Gà Lạc Sơn, lợn Khùa được bảo tồn nguồn gen

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Với lợi thế chống chịu thời tiết khắc nghiệt, bệnh tật, thịt thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng… gà Lạc Sơn và lợn Khùa của Quảng Bình đang được nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nguồn gen trước thực trạng suy thoái, thậm chí có nguy cơ biến mất…

Gà Lạc Sơn, có nguồn gốc từ xã Văn Hóa (Tuyên Hóa). Loài gà này có khả năng chống chịu bệnh tật cao, sử dụng thức ăn nghèo dinh dưỡng tốt, thịt thơm ngon, chống chịu, thích nghi với điều kiện môi trường khắc nghiệt và phù hợp tập quán canh tác địa phương.

Gà Lạc Sơn, lợn Khùa được bảo tồn nguồn gen ảnh 1

Gà Lạc Sơn là một giống gà có nguồn gen quý của Quảng Bình.

Tuy nhiên, hiện giống gà Lạc Sơn đang có nguy cơ mất dần nguồn gen quý do lai tạp với giống gà lai. Sự giao phối cận huyết trong đàn đã làm suy giảm đặc tính vốn có của loài. Cùng với đó, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ nên số lượng đàn trên địa bàn không còn nhiều.

Ông Lê Hồng Giang, Giám đốc Trung tâm Giống vật nuôi Quảng Bình cho biết: Trung tâm đã phối hợp với Viện Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tiến hành đề tài chọn lọc và nhân giống gà Lạc Sơn nhưng đang gặp nhiều khó khăn.

Với nguồn kinh phí ít ỏi, chỉ đủ cho việc nuôi giữ bảo tồn, mà chưa sản xuất được những đàn gà giống cung cấp cho người chăn nuôi, nên các hộ dân vẫn phải sử dụng gà thương phẩm làm giống hoặc giống kém chất lượng.

Hiện, giống gà Lạc Sơn đang được nuôi bảo tồn tại trung tâm với hơn 1.000 con và một số hộ dân xã Sơn Hóa (Tuyên Hóa) đang nuôi để tạo ra gà thương phẩm.

Ông Lê Hồng Giang cho biết thêm, ngoài giống gà Lạc Sơn, Trung tâm cũng đang phối hợp với Viện Chăn nuôi nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống lợn Khùa, của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi Quảng Bình.

Gà Lạc Sơn, lợn Khùa được bảo tồn nguồn gen ảnh 2

Lợn Khùa, một giống lợn bản địa được người Khùa nuôi theo cách thả rông tự kiếm thức ăn.

Đây là loài lợn bản địa do tộc người Khùa nuôi theo phương thức thả rông, tự kiếm ăn và không có chuồng trại. Trong điều kiện chăn nuôi hiện tại, lợn Khùa đang bị giảm dần về số lượng và đang mất đi một nguồn gen quý.

Hiện nay, lợn Khùa nuôi tại các bản của huyện miền núi Minh Hóa còn số lượng ít, năng suất sinh sản thấp, số con sơ sinh sống trung bình 6-7 con/ổ; khả năng nuôi sống của lợn Khùa cao trong điều kiện chăn nuôi có kiểm soát với tỷ lệ nuôi sống giai đoạn theo mẹ trên 90%.

Hiện giống lợn này đang được Trung tâm Giống vật nuôi Quảng Bình tiếp tục nuôi 40 con để bảo tồn nguồn gen quý hiếm.

Bên cạnh giống gà Lạc Sơn, lợn Khùa thì nhiều giống vật nuôi bản địa, như: Gà lông mao, gà cụp đuôi (Tuyên Hóa), gà trụi lông (Lệ Thủy)… cũng đang được các đơn vị khôi phục, bảo tồn.

Tuy nhiên, theo ông Lê Hồng Giang, công tác bảo tồn và phát triển các giống vật nuôi bản địa vẫn còn nhiều khó khăn, như: Tìm nguồn giống gốc nguyên bản khó; nguồn giống bị lai tạp khá nhiều nên thời gian chọn lọc dài, kinh phí lớn; quy mô nuôi bảo tồn còn nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao do chi phí đầu tư lớn.

Ông Giang khẳng định: Nếu các giống vật nuôi này được phát triển thông qua áp dụng khoa học kỹ thuật sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi và góp phần bảo đảm sự đa dạng sinh học các nguồn gen quý của vật nuôi.

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.