Ga đường sắt nội đô: Địa phương muốn di dời, tư vấn bảo giữ lại

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Dù một số địa phương đề xuất dời đường sắt và một số ga hiện hữu khỏi nội đô để ưu tiên đất cho phát triển đô thị, giảm ùn tắc giao thông đường bộ, nhưng đơn vị lập quy hoạch lại đề xuất giữ lại các ga hiện có và ưu tiên nguồn lực đầu tư mở rộng thêm. Đặc biệt với các ga đường sắt trên tuyến Hà Nội - TPHCM, kể cả khi có đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đầu tư mới chạy song song đường sắt hiện hữu.

Cục Đường sắt - Bộ Giao thông vận tải vừa đưa ra lấy ý kiến quy hoạch một số ga đường sắt quốc gia trong đô thị, đáng chú ý là các ga trên tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu. Quy hoạch này được xây dựng làm cơ sở để lên kế hoạch đầu tư trong tương lai, cũng như định hướng sử dụng đất của các địa phương.

Cùng với quy hoạch các ga trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, Cục Đường sắt đang hoàn thiện quy hoạch các ga đường sắt khu vực đầu mối Hà Nội và TPHCM. Tuy nhiên, do đầu mối Hà Nội và TPHCM liên quan tới hệ thống đường sắt đô thị do địa phương thực hiện, nên được tách thành 2 quy hoạch nghiên cứu độc lập với đường sắt Bắc - Nam.

Quy hoạch này gây chú ý vì thời gian qua một số địa phương liên tục báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền thông qua phương án di dời đường sắt, nhà ga hiện hữu ra khỏi nội đô, như Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng

Ga đường sắt nội đô: Địa phương muốn di dời, tư vấn bảo giữ lại ảnh 1

Dù địa phương mốn di dời ga Nha Trang để làm đô thị, nhưng tư vấn đề xuất quy hoạch lại, thu hẹp diện tích, nhưng vẫn giữ vị trí hiện tại.

Theo dự thảo quy hoạch đang hoàn thiện, tư vấn đề xuất, trên tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM hiện hữu có 16 ga đầu mối quan trọng, trong đô thị. Trong đó có 8 ga đã có dự án nâng cấp, hoặc đang khai thác ổn định, nên tiếp tục đề xuất giữ như hiện tại, gồm các ga: Nam Định, Thanh Hóa, Đồng Hới, Huế, Quảng Ngãi, Tuy Hòa, Phan Thiết.

Dự kiến chỉ quy hoạch một số ga, gồm: Ninh Bình, Khoa Trường (Thanh Hóa), Vinh, Đông Hà (Quảng Trị), Kim Liên (Đà Nẵng), Diêu Trì (Bình Định), Nha Trang (Khánh Hòa) và Tháp Chàm (Ninh Thuận).

Bất chấp việc một số địa phương đề xuất di dời đường sắt và nhà ga ra khỏi nội đô để phát triển bất động sản, đơn vị tư vấn lập quy hoạch vẫn đề xuất giữa lại hầu hết các ga theo vị trí hiện có; và tăng diện tích lên gấp 2-3 lần để đáp ứng nhu cầu vận tải.

Cụ thể, với ga Ninh Bình được đề xuất giữ vị trí hiện tại, tăng diện tích từ 3ha lên 6,5 ha, đầu tư nhánh đường sắt nối với cảng sông Ninh Bình - Ninh Phúc.

Ga Khoa Trường (Tĩnh Gia), cũng định hướng quy hoạch vị trí hiện tại, tăng diện tích từ 4,9 ha lên 18,5 ha, đầu tư nhánh nối với khu kinh tế và cảng Nghi Sơn.

Ga Vinh (Nghệ An) cũng giữ vị trí hiện tại, tăng diện tích lên 6,5 ha, tập trung là ga hành khách, có mở rộng thêm kho hàng.

Ga Đông Hà (Quảng Trị), giữ vị trí và quy mô 6,5 ha như hiện tại, thêm nhánh nối với cảng Mỹ Thủy, xem xét khả năng là ga liên vận quốc tế.

Ga Kim Liên (Đà Nẵng) được đề xuất giữ vị trí như hiện nay, mở rộng diện tích từ 7,2 ha lên 18,5 ha, là ga ưu tiên hàng hóa, liên vận quốc tế, thêm nhánh kết nối với cảng biển Liên Chiểu.

Ga Diêu Trì (Bình Định) giữ vị trí hiện tại, mở rộng quy mô từ 7,8 ha lên 18,5 ha, là ga hỗn hợp khách và hàng hóa; xem xét khả năng thành ga liên vận quốc tế.

Ga Nha Trang (Khánh Hòa) giữ vị trí hiện tại, nhưng giảm diện tích từ 8,8 ha xuống 6,5 ha, ưu tiên phục vụ hành khách (hàng hóa chuyển về ga Vĩnh Trung). Một phần diện tích ga này được đề xuất chuyển thành khu bảo tàng kết hợp kinh doanh thương mại, nhà ga hành khách.

Ga Tháp Chàm (Ninh Thuận) cũng đề xuất giữ vị trí hiện tại, tăng diện tích từ 4,4 ha lên 15 ha, làm ga hỗn hợp khách và hàng; trung chuyển khách giữa đường sắt Bắc - Nam và đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt.

Tư vấn lập quy hoạch cũng đề xuất cơ quan thẩm quyền có thể xem xét để đảm bảo kết nối giữa đường sắt hiện hữu, các ga được quy hoạch, với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ được đầu tư trong tương lai. Về vốn đầu tư mở rộng ga theo quy hoạch trên, tư vấn đề xuất có thể kết hợp kêu gọi mô hình đô thị đường sắt, dùng lợi thế thương mại của các nhà ga này để kêu gọi vốn đầu tư xã hội hóa.

Tuyến Hà Nội - TPHCM dài 1.726 km, ray khổ 1.000mm, có 171 ga, trong đó 20 ga có hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa thường xuyên; cự ly bình quân giữa các ga trên 10 km.

Theo tư vấn lập quy hoạch, đa số các ga được đầu tư từ lâu, nhiều ga xuống cấp, đường tránh ngắn (dưới 400 m), nên hạn chế năng lực thông qua. Do đó, việc nghiên cứu nâng cấp, đầu tư mở rộng các ga là cần thiết, kể cả khi có đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường sắt hiện hữu vẫn được duy trì khai thác.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.