Con thuyền gỗ đã ngót nghét hơn 20 năm tuổi nằm dưới chân cầu Rạch Bàn 2 là nơi cư ngụ của ông Lê Văn Đực (55 tuổi) cùng vợ và con gái 8 tuổi.
Ông Đực quê ở Cù Lao Bình Đại, Bến Tre. Ngày trước, ông tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam bị bom đạn cướp mất một bên chân trái. Sau khi xuất ngũ, ông trở về quê lấy vợ rồi sinh được 5 người con.
Nhưng khi 5 đứa con chưa kịp lớn, vợ ông mắc bệnh hiểm nghèo qua đời sớm. Ông Đực một mình ngày đêm kéo lưới để nuôi con. "Sau này khi chúng nó lớn, có thể tự nuôi bản thân đã lần lượt rời tôi đi nơi khác sinh sống, tôi còn lại cô độc một mình trên ghe", ông chia sẻ.
Trong một lần đi kéo lưới, ông gặp được bà Nguyễn Thị Vĩnh, người phụ nữ đẹp nhưng bất hạnh chuyện chồng con. Cùng cảnh sông nước, lại lầm lỡ về đường tình duyên nên ông bà quyết định dọn về ở cùng để giúp nhau lúc tuổi xế chiều.
Ở với nhau hơn 20 năm, mãi đến năm 2007 thì ông bà mới có với nhau đứa con gái. “Ở cái tuổi như hai vợ chồng tui không ai nghĩ còn có con, may ông trời thương nên mới ban phước”, người đàn ông 55 tuổi tâm sự.
Từ ngày bé My ra đời, ông Đực vẫn ở trên chiếc ghe cũ nhưng bỏ hẳn nghề quăng lưới mà chuyển sang đi làm thuê. Nhưng di chứng chiến tranh để lại khiến sức khỏe ông ngày càng giảm sút, không ai mướn. Và ông phải đạp xe đi bán vé số.
Hai ông bà đã luống tuổi lại thêm gánh nặng cơm áo gạo tiền nên có ít thời gian chăm sóc cô con gái nhỏ. Ngoài những giờ đi học ở lớp tình thương, bé My thường lang thang chơi một mình ở gần chiếc ghe cũ.
Những buổi chiều đi bán vé số về, ông Đực lại cùng con gái ra ngoài lề đường chơi đủ thứ trò do cô bé nghĩ ra. “Bằng này tuổi rồi nhưng phải chơi đủ trò trẻ con để cho cháu nó vui. Nhiều người đi qua còn tưởng tôi đang chơi với cháu gái”, ông kể. Đối với bé My, vợ chồng ông bà không chỉ là bố mẹ, mà còn như bạn bè vì ngoài ra chẳng còn ai.
Bé My hiện đang theo học lớp tình thương do một bà giáo mở dạy miễn phí cho con em xóm vạn chài. Từ ngày được người phụ nữ làm nghề ve chai tặng cho chiếc xe đạp cũ, ông Đực tập cho con để bé tự đến trường cách nhà vài km vì ông bà không có thời gian đưa đón.
Nhiều hôm đi học về mà ba mẹ không có nhà, My lại tự chơi với mấy con chó ở bên vỉa hè. Như hiểu được vất vả của những người sinh ra mình nên cô bé rất ngoan và biết nghe lời. Ông Đực kể, nhiều đêm ông cùng con gái ngồi hóng mát trên vỉa hè, bé My lại ngước mắt lên mấy tòa cao ốc bên cạnh rồi hỏi “Ai ở trong đấy ba nhỉ”. Lúc ấy ông vừa buồn vừa thấy chạnh lòng về hoàn cảnh của gia đình mình.
Từ ngày cắm sào ở Sài Gòn, mọi sinh hoạt của ba thành viên gia đình ông Đực chỉ bằng đèn dầu và nến. Không chỉ thiếu thốn đủ thứ, vào mùa mưa chiếc ghe còn bị nước kênh tràn vào mang theo đủ thức rác bẩn. “Những tháng mùa mưa ngủ không yên giấc được, nhiều hôm đang thiu thiu mưa đổ ập xuống, nước tràn khắp ghe, lúc đấy tôi chỉ kịp cõng con gái cùng vợ chạy ra khỏi ghe vì sợ chìm”, ông Đực tâm sự.
Đã bao nhiêu năm trôi qua, nhưng cuộc sống của gia đình ông Đực vẫn không hề thay đổi. Ông bà vẫn phải lo chạy cơm từng bữa, tiền thuốc thang cho cả nhà lúc ốm đau. Nhưng nỗi lo lớn nhất của ông Đực là nếu không may ông bà mất đi thì không biết ai sẽ nuôi con gái mình khi nó còn quá bé. “Mỗi lần con gái đi học về, tôi đều khuyên con phải cố gắng học hành cho tốt để sau này đỡ khổ như cuộc đời ba mẹ”, ông buồn rầu.
Nhiều người khi đi ngang qua thường dừng xe lại thăm hỏi gia đình ông Đực. “Có chú sửa xe gắn máy, thấy gia đình không có điện nên cho mượn bình ắc quy để xài tạm. Có cậu sinh viên, chiều thứ 7 thường ra chơi với bé My cho nó đỡ buồn…”, ông Đực không che giấu được xúc động khi nói về những người lạ nhưng lại tốt với gia đình ông.