Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm qua, 22/10, đã có cuộc đàm phán kéo dài 7 giờ đồng hồ ở Sochi (Nga), trong đó tập trung thảo luận về tình hình Syria, cũng như chiến dịch mà Ankara đang tiến hành ở khu vực phía Đông Bắc nước này.
Tổng thống Putin cho biết Moscow hiểu rõ lý do đằng sau chiến dịch Mùa xuân hòa bình của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh Ankara không được để mắc mưu khủng bố, và phải giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria.
Theo hãng tin RT, thỏa thuận giữa Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan có những điểm chính đáng chú ý sau:
Lực lượng người Kurd rút quân
Lực lượng dân quân do người Kurd lãnh đạo - mục tiêu chính trong chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ - sẽ phải rút về khu vực cách biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ 30 km.
Trong khi đó, chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục được tiến hành ở một khu vực hạn chế, nằm giữa các thị trấn Tell Abyad và Ras al-Ayn, sâu 32km trong lãnh thổ Syria.
Quân đội Syria sẽ được triển khai đến biên giới
Các khu vực khác trên biên giới Syria - từ Kobani đến Tell Abyad và từ Ras al-Ain đến biên giới Iraq - sẽ được kiểm soát bởi quân đội chính phủ, lính biên phòng, với sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang Nga.
Liên quân Nga - Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra dọc biên giới
Cùng lúc đó, tại các khu vực không chịu ảnh hưởng bởi chiến dịch Mùa xuân hòa bình, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng vũ trang Nga sẽ tiến hành tuần tra sâu tới 10km vào lãnh thổ Syria.
Các tù binh IS từng phải tiếp tục bị giam giữ
Tình trạng hiện tại của các nhà tù và trại giam ở phía Đông Bắc Syria, nơi các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị giam giữ, được ông Putin đặc biệt lưu ý.
“Một điều quan trọng cần phải đảm bảo, là thành viên của các tổ chức khủng bố, bao gồm IS, bị giam giữ bởi các nhóm vũ trang người Kurd không được lợi dụng tình trạng hỗn loạn hiện tại để thoát ra ngoài”, ông Putin nhấn mạnh.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga, ông Vladimir Lavrov, đồng thời kêu gọi những lực lượng đã xây dựng và duy trì các nhà tù hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc ngăn chặn các tù binh IS đào thoát.
Hiệp định Adana năm 1998
Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều lưu ý đến tầm quan trọng của hiệp định Adana năm 1998, một hiệp ước an ninh giữa Ankara và Damascus.
Hiệp định cho phép quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện các hoạt động xuyên biên giới ở Syria, trong khi Damascus hứa sẽ không chứa chấp các thành viên của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), mà Ankara coi là một tổ chức khủng bố.
Dù quan hệ ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã bị tổn hại đáng kể trong những năm xảy ra xung đột, nhưng hiệp ước Adana 1998 chưa từng bị phản đối.
Giờ đây, Moscow tuyên bố sẽ cam kết hỗ trợ việc thực hiện hiệp định trong tình hình thực tế hiện tại.
PKK đã tiến hành các cuộc nổi dậy nhỏ lẻ ở Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập kỷ, nhằm tìm kiếm cơ hội thành lập một nhà nước độc lập.
Ankara cáo buộc lực lượng dân quân do người Kurd lãnh đạo ở Syria có quan hệ chặt chẽ với PKK. Trên thực tế, cờ và phù hiệu PKK đã được xuất hiện nhiều lần cùng lực lượng người Kurd ở Syria, dù tình trạng quan hệ giữa các nhóm phiến quân này chưa được làm rõ.
Lập trường của Mỹ về Syria “không nhất quán và khá mâu thuẫn”
Bản thỏa thuận Nga - Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm những nội dung và vấn đề tương tự với bản thỏa thuậnđã đạt được giữa Ankara và Washington năm ngày trước.
Dù vậy, Mỹ và lệnh ngừng bắn của Mỹ,hầu như không được các quan chức cấp cao nhắc đến sau cuộc hội đàm tại Sochi hôm thứ Ba.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga cho biết: “Chúng tôi không đặc biệt để tâm tới Mỹ và lập trường của họ. Vì lập trường của họ không nhất quán và khá mâu thuẫn. Ngoài ra, liên minh do Mỹ dẫn đầu đang hiện diện ở Syria một cách bất hợp pháp, điều này ai cũng biết.”
Damascus lên tiếng
Sau cuộc gặp với ông Erdogan, Tổng thống Nga đã điện đàm với người đồng cấp Syria - ông Bashar Assad, phát ngôn viên của điện Kremlin, Dmitry Peskov cho biết.
Trong đó, Tổng thống Assad bày tỏ sự ủng hộ đối với thỏa thuận Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời nói rằng lực lượng biên phòng Syria sẵn sàng hợp tác với lực lượng vũ trang Nga.