẩm tăng. ảnh minh họa
TPO - Ở các địa phương giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19, giá lương thực, thực phẩm tăng do người dân có tâm lý lo ngại thiếu hàng hóa đã tăng tích trữ. Cùng với đó, giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới và giá điện sinh hoạt tăng theo nhu cầu sử dụng trong mùa nắng nóng đã khiến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2021 tăng 0,62% so với tháng trước.

Đó là thông tin vừa được Tổng cục Thống kê công bố trong Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021. Theo đó, CPI tháng 7/2021 tăng 0,62% so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa thiết yếu có tới 7 nhóm tăng giá.

Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giãn cách xã hội, người dân hạn chế tối đa ra ngoài, nhu cầu dự trữ hàng hóa và ăn uống tại nhà nhiều hơn nên nhu cầu thực phẩm thiết yếu, rau tươi, sữa, các thực phẩm chế biến từ sữa, thực phẩm chế biễn sẵn, thực phẩm đông lạnh tăng cao.

Theo đó, chỉ số giá nhóm thực phẩm tháng 7/2021 tăng 0,95% so với tháng trước. Trong đó, mỗi loại thực phẩm có mức tăng khác nhau. Giá thịt gia cầm tăng 1,07% so với tháng trước do giá thức ăn chăn nuôi tăng, trong đó giá thịt gà tăng 0,96%; giá thịt gia cầm khác tăng 1,38%; giá thịt gia cầm đông lạnh tăng 1,09%. Giá trứng tăng 6,34% so với tháng trước do nhu cầu của người dân tăng cao trong bối cảnh nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Giá thủy sản tươi sống tăng 1,19% so với tháng trước do các tàu thuyền khai thác thủy sản trong tháng hoạt động hạn chế, theo đó giá cá tươi hoặc ướp lạnh tăng 1,35%; thủy hải sản tươi sống khác tăng 1,48%.

Giá rau tươi, khô và chế biến tăng 6,86% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng tăng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến việc vận chuyển hàng hóa khó khăn. Một số chợ đầu mối tạm ngừng hoạt động, nguồn rau về chợ bán lẻ giảm tại một số địa phương đã đẩy giá rau tăng so với tháng trước. Trong tháng, giá nhiều loại rau bắp cải tăng từ 4 tới gần 18%...

Nhóm giao thông có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 2,36% (làm CPI chung tăng 0,23 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của 3 đợt tăng giá. Trong đó giá xăng E5 tăng 730 đồng/lít so với tháng trước, giá xăng A95 tăng 770 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 260 đồng/lít. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,88% so với tháng trước (làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm), chủ yếu do các đợt nắng nóng trong tháng làm chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 3,38%, bên cạnh đó giá gas tăng 7,77% do giá gas trong nước điều chỉnh tăng 30.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới tăng 92,5 USD/tấn (từ mức 527,5 USD/tấn lên mức 620 USD/tấn).

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,67% so với tháng trước (làm CPI chung tăng 0,22 điểm phần trăm) do nhu cầu tích trữ hàng hóa của người dân. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,18% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát trong mùa hè tăng cao cùng với giá thuốc lá tăng do nguồn cung giảm. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,06% chủ yếu do giá xà phòng và các chất tẩy rửa tăng khi nhu cầu tiêu dùng tăng trong mùa dịch. Nhóm giáo dục tăng 0,03% do giá văn phòng phẩm tăng 0,25%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%, trong đó giá thuốc các loại tăng 0,12%.

Trong 3 nhóm hàng giảm giá, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 giảm 0,1% so với tháng trước, chủ yếu do giá du lịch trọn gói giảm 0,05%; giá khách sạn, nhà khách giảm 0,41%; giá cây, hoa cảnh giảm 0,53%. Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,05% so với tháng trước do giá điện thoại di động giảm 0,12% và phụ kiện điện thoại thông minh, máy tính bảng giảm 1,77%. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,03% do nhu cầu tiêu dùng giảm khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7 tháng năm 2021 tăng 1,64% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng bình quân 7 tháng thấp nhất kể từ năm 2016.

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.