Fritz-X – bom thông minh đầu tiên trên thế giới

Bom dẫn đường Fritz-X trưng bày tại bảo tàng không quân quốc gia Mỹ. Ảnh: USAF
Bom dẫn đường Fritz-X trưng bày tại bảo tàng không quân quốc gia Mỹ. Ảnh: USAF
Ngay từ năm 1943, phát xít Đức đã phát triển quả bom dẫn đường đầu tiên trên thế giới, gây kinh hoàng cho các chiến hạm của phe Đồng minh.

Rạng sáng ngày 9/9/1943, 14 tàu chiến của Italy do thiết giáp hạm Roma dẫn đầu rời cảng La Spezia để "tấn công hải quân Đồng minh ven bờ biển Salerno", nhưng thực chất là để đầu hàng phe Đồng minh sau khi chính phủ hậu Mussolini của nước này muốn thoát khỏi cuộc chiến.

Tuy nhiên, hành động nghi binh này không qua nổi mắt người Đức. Không quân phát xít Đức huy động máy bay ném bom tầm trung Do 217 tấn công đội hình tàu chiến của Italy. Thiết giáp hạm Roma trúng hai quả bom và chìm nghỉm ngay trong đêm đó trước sự sửng sốt của những người chứng kiến, bởi họ không thể tin nổi máy bay Đức lại ném bom chính xác đến vậy từ độ cao hơn 5.000 m, theo Defensemedianetwork.

Thứ vũ khí đánh chìm thiết giáp hạm Roma của Italy là bom Fritz-X, loại bom hoàn toàn mới và là ông tổ của Vũ khí Dẫn đường Chính xác (PGM) ngày nay. Bom Fritz-X là bom liệng xuyên giáp điều khiển bằng sóng vô tuyến nặng hơn 1,5 tấn. Bom này được phát triển trên nền tảng tên lửa không đối hải dẫn đường Hs 294, một loại vũ khí có cánh phức tạp hơn nhưng hiệu quả kém hơn cũng được triển khai trên oanh tạc cơ Do 217.

Khác với tên lửa không đối hải dẫn đường Hs 293 và Hs 294, bom Fritz-X có cấu tạo đơn giản hơn nhiều. Để đánh trúng mục tiêu, bom Fritz-X chủ yếu dựa vào trọng lực. Khi được máy bay thả từ độ cao 6.000 m ở góc 60 độ, bom Fritz-X đạt vận tốc gần bằng vận tốc âm thanh, khiến nó xuyên phá được các lớp vỏ giáp của tàu chiến trước khi phát nổ bên trong, điều mà tên lửa Hs 293 không thể thực hiện.

Bom Fritz-X dài 3,35 m, có đầu đạn xuyên giáp bằng thép gia cường và mang theo 320 kg thuốc nổ bên trong. Bom này có 4 vây gắn ở giữa và phần đuôi có cấu trúc hình hộp phức tạp, bên trong chứa bộ điều khiển radio chạy bằng điện để kiểm soát đường bay và độ lệch.

Nó được dẫn đường bằng tín hiệu radio giống như tên lửa Hs 293, đồng thời sử dụng con quay hồi chuyển để duy trì sự ổn định cho đường bay. Điều này rất quan trọng bởi nó nhận tín hiệu điều khiển thông qua một ăng ten gắn ở phần đuôi, và con quay hồi chuyển giúp phần đuôi quả bom luôn hướng về máy bay trong quá trình lao tới mục tiêu.

Việc dẫn đường cho bom Fritz tương đối đơn giản. Ngay sau khi được thả, một tia lửa phụt ra ở phần đuôi bom và phi công chỉ việc hướng tia sáng này vào mục tiêu cần tiêu diệt nhờ ống ngắm trên máy bay và một bộ điều khiển radio. Sau đó, việc cần làm là duy trì liên kết radio giữa máy bay và quả bom.

Một tuần sau khi đánh chìm thiết giáp hạm Roma, bom Fritz-X tiếp tục càn quét tỉnh Slaerno, vùng Campania, Italy. Một quả bom Fritz-X rơi trúng tháp pháo tuần dương hạm USS Savannah của Mỹ, khiến 200 thủy thủ trên tàu thiệt mạng. Nạn nhân tiếp theo là tuần dương hạm USS Philadelphia, tiếp đó là tuần dương hạm HMS Uganda lớp Crown Colony của hải quân hoàng gia Anh, một số tàu hàng và cuối cùng là thiết giáp hạm Warspite của Anh.

Tuy vậy, nỗi ám ảnh kinh hoàng mà loại vũ khí mới này gây ra không kéo dài được lâu, khi cả bom Fritz-X và tên lửa Hs 293 đều bị quân Đồng minh phát hiện các điểm yếu và tìm ra cách khắc chế.

Quân Đồng minh nhận thấy khi bom Fritz-X được thả và bắt đầu bay liệng tới mục tiêu, oanh tạc cơ điều khiển cần bay thẳng với tốc độ chậm để dẫn đường cho quả bom. Điều này biến oanh tạc cơ Đức thành những miếng mồi ngon cho tiêm kích của quân Đồng minh, trong khi phi công Đức đang mải mê điều khiển bom.

Ngoài ra, loại bom dẫn đường bằng sóng vô tuyến này có thể bị khắc chế bằng tác chiến điện tử. Đến năm 1944, Anh và Mỹ đã bắt đầu phát triển được các thiết bị đối kháng điện tử để gây nhiễu và bẻ gẫy liên kết radio giữa oanh tạc cơ Đức và bom Fritz-X.

Ban đầu, thiết bị gây nhiễu của quân Đồng minh không hiệu quả do sai tần số, nhưng sau khi được cải tiến, nó đã hạn chế đáng kể hiệu quả của bom Fritz-X và tên lửa Hs 293.

Fritz-X – bom thông minh đầu tiên trên thế giới ảnh 1

Tuần dương hạm USS Savananah trúng bom Fritz-X trong chiến dịch Salerno 11/9/1943. Ảnh: US Navy

Sau khi thu được một tên lửa Hs 293 tại sân bay vừa chiếm được ở Anzio cùng một thiết bị dẫn đường vô tuyến còn nguyên vẹn trên một oanh tạc cơ Đức rơi ở Corsia, quân Đồng minh đã cải tiến đáng kể thiết bị gây nhiễu.

Thiết bị gây nhiễu mới hoạt động hiệu quả đến mức Đức phải nghiên cứu, phát triển hai biến thể mới của bom Fritz-X và tên lửa Hs 293 để đối phó. Tuy nhiên, các biến thể này không đủ hiệu quả để giúp Đức tiếp tục sử dụng bom dẫn đường trong các cuộc không kích. Mặc dù vậy, chúng lại đánh dấu trận chiến mới giữa tác chiến điện tử và đối phó điện tử, cuộc chiến đến ngày nay vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Cùng với rất nhiều vũ khí đi trước thời đại khác của Đức trong Thế chiến II như súng trường Stg 44, oanh tạc cơ tàng hình đầu tiên Ho 229…, bom Fritz-X được xem là loại bom thông minh đầu tiên trên thế giới và nguồn cảm hứng để các nhà sản xuất vũ khí phát triển các loại bom thông minh sau này.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG