Lên 10 tuổi đã được truyền nghề thuốc
Trong một buổi chiều mưa gió dầm dề, vượt qua quãng đường gần 200km chúng tôi đã tìm tới gặp bà Quynh. Tuy trời mưa, nhưng bà vẫn miệt mài băm thuốc kê đơn kịp thời cho bệnh nhân. Nghỉ tay một lát, rót nước mời khách bà Quynh cho hay, bà quê gốc ở xã Yên Nhân, một xã xa xôi nhất của huyện Thường Xuân. Nơi đây là mảnh đất có nhiều bài thuốc dân tộc chữa bệnh. Từ nhỏ bà Quynh đã được bố mẹ đưa lên núi, tìm kiếm các loại cây thuốc mang về chữa bệnh. Gia đình bà có nhiều đời làm nghề thuốc gia truyền chữa bệnh cho dân bản. “Hồi nhỏ hơn 10 tuổi bố mẹ đã hướng dẫn tôi tìm các loại cây thuốc trên đồi núi. Xung quanh khu vực chúng tôi sống ngày đó nhiều thuốc lắm, thế nên người dân trong bản bị bệnh ít khi phải đi bệnh viện chữa mà thường lấy cây cỏ để chữa”, bà Quynh cho biết.
Gia đình bà Quynh trước đây có 9 anh chị em, cuộc sống nghèo khó. Tuy gia đình có nghề làm thuốc, nhưng chữa bệnh chỉ làm phúc, ít khi gia đình bà lấy tiền dân bản. Khi chữa khỏi bệnh người nào có tâm thì tìm đến biếu bà chai rượu con gà để tạ ơn.
Bà Quynh bảo, điều lạ kỳ là gia đình bà đông anh chị em như thế, bà cũng là con thứ trong gia đình, bố mẹ bà cũng chỉ bảo anh chị em cách tìm cây thuốc để chữa bệnh, nhưng chỉ mình bà mới học được các bài thuốc đó. Bố mẹ bà chỉ hướng dẫn vài lần về đặc điểm nhận dạng các cây thuốc đến việc kết hợp các vị thuốc để chữa bệnh là bà Quynh có thể làm được. Vì thế, chỉ sau một thời gian ngắn, bà đã có thể làm thay công việc của bố mẹ lên rừng lấy thuốc về chữa bệnh cho người dân.
Bà Lương Thị Quynh
Giữ người bệnh ở lại trần gian
Trong căn nhà nhỏ vừa là nơi ở, vừa là nơi để thuốc của gia đình, bà Quynh bảo: Thuốc của bà có thể chữa được tới 16 căn bệnh gồm: Bệnh về xương khớp, dạ dày, xơ gan, viêm cầu thận... chỉ bằng các loại cây cỏ có sẵn trên rừng. Thấy chúng tôi tỏ vẻ hoài nghi, bà mang cuốn sổ ghi chép những bệnh nhân đến nhờ bà chữa. “Trong các bệnh tôi chữa, các căn bệnh về thoái hóa xương khớp, bị liệt dây thần kinh là hiệu quả nhất.
Tôi nhớ năm ngoái có ông Hà Văn Trọng, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân được người nhà đưa đến nhờ tôi chữa trong tình trạng bị thoái hóa xương khớp, toàn thân bị liệt, không đi lại được. Gia đình nói đã đưa ông đi chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi. Vì thế, họ quyết định đưa ông về để nhờ tôi chữa trị. Sau khi xem phim xong, tôi quyết định nhận chữa cho ông ta. Sau đó, tôi kê đơn, bốc thuốc hướng dẫn kỹ cách sử dụng. Tôi điều trị cho ông Trọng đến thang thuốc thứ 5 thì ông ta đã có thể tự ngồi dậy, tập đi nhẹ, giờ thì ông có thể làm việc bình thường”, bà Quynh kể.
Bà Quynh bảo, bà không muốn nói nhiều về những người bà đã chữa khỏi. Bởi nói ra có người cho rằng bà khoe khoang. Nhưng thực tế thì không chỉ những người bị bệnh xương khớp bà đã chữa khỏi, mà bà đã đưa nhiều người từ cõi chết trở về trần gian - đó là những bệnh nhân bị bệnh ung thư bệnh viện trả về cho gia đình lo hậu sự.
Bà Quynh đang bấm huyệt cho bệnh nhân
Mấy năm trước chị Lê Thị Tuyết (xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đang khoẻ mạnh, bỗng sức khoẻ suy yếu, khi đi khám mới phát hiện bị ung thư tử cung giai đoạn cuối. Sau đó, gia đình đã đưa chị ra Bệnh viện K Hà Nội để phẫu thuật, chữa trị hết 130 triệu đồng. Nhưng cuối cùng cũng không khỏi, các bác sĩ trả về gia đình tự lo liệu. Nhờ người quen giới thiệu người thân chị Tuyết đã nhờ bà Quynh điều trị. Sau khi xem kết quả điều trị của chị Tuyết bà Quynh nói rằng sẽ nhận chữa, nhưng không hứa sẽ khỏi bệnh mà chỉ cố gắng hết sức. Nghe bà nói như vậy, chị Tuyết cùng gia đình cũng cảm thấy vui và yên tâm hơn. Hằng tháng gia đình chị Tuyết đều lên lấy thuốc của bà Quynh về uống, nhờ sự kiên trì uống thuốc và chăm sóc của người thân, khi uống đến thang thứ 10 chị Tuyết đã có thể ngồi dậy tự đi lại, sức khoẻ dần được phục hồi. Niềm vui của chị nhân lên gấp bội, khi đi kiểm tra các bác sĩ nói hiện tại khối u đã bị khống chế, không còn phát triển nữa. Cuối năm ngoái, gia đình chị Tuyết đã mang lễ về nhà bà Quynh để tạ ơn.
“Anh Nguyễn Tiến Nam (xã Hoằng Đông, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) trước đây bị căn bệnh ung thư vòm miệng, khi đi khám bệnh viện cũng xác định bệnh nằm trong giai đoạn cuối. Vì thế, họ khuyên gia đình đưa anh về nhà chăm sóc ăn uống được ngày nào hay ngày đó. Hôm gia đình đưa anh lên nhà nhờ tôi chữa trị, thân thể anh gầy còm, bị liệt không đi được. Tôi cho ở lại điều trị hơn một tháng, sau đó bốc thuốc cho về nhà uống. Nhờ sự chăm sóc nhiệt tình của người thân, cùng với uống thuốc của tôi đều đặn, giờ sức khoẻ của Nam đã hồi phục. Gia đình họ rất vui sướng và xem tôi như người mẹ thứ hai của Nam”, bà Quynh kể.
Niềm vui nhất của bà là đã truyền được nghề cho con gái
Bài thuốc bí truyền
Năm nay bà Quynh đã bước qua tuổi 60, nhưng bà vẫn tự mình đi lên các cánh rừng trong vùng để tìm kiếm các vị thuốc. Bà bảo, những cây thuốc chữa cho bệnh nhân đều là cây thảo dược có sẵn trong rừng. Mỗi một bệnh bà chữa là một bài thuốc. Vì thế, không có bài thuốc nào giống nhau. Như thuốc chữa về xương khớp có 7 vị, thuốc chữa bệnh ung thư có hơn 10 vị. Nhưng điều lạ kỳ là cho đến bây giờ bà Quynh chỉ phân biệt các loại thuốc theo tiếng Thái, còn không biết gọi tên là gì khi dịch ra tiếng Việt. Do đó, khi đi lấy thuốc bà thường phân biệt thuốc qua màu sắc, hình dáng. Những vị thuốc của bà sau khi được thái nhỏ, phơi khô người bệnh sẽ vừa uống, vừa bóp để giúp cho vết thương mau lành.
Bà Quynh cho biết: “Hơn 40 năm bốc thuốc chữa bệnh cứu người, điều tôi vui nhất là khi bệnh nhân khoẻ mạnh. Hiện nay, trong 6 người con của tôi đã có người con gái út là Hoàng Thị Liên đã có thể lên rừng hái thuốc về chữa bệnh. Tôi già rồi, sức khoẻ cũng không được như xưa. Trong khi đó, các cây thuốc giờ cũng cạn dần, giờ đi lấy thuốc phải lên tận vùng núi cao mới có thuốc. Thời gian qua gia đình tôi phải sang tận bên Lào để lấy thuốc về chữa bệnh cho người dân. Thế nên, sắp tới tôi sẽ không đi lấy thuốc thường xuyên được”.