Để thoát khỏi cuộc sống tù ngục ấy, chị đã cương quyết ly dị. Thế nhưng, người chồng không những không chấp nhận còn nhẫn tâm hủy hoại đi bộ ngực của vợ với lý do: “Của tao thì chẳng thằng nào có được”. Qua ngần ấy thời gian, vết thương thể xác trên người chị Thủy đã lành dần nhưng vết thương trong lòng thì đến nay vẫn còn rỉ máu. Chị sống một mình nuôi đứa con gái, dù vất vả, cô đơn nhưng vẫn chưa dám nghĩ tới việc đi bước nữa bởi ám ảnh đau đớn của cuộc hôn nhân trước quá lớn.
Gã chồng nhẫn tâm
Chị Thủy là con thứ 2 trong một gia đình thuần nông nghèo. Số phận của chị bất hạnh ngay từ khi mới lọt lòng. Mẹ chị cả hai lần mang thai đều bị những người đàn ông bội bạc, chối bỏ trách nhiệm. Đau đớn ê chề nhưng người phụ nữ tội nghiệp ấy vẫn gắng gượng nuôi hai con khôn lớn, những mong sau này về già sẽ có chỗ nương tựa. Chị Thủy lớn lên trong sự thiếu vắng tình thương yêu của cha. Không những thế, anh trai của chị lại vướng vào ma túy khiến gia cảnh càng trở nên nghèo khó. Chị đã sớm phải bươn chải giúp mẹ lo toan cuộc sống. 18 tuổi, độ tuổi đẹp nhất của người con gái, chị Thủy quen biết và nhanh chóng phải lòng Vũ Văn Khải (hơn Thuỷ 2 tuổi, ở xã An Khánh, huyện Đại Từ). Sau một năm tìm hiểu, Khải đưa trầu cau tới gia đình xin cưới chị Thủy. Bao năm vất vả nuôi con khôn lớn, mẹ chị không kìm được nước mắt trong ngày vui của con gái, những tưởng từ nay sẽ có chàng rể tốt, bù đắp những mất mát cho đứa con gái tội nghiệp.
Đám cưới diễn ra trong sự chúc phúc của hai bên họ hàng; ai cũng cầu chúc cho cuộc sống của gia đình nhỏ sẽ mãi hạnh phúc. Nhưng, sau ngày vui ấy, gánh nặng cơm áo gạo tiền lại đè lên đôi vai người vợ trẻ. Nhà nông quanh năm chỉ với vài sào ruộng thì chẳng đủ ăn. Trong khi chị Thủy làm việc quần quật để lo toan, vun vén cho gia đình thì Khải lại tối ngày bù khú với bạn bè bên mâm rượu.
Ngôi nhà chị Thủy đang ở cùng mẹ và con gái. Ảnh TG
Cuộc sống vất vả là thế nhưng những lúc rảnh rỗi, chị Thủy lại tất tưởi chạy về bên nhà lo cơm nước và chăm sóc cho mẹ. Nước mắt hai người phụ nữ không ngừng rơi. Nhiều lần khuyên anh trai từ bỏ “nàng tiên nâu” bất thành, chị chỉ biết nuốt nước mắt vào trong mà chăm lo cho mẹ mình nhiều hơn. Bao nhiêu nỗi khổ cực, chị Thủy đành ngậm ngùi gánh lấy. Trong câu chuyện với chúng tôi, chị trải lòng về cuộc hôn nhân đã qua của mình: “Vợ chồng bao năm chung sống nhưng Khải chẳng mấy khi quan tâm, hỏi han đến mẹ con tôi một câu. Cuộc sống gia đình ngày càng trở nên ngột ngạt khi chồng tôi bắt đầu thể hiện tính gia trưởng, rượu vào lời ra, hành hạ tôi nhiều phen thậm tệ”.
