Giá cả tại Trung Quốc ngày càng đắt đỏ
> Vỡ mộng cà phê chuỗi
> 19 bí mật kiếm tiền và chi tiêu của giới triệu phú
Thu nhập bình quân tại Trung Quốc chỉ bằng một phần sáu tại Mỹ, nhưng giá một chiếc xe siêu sang lại đắt gấp 3 lần, chủ yếu do thuế phí cao và tâm lý sính ngoại của người dân nơi đây.
Giá một cốc latte tại Starbucks Trung Quốc cao hơn 30% so với Mỹ. Ảnh: China Daily. |
Theo Wall Street Journal, các mặt hàng tại Trung Quốc đều có giá đắt hơn rất nhiều so với những nước khác. Một chiếc Cadillac Escalade Hybrid Base 6.0 có giá 229.000 USD tại Trung Quốc, trong khi chỉ là 73.000 USD tại Mỹ. iPad 2 được bán với 488 USD tại Trung Quốc và 399 USD tại Mỹ.
Quần áo và các loại phụ kiện khác tại Trung Quốc cũng có giá cao hơn trung bình 70% so với Mỹ, theo hãng nghiên cứu SmithStreet. Trong khi đó, thu nhập bình quân tại hai nước lần lượt là 7.500 USD và 42.700 USD một năm.
Các loại thuế phí là một phần nguyên nhân cho sự đắt đỏ này. Bên cạnh đó, từ nhiều năm nay, tầng lớp trung lưu mới nổi tại Trung Quốc cũng phóng tay hơn cho các mặt hàng có thương hiệu, đặc biệt là hàng nhập khẩu. Và vì thế, các công ty cũng rất hào hứng với việc đặt giá theo quan niệm của khách hàng. Họ thậm chí còn nhận ra giá cao có thể tạo cảm giác chất lượng tốt và chiếm được cảm tình của khách. Trong nhiều trường hợp, vì các hãng nước ngoài nâng giá, các nhà sản xuất trong nước cũng làm theo.
Trung Quốc đang muốn tái cân bằng nền kinh tế, hướng tăng trưởng dựa nhiều vào tiêu dùng. Vì vậy, giới chức nước này lại càng tích cực điều tra các công ty mà họ cho rằng có mức giá không phù hợp. Trung Quốc gần đây đã phạt 5 hãng trang sức trong nước với tổng cộng 10,6 triệu NDT (1,7 triệu USD) do thao túng giá. Hồi tháng 8, nước này lại tiếp tục điều tra nhiều hãng ôtô, dược phẩm và sữa bột do đặt giá cao hơn nhiều nước, trong đó có các đại gia sữa như Danone hay Mead Johnson.
Yuval Atsmon – nhà phân tích tại McKinsey cho biết rất nhiều công ty đã thu lợi nhuận cao hàng năm nay khi bán sản phẩm tại Trung Quốc. Chủ yếu do người dân nước này muốn dùng hàng cao cấp và khẳng định địa vị xã hội.
Một nguyên nhân khác, theo các chuyên gia, là các công ty luôn phải đối mặt với sự kém hiệu suất tại đây. "Họ phải mất hàng tháng để qua các đợt kiểm tra và lấy giấy phép mở cửa hàng tại Trung Quốc. Tất cả các chi phí đó đều được tính lên khách hàng", Rocky Lee – Giám đốc bộ phận châu Á tại hãng luật Cadwalader Wickersham & Taft cho biết.
Hôm qua, chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất thế giới Starbucks đã bị kênh truyền hình quốc gia Trung Quốc (CCTV) chỉ trích vì bán giá quá cao. Theo đó, một cốc latte cỡ trung của Starbucks Bắc Kinh có giá 27 NDT (4,43 USD), đắt hơn 30% so với Starbucks Chicago (Mỹ).
Wang Zhendong - Giám đốc Hiệp hội cà phê Thượng Hải nhận xét: "Starbucks đã hưởng lợi rất nhiều khi bán giá cao ở Trung Quốc, chủ yếu do sự trung thành mù quáng và sính ngoại của người dân". Trong khi đó, Starbucks giải thích nguyên nhân là giá thực phẩm và logistic tại Trung Quốc cao. Ngoài ra, người dân nước này cũng thích cửa hàng lớn với nhiều chỗ ngồi, khiến chi phí xây dựng của họ bị đội lên. Trước Starbucks, cả Apple và Nestle cũng bị gây sức ép phải xem xét lại giá cả và chất lượng dịch vụ của mình, BBC cho biết
Dù vậy, nhiều người Trung Quốc lại tranh thủ cơ hội này để mỉa mai thông tin từ CCTV. "Giá nhà, ôtô, xăng, Internet và thuế tại Trung Quốc đều cao hơn nhiều nước khác. Thế thì tại sao Starbucks không thể đắt hơn chứ?", một người dùng cho biết trên mạng xã hội.
Theo Thùy Linh
Vnexpress