Gắp chíp vào cột xăng: Cần thiết phải xử lý hình sự!

Gắp chíp vào cột xăng: Cần thiết phải xử lý hình sự!
TP - Cửa hàng bán xăng dầu số 2 tại tổ 11, ấp 1, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh gắn chíp điện tử vào trụ bơm xăng để điều khiển gian lận đồng hồ đo xăng, chỉ bị xử phạt 13 triệu đồng.

>> 1.001 cách móc túi người mua xăng
>> Các cây xăng gian lận như thế nào?

Gắp chíp vào cột xăng: Cần thiết phải xử lý hình sự! ảnh 1

Chỉ trong 2 tháng qua, 255 cơ sở kinh doanh xăng “móc túi” khách hàng bằng thiết bị hiện đại. Ảnh minh họa

Hành vi gian lận của nhiều cây xăng đang gây bất bình cho đông đảo người tiêu dùng, song chưa thấy chủ cây xăng nào bị xử lý hình sự. Tiền phong có cuộc trao đổi với luật sư Hương Thủy (Văn phòng luật sư Hoàng Long - Đoàn luật sư TP Hà Nội) về vấn đề này.

Nhiều người cho rằng hành vi tác động vào bộ vi mạch đồng hồ đo xăng để hưởng lợi chính là hành vi “ăn cắp” hoặc “lừa đảo”, và cần phải xử lý hình sự. Luật sư có thể cho biết quan điểm về vấn đề này?

Theo tôi, đó không phải là “ăn cắp” hay “lừa đảo”, mà chính là hành vi “lừa dối khách hàng”, đã được quy định tại BLHS.

Luật sư có thể nêu rõ các dấu hiệu và khung hình phạt của tội này?

Điều 162 BLHS 1999 nêu rõ: “Người nào trong việc mua, bán, mà cân, đo, đong, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm”.

Có lẽ quy định như vậy vẫn chưa đủ mạnh để răn đe những kẻ có hành vi lừa dối khách hàng?

Hàng loạt cây xăng có dấu hiệu “lừa dối khách hàng” như hiện nay cho thấy nhiều chủ cây xăng sẵn sàng dùng các thủ đoạn - kể cả vi phạm pháp luật - để thu lợi nhuận cao. Rất dễ nhận thấy quy định của BLHS như vừa nêu thiếu cụ thể, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh.

Các điều luật để xử lý tội danh trộm cắp, lừa đảo... đều quy định cụ thể mức tài sản bị thiệt hại và tương ứng là các mức xử lý (hình phạt cao nhất của tội trộm cắp, lừa đảo là chung thân, tử hình, còn hình phạt cao nhất của “lừa dối khách hàng” chỉ 7 năm tù giam).

Và các mức xử phạt hành chính hiện nay đối với hành vi “lừa dối khách hàng” cũng đang quá nhẹ?

Việc xử phạt hành chính hành vi này được quy định tại Nghị định 126/2005/NĐ-CP ngày 10/10/2005 của Chính phủ “về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá”.

Ngày 4/6/2007, Chính phủ có Nghị định 95/2007/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 126/2005/NĐ-CP, nâng cao thêm mức xử phạt đối với một số hành vi, trong đó hành vi “làm thay đổi tình trạng kỹ thuật và đặc tính đo lường của phương tiện đo” (mức phạt từ 13 triệu đồng đến 20 triệu đồng). Cá nhân tôi cũng thấy mức phạt như vậy là quá nhẹ so với tác hại của hành vi “lừa dối khách hàng” đối với xã hội, chưa đủ răn đe các đối tượng vi phạm!

Theo luật sư, chúng ta cần có các biện pháp gì để ngăn chặn hữu hiệu hành vi “lừa dối khách hàng”?

Trước khi chúng ta có các điều chỉnh pháp luật cụ thể hơn, các chế tài xử lý mạnh hơn để có thể xử lý hình sự đối tượng vi phạm gây thiệt hại cho hàng loạt khách hàng, thu lợi bất chính lớn, như hành vi gắn con chíp làm sai lệch đồng hồ của một số chủ cây xăng, theo tôi thì các phương tiện thông tin đại chúng - nhất là đài báo địa phương nơi có cây xăng - cần nêu rõ tên và địa chỉ các cây xăng bị xử phạt hành chính về hành vi “lừa dối khách hàng”.

Khi đó lượng khách đến các cây xăng này sẽ giảm, thậm chí không ai đến nữa. Các chủ cây xăng sẽ phải từ bỏ việc lừa dối một lượng khách hàng nào đó, để tránh mất hết toàn bộ khách hàng. 

Đinh Anh Tuấn
thực hiện

MỚI - NÓNG