Ngày đó, không ít lần, người dân xóm 2 Bãi Chè chứng kiến cảnh chị Thủy vừa gạt nước mắt vừa bế con về nhà mẹ đẻ giữa đêm khuya vì chồng hành hạ. Biết Khải đánh vợ đến thâm tím mặt mày lại đuổi vợ con ra khỏi nhà, rất nhiều lần mẹ chị đã sang nhờ gia đình thông gia can thiệp. Thậm chí, chính quyền xã An Khánh cũng đã đến gia đình khuyên bảo Khải. Tuy nhiên, sau mỗi lần như vậy, Khải lại đay nghiến, dằn vặt vợ mình. Chửi chán, Khải lại quay ra đánh vợ. Có những lần, một mình chị Thủy lại phải lóc cóc ra trạm xá xã mua thuốc về tự điều trị vết thương.
Không thể chịu nổi cuộc sống “tù ngục” ấy nữa, chị Thủy bất đắc dĩ cầm bút viết đơn xin ly hôn nộp lên TAND huyện Đại Từ. Ngày 29/10/2007, họ ra tòa lần thứ 3. Tòa yêu cầu chị Thủy phải có giấy khai sinh của con để làm căn cứ phân xử trách nhiệm nuôi con, chia tài sản. Vì muốn nhanh được giải thoát khỏi người chồng vũ phu, sáng 30/10/2007, chị Thủy đạp xe về nhà chồng lấy giấy tờ theo yêu cầu của Tòa. Uất ức vì bị vợ kiên quyết ly hôn, Khải đóng sầm cửa lại. Khi còn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, chị Thủy bị Khải lao vào đánh tới tấp. Khải bóp cổ khiến vợ tạm thời ngất đi. Trong cơn mơ hồ, chị bỗng thấy ngực mình đau nhói, cảm giác buốt đến tận mang tai. Nhìn xuống, chị Thủy thấy ngực mình đầm đìa máu. Lúc này, Khải đứng ở cửa nói to: “Cái gì đã là của tao thì chẳng bao giờ thằng nào có được”.
Do mất nhiều máu, chị Thủy chỉ kịp kêu lên một tiếng thất thanh rồi ngất đi. Khi chị Thủy tỉnh dậy tại Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên, các bác sĩ kết luận: chị bị cắt mất hai đầu nhũ hoa, khả năng nối lại được rất thấp vì vết thương đã bắt đầu hoại tử. Nghe các bác sĩ nói vậy, chị Thủy đau đớn ngất lịm trên giường bệnh. “Biết Khải bản tính cục cằn, vũ phu nhưng tôi không ngờ anh ta lại nhẫn tâm thế. Lúc tỉnh dậy trên giường bệnh, biết không thể phục hồi lại được vết thương, tôi cảm thấy đau đớn vô cùng. Đau thể xác một thì đau trong lòng mười. Vợ chồng ở với nhau bao năm, vậy mà anh ta nỡ ra tay độc ác như vậy. Lúc đó tôi cũng chỉ biết khóc cho số phận hẩm hiu của mình”, chị Thủy nhớ lại khoảng thời gian kinh hoàng trong cuộc đời mình.
Nỗi đau chưa nguôi
Ngày 9/11/2007, công an huyện Đại Từ đã ra lệnh bắt khẩn cấp Vũ Văn Khải, đồng thời khởi tố bị can với gã chồng táng tận lương tâm. Khải bị truy tố ra trước pháp luật về hành vi Cố ý gây thương tích khi bản kết luận pháp y cho biết, chị Thủy bị tổn hại 47% sức khỏe vĩnh viễn. Sau đó không lâu, TAND huyện Đại Từ đã tuyên phạt Vũ Văn Khải 7 năm tù giam, đồng thời có trách nhiệm bồi thường tổn hại sức khỏe cho chị Thủy với số tiền 12,3 triệu đồng. Cũng ngay tại phiên tòa, TAND huyện Đại Từ đã xử ly hôn, tiến hành chia tài sản và phân định quyền nuôi bé Vũ Thu Huyền (sinh năm 2007). Tuy nhiên, ngay lúc ấy, chị Thủy khẳng định chỉ cần nuôi con chứ không cần bất kỳ tài sản nào khác. Còn về phía Khải, hành vi nhẫn tâm của hắn khiến cho những người dự khán đều căm phẫn và lên án. Được nói lời sau cùng, Khải lí nhí xin lỗi chị Thủy. Cuộc hôn nhân của họ tan vỡ. Khải phải đi chấp hành án tại trại giam Phú Sơn. Trong khi đó, vết thương về thể xác và tinh thần thì còn mãi âm ỉ trong lòng chị Thủy đến tận bây giờ.
Sau biến cố năm nào, cuộc sống của chị Thủy đã dần trở lại như xưa. Chị gửi con cho mẹ chăm sóc còn mình xin vào làm việc tại một xưởng sản xuất đồ gỗ dưới thành phố Thái Nguyên. Khoảng một tháng, chị mới tranh thủ về thăm mẹ và con gái được một lần. Chị chia sẻ: “Nhiều hôm trở trời, đầu ngực tôi lại buốt nhói. Cơn đau kéo tới cả đỉnh đầu và đau nhất là ở mang tai. Những lúc ấy, tôi chỉ biết căn răng chịu đựng. Trời lạnh, dù mặc ấm đến đâu cũng vẫn cảm thấy đau buốt nên tôi ít khi ra khỏi nhà, chỉ biết vùi đầu vào công việc. Cứ nghĩ lại chuyện đã qua, tôi lại rùng mình kinh hãi và không tài nào ngủ được. Mỗi lần sinh hoạt, nhìn lại vết thương cũ, tôi chỉ biết ôm mặt khóc. Biết hoàn cảnh của tôi, bà con lối xóm thường xuyên qua lại động viên, an ủi. Cũng chính nhờ vậy mà tôi đã tiếp tục sống và nuôi đứa con trưởng thành. Chính con gái là động lực lớn nhất để tôi phải sống. Tôi mong cho cháu có một tương lai tốt đẹp. Với công việc hiện nay, đồng lương của tôi chỉ đủ nuôi con và chi tiêu cho gia đình sinh hoạt hàng ngày. Chỉ thế thôi nhưng tôi cũng thấy hạnh phúc lắm rồi”.
May mắn của chị Thủy là đứa con gái ngoan ngoãn, biết thương mẹ. Hỏi về mẹ, cháu Vũ Thu Huyền chia sẻ: “Cháu thương mẹ cháu nhiều lắm. Một mình mẹ vất vả kiếm tiền nuôi cháu ăn học; thỉnh thoảng lại bị vết thương hành hạ. Cháu luôn tự nhủ phải chăm chỉ học hành để mai sau đỡ đần mẹ, bù đắp cho mẹ những ngày tháng đau khổ trước đây”.
Đã dứt hết tình cảm với chồng cũ
Khi nhắc đến người chồng vũ phu, đôi mắt người phụ nữ thoáng vẻ đượm buồn. Chị Thủy tâm sự: “Cuối năm 2013, anh ta ra tù. Thi thoảng anh ta có lên thăm con gái nhưng chúng tôi không nói chuyện với nhau. Đối với tôi, người đàn ông ấy đã không còn tồn tại nữa. Mặc dù đã dứt hết tình cảm với chồng nhưng tôi vẫn thường xuyên thăm hỏi bố mẹ bên đó. Tôi còn nhớ ngày ấy, gia đình nhà chồng đã đối xử với mẹ con tôi rất tốt. Hiện tại, ngày ngày tôi luôn gắng làm việc để trang trải cuộc sống và nuôi con khôn lớn thành người. Cháu Huyền đang là học sinh cấp 2. Thương mẹ, cháu luôn cố gắng học giỏi và giành được nhiều danh hiệu của trường nên tôi rất vui”. Sau những biến cố đau thương, mong rằng chị Thủy sẽ mạnh mẽ hơn nữa để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Theo Hà Phúc