Đánh giá của Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội đợt khảo sát vừa qua tại 5 Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình chuyên ngành của Hà Nội cho thấy, dù có gần 1.000 cán bộ, viên chức và lao động hợp đồng nhưng sau gần 8 tháng kể từ ngày thành lập và được cơ cấu tổ chức, bộ máy, giao nhiệm vụ cụ thể nhưng còn nhiều tồn tại.
5 ban QLDA được giao tiếp nhận nhiệm vụ chủ đầu tư 668 dự án, nhưng việc giải ngân chậm, tỷ lệ thấp. Cụ thể, tính đến 23/8/2017, các Ban QLDA mới giải ngân đạt 1.625 tỷ đồng/6.524 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017 (bằng 25% kế hoạch); 17 dự án chưa giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2017. Một số ban có những dự án không thể thực hiện hết kế hoạch vốn năm 2017 đã giao (bao gồm vốn trong nước và vốn nước ngoài). Công tác GPMB đối với một số dự án còn chậm, dẫn đến thời gian triển khai dự án bị kéo dài.
Đặc biệt, các Ban QLDA còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tự chủ, tự đảm bảo kinh phí cho hoạt động (kinh phí hoạt động trích theo tỷ lệ trên kế hoạch vốn được giao). Có ban chưa đủ kinh phí để trả lương cho cán bộ, người lao động năm 2017, phải xin ứng trước ngân sách. Đơn cử, Ban QLDA Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tạm ứng ngân sách 6,2 tỷ đồng và được thành phố hỗ trợ 1,4 tỷ đồng. Còn Ban QLDA giao thông có số cán bộ nhiều nhất trong 5 ban với 407 người, nhưng dự kiến chỉ đủ chi phí hoạt động đến hết quý III/2017. Ban QLDA giao thông cũng là ban có tỉ lệ giải ngân thấp mới đạt 17% kế hoạch. Ở một số ban, viên chức, hợp đồng có trình độ, kinh nghiệm đã chuyển công tác.
Theo Phó Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội Hồ Vân Nga, một trong những nguyên nhân là việc thành lập các Ban QLDA chuyên ngành trên cơ sở sáp nhập bộ máy tổ chức, con người từ nhiều cơ quan khác nhau. Cụ thể, 5 ban chuyên ngành này được lập trên cơ sở tiếp nhận nguyên trạng của 26 ban QLDA thuộc thành phố, sở ngành.
Đặc biệt, số lượng cán bộ, người lao động nhiều hơn so với khối lượng công việc tương ứng số lượng dự án, kế hoạch vốn được giao, trong khi tính chuyên nghiệp, trình độ của cán bộ tham mưu chưa đồng đều.
PGS.TS Ngô Thành Can, Phó Trưởng khoa Tổ chức và Quản lý Nhân sự (Học viện Hành chính Quốc gia) cho rằng, việc Hà Nội sắp xếp trên cơ sở 26 Ban QLDA thành 5 Ban QLDA chuyên ngành là cần thiết, giảm các thủ tục hành chính, nhân sự, cấp trung gian để quá trình xử lý công việc nhanh hơn. Tuy nhiên, theo TS Can đi liền với việc sắp xếp, sáp nhập các ban này phải thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ nhân sự, thay đổi mô hình hoạt động, còn nếu chỉ sáp nhập cơ học thì bộ máy khó giảm. Thậm chí sẽ dẫn đến nhiều tồn tại, hình thức, bởi đơn giản giảm xuống còn 5 ban nhưng quỹ lương vẫn như thế thì chưa triệt để. “Nếu bê nguyên nó chỉ giảm về hình thức từ 26 xuống 5 ban mà thôi thì không giải quyết được gì. Vấn đề ở đây là sau khi sắp xếp bộ máy tinh giản, hiệu quả công việc tốt”, ông Can phân tích.
Đại diện các Ban QLDA cho rằng, việc tiếp nhận nguyên trạng của 26 ban QLDA thuộc thành phố, sở ngành từ bộ máy, nhân sự, tài sản, công việc mang tính cơ học nên sẽ rất đông cán bộ, nhân viên: “Các ban sẽ phải tiếp tục cơ cấu lại bộ máy nhân sự cho hợp lý. Nhưng theo tôi vấn đề không phải là đông cán bộ mà quan trọng là công việc phải trôi, phải rõ người rõ việc”, một vị cán bộ nói.
Theo thống kê, tỉ lệ giải ngân thực hiện các dự án của 5 Ban QLDA như sau: Ban dân dụng và công nghiệp đạt 42% kế hoạch; Ban QLDA Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 39% kế hoạch; Ban QLDA cấp nước, thoát nước và môi trường đạt 21% kế hoạch; Ban QLDA giao thông giải ngân đạt 17% kế hoạch; Ban QLDA văn hóa - xã hội đạt 16% kế hoạch.