Từ chuyến công du nước ngoài của Thủ tướng:

Gần 60 thỏa thuận trị giá 30 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp đón thân tình Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: TTXVN
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp đón thân tình Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: TTXVN
TP - Các hoạt động song phương tại Anh và chuyến thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính mang về nhiều kết quả thực chất, nổi bật là gần 60 bản ghi nhớ hợp tác được doanh nghiệp Việt Nam và hai nước ký kết, với tổng giá trị đầu tư cam kết lên đến 30 tỷ USD.

Ngày 7/11, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến đi của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), thăm làm việc tại Anh và thăm chính thức Pháp từ ngày 31/10 đến 5/11.

Ông Dũng cho biết, một trong những kết quả ấn tượng nhất là Thủ tướng chứng kiến lễ ký kết gần 60 bản ghi nhớ hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Anh và Pháp, tổng giá trị đầu tư cam kết lên đến hơn 30 tỷ USD. Các thỏa thuận tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, kinh tế số, chuyển đổi số, môi trường, quy hoạch, công nghiệp hàng không vũ trụ, y tế và phòng chống dịch, giáo dục, nông nghiệp, du lịch…

Gần 450 doanh nghiệp hàng đầu của Anh, Pháp và nhiều nước châu Âu khác tham dự trực tiếp và trực tuyến hai diễn đàn doanh nghiệp ở Anh và Pháp bày tỏ được khích lệ bởi thông điệp của Thủ tướng là Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, kinh doanh dài hạn ở Việt Nam. Lãnh đạo các tập đoàn cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã có các biện pháp mạnh mẽ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất trước tác động của COVID-19; khẳng định cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, dành các nguồn vốn và công nghệ cao để đồng hành với Việt Nam đưa kinh tế khởi sắc và đón bắt các xu thế phát triển mới.

Ngoài ra, Thủ tướng đã có gần 40 cuộc tiếp xúc, trao đổi với hơn 60 lãnh đạo các tập đoàn, ngân hàng, trường đại học hàng đầu của Anh, Pháp và châu Âu. Lãnh đạo các Bộ KH&ĐT, Công Thương, NN&PTNT, TT&TT, TN&MT, Y tế cũng đã làm việc riêng với gần 50 tập đoàn, doanh nghiệp lớn để trao đổi về các dự án đầu tư cụ thể và phương hướng hợp tác trong thời gian tới.

Tại Pháp, đáng chú ý trong các hợp đồng kinh tế lớn được ký kết là thỏa thuận trong lĩnh vực vệ tinh, thành phố thông minh, nhận dạng kỹ thuật số và an ninh mạng giữa Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam và Tập đoàn Thales, các biên bản ghi nhớ hợp tác của Vietjet Air, Bamboo Airways và Safran… Trong cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 4/11, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Total Patrick Pouyanné cho biết, tập đoàn rất quan tâm tới thị trường Việt Nam với nhu cầu năng lượng sẽ gia tăng song song với quá trình phát triển; đồng thời bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác trong các dự án năng lượng tái tạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ bạn bè của Việt Nam như Đảng Cộng sản Pháp, Hội Hữu nghị Pháp-Việt và các đối tác quốc tế như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)… nhằm đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức này.

Thỏa thuận giữa các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam và Anh có tổng giá trị lên đến hàng tỷ USD Mỹ. Trong đó, đáng chú ý là thỏa thuận cung cấp động cơ và dịch vụ động cơ cho đội tàu bay thân rộng với tổng giá trị 400 triệu USD giữa hãng hàng không Vietjet và Tập đoàn Rolls-Royce; thỏa thuận tài trợ trị giá 300 triệu USD giữa Quỹ đầu tư Affinity và Ngân hàng HDBank; biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn giáo dục EMG Education và Tập đoàn giáo dục Pearson; thỏa thuận về hợp tác phát triển đầu tư thử nghiệm và chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc phòng COVID-19 và các bệnh đường hô hấp giữa Tập đoàn Vingroup và Công ty Raphael Labs.

Đẩy mạnh hợp tác y tế

Thứ trưởng Ngoại giao cho biết, hợp tác y tế, ngoại giao vắc xin và vận động các đối tác hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh cũng là một trọng tâm của chuyến thăm lần này. Pháp công bố viện trợ thêm gần 1,4 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 qua kênh song phương và cơ chế COVAX, nâng tổng số liều vắc xin Pháp hỗ trợ cho Việt Nam lên hơn 2 triệu liều. Anh khẳng định sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực y tế, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin COVID-19.

Thăm và làm việc tại Viện Pasteur Paris, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hệ thống các viện Pasteur là một phần cấu thành nên mối “duyên nợ” giữa Việt Nam và Pháp qua các thăng trầm của lịch sử. Trên thế giới, ít có nước nào có tới 3 viện Pasteur như Việt Nam, phân bố ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, cho thấy tầm nhìn xa của những người đi trước. Thủ tướng cảm ơn Pháp đã hỗ trợ các viện Pasteur tại Việt Nam, nhất là trong việc giám sát xét nghiệm, phòng chống dịch COVID-19.

Công ty Cổ phần Vắc xin Việt Nam và Công ty AstraZeneca ký hợp đồng mua 25 triệu liều, nâng tổng số thỏa thuận lên hơn 55 triệu liều và cam kết trong tháng 11 và tháng 12 toàn bộ số vắc xin sẽ được đưa về Việt Nam.

Trong cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Pascal Soriot, Tổng Giám đốc điều hành AstraZeneca, cho biết hãng này cam kết lâu dài tại Việt Nam, không chỉ trong hoạt động cung ứng vắc xin mà còn đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Ông cho biết, ngoài khoản đầu tư 220 triệu USD trong giai đoạn 2020-2024 đã cam kết trước đó, AstraZeneca sẽ đầu tư thêm 90 triệu USD nhằm hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất dược phẩm trong nước, trước mắt sẽ có 3 sản phẩm thuốc phòng chống các bệnh không lây nhiễm trong giai đoạn 2022-2030.

Tại Pháp, Thủ tướng có cuộc làm việc với Tập đoàn dược phẩm Sanofi và chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổng công ty Dược Việt Nam và Sanofi giai đoạn 2021 - 2023.

Ý nghĩa chiến lược

Anh và Pháp đều là hai nước lớn trên thế giới, là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, thành viên G7 và là Đối tác chiến lược của Việt Nam. Cả hai nước đang điều chỉnh chính sách hướng đến châu Á - Thái Bình Dương, trong đó coi trọng ASEAN và Việt Nam. Trong bối cảnh đó, chuyến thăm làm việc tại Anh và thăm chính thức Pháp đạt được nhiều mục tiêu quan trọng, kết quả thực chất và có ý nghĩa chiến lược, ông Dũng cho biết.

Theo nhật báo kinh tế Pháp La Tribune, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Sự trao đổi hỗ trợ y tế giữa hai nước góp phần tăng cường quan hệ song phương. Hợp tác thương mại là một trong những động lực chính của quan hệ hai nước. Trong thập kỷ qua, giá trị thương mại song phương tăng gấp 4 lần, đạt 7,2 tỷ Euro (khoảng 8,3 tỷ USD) vào năm 2019. Chuyến thăm Pháp của Thủ tướng là cơ hội để tiếp tục thúc đẩy thành quả này.

Trong chuyến thăm này, cả hai nước dành cho Thủ tướng và đoàn sự đón tiếp hết sức trọng thị và nồng hậu. Mặc dù phải tập trung cao cho COP26, tiếp đón hàng trăm nhà lãnh đạo nhưng cả Hoàng gia và Chính phủ Anh đều coi trọng sự tham dự của Việt Nam. Thủ tướng Boris Johnson, Thái tử Charles, Thủ hiến ba vùng Scotland, Wales và Bắc Ireland đều dành thời gian, kể cả ngày nghỉ để hội kiến và tiếp xúc riêng với Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Gần 60 thỏa thuận trị giá 30 tỷ USD ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến thỏa thuận hợp tác giữa AstraZeneca với các đối tác Việt Nam

Pháp dành cho Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn Việt Nam các nghi lễ hơn cả thông lệ, trọng thị và rất thân tình. Cả Tổng thống, Thủ tướng hội đàm và chiêu đãi trọng thể, Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Thượng viện đều hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các nước thống nhất sớm thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao, đẩy mạnh hợp tác qua các kênh Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân, sớm nối lại các cơ chế hợp tác giữa các bộ, ngành và địa phương cũng như giao thương, đi lại giữa hai nước. Việt Nam cùng Anh và Pháp cũng nhất trí cùng nỗ lực tăng cường hợp tác trong phục hồi và phát triển kinh tế, tạo điều kiện để hàng hóa tiếp cận thị trường của nhau, khai thác lợi thế của các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với EU (EVFTA) và Anh (UKVFTA), thúc đẩy các chương trình, dự án năng lượng sạch, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế số, đổi mới sáng tạo.

Lãnh đạo Anh, Pháp chia sẻ và ủng hộ Việt Nam trong các vấn đề quốc tế như ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

MỚI - NÓNG