Fan cuồng của Hà Nội & thơ Việt

Fan cuồng của Hà Nội & thơ Việt
TP - Nhiều người ngạc nhiên khi thấy một cô gái nước ngoài xinh đẹp xuất hiện trong tà áo dài, đọc bài thơ cô viết riêng tặng Hà Nội, trong Ngày thơ Việt Nam 2010. Nhưng ít người biết, đó là nữ thi sĩ Mỹ Jennifer Fossenbell - có biệt danh vui và đáng yêu là “fan cuồng của Hà Nội và thơ Việt”.
Bên tác phẩm thơ trên bình gốm (Văn Miếu 2010)
Bên tác phẩm thơ trên bình gốm (Văn Miếu 2010).

Gọng đọc trong trẻo và truyền cảm của cô đã làm lay động trái tim bao bạn yêu thơ, và bài thơ "Lại được ở trong lòng Hà Nội" (In Hanoi, Again) được ghi nhận là một trong những bài thơ xuất sắc của một thi sĩ nước ngoài từng viết về Hà Nội. Bài thơ này cũng đã dành được tặng thưởng của cuộc thi thơ "Thơ về Hà Nội 2008-2010" do báo Văn Nghệ và Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội tổ chức.

Thủy chung với Hà Nội

Rời tiểu bang Colorado, Mỹ, sau