24 năm sau minh tinh trở lại, lần này là Trung tâm Chiếu phim Quốc gia. Ở tuổi 73 bà gây ấn tượng thấp nhỏ hơn xưa, khoảng 1m60, gương mặt vẫn xinh (có thể có chút sửa sang), và mặc giản dị với váy ren đen, giày vài phân. Lời phát biểu trước lúc chiếu phim cũng đơn giản, ngắn gọn. Đạo diễn Régis Wargnier của Đông Dương có phần cởi mở hơn.
Lúc minh tinh bước lên tầng hai, nơi quan khách và báo chí đang đợi bà, một nghệ sĩ nổi tiếng sánh vai vợ tiến lại chào hỏi và đứng sóng bên để chụp ảnh, cùng vài người nữa. Không biết có phải vì không quen cung cách này mà trông Catherine không thoải mái lắm, liên tục quay sang chuyện với đạo diễn trong lúc máy ảnh bấm nháy.
Nhớ lại, phố Cửa Nam có hàng bánh ngọt được nhiều người Hà Nội biết vào những năm 90 thế kỉ trước. Deneuve từng ghé đây hồi đóng Đông Dương. Trên tường của quán treo ảnh ông chủ quán chụp cùng Deneuve nhưng bà lại quay mặt sang hướng khác. Có thể bà thực sự không thích bị ép chụp ảnh kiểu này nhưng với chủ quán thì có hề gì, miễn có ảnh còn mặt hướng về đâu không quan trọng.
Emmanuelle Béart, nữ diễn viên cũng rất nổi tiếng của Pháp, thân thiện hơn nhiều khi ra mắt tại rạp ở Vincom. Nhưng bạn phải ở vào tình huống của Catherine và biết điều thích, không thích của người khác thì mới có thể kết luận về họ, có lẽ vậy.
2/Đạo diễn Régis Wargnier nhớ lại: Hồi ấy Việt Nam rất ít du khách, và Đông Dương của ông làm nhiều người muốn đến tìm hiểu mảnh đất này. Người tình, Điện Biên Phủ, Đông Dương quả là ba bộ phim Pháp đã làm được điều đó- khiến nhiều người muốn đến Việt Nam.
Báo chí trong nước năm 1992 dành cho Đông Dương sự tán tụng nồng nhiệt. Duy có bài của nhà báo Hồng Phi trên Văn Nghệ là đi ngược, nói về sự “thâm” của bộ phim.
Hồi đó, vẻ đẹp của Phạm Linh Đan cũng chưa hợp “gu” nhiều khán giả trong nước với mắt nho một mí, mũi không cao, da không trắng. Càng về sau càng nhiều người thích cô hơn. Giờ xem lại Đông Dương thấy Linh Đan quả thực sexy còn với Vincent Pérez, vẫn là ấn tượng khó phai về một nam diễn viên thuộc loại quyến rũ nhất, dù từ bấy đến nay bao nam thần Hollywood đã “đi qua cuộc đời” và ám ảnh mình rồi.
Xem lại Đông Dương với tâm thế nhăm nhe rằng liệu có thấy hay như xưa, có xứng đáng Oscar không. Khoảng một phần tư đầu phim chưa thấy “ghê gớm” lắm. Đôi chỗ khá kịch, cường điệu, nhất là chỉ đạo diễn xuất cho người Việt bất đồng ngôn ngữ chắc không dễ như chỉ đạo đồng hương. Càng về sau phim càng hay lên. Đâu vô cớ mà mỗi khi nhắc Catherine Deneuve biểu tượng điện ảnh Pháp, người ta không thể không điểm phim này và trong hồi ký rất được chờ đợi của mình, Deneuve đã hồi ức về sáu bộ phim lớn trong đời, thì Đông Dương là một.
Trong Đông Dương, một sĩ quan Pháp chỉ vào đám đông đói khổ, nói: “Trông họ ngoan ngoãn thế thôi nhưng đến một ngày, họ kháng chiến và chúng ta phải rời đi”. Nhưng nếu như Người Mỹ trầm lặng khiến kinh ngạc vì cách làm phim có phần “thiên tả” của Phillip Noyce, cũng như Sinh ngày 4 tháng 7 của Oliver Stone, thì Đông Dương ý tứ sâu xa hơn, khiến khán giả quá trẻ khó thấu hiểu hơn. Tâm thế của một người ngoài 20 tuổi là tôi 24 năm trước với kẻ trung niên hôm nay còn khác xa nhau khi xem một bộ phim như Đông Dương, nữa là. Sau chừng ấy năm vẫn thấy hay nhưng là cái hay không đơn giản như xưa. Phim hiện vẫn chiếu ở một số rạp của Hà Nội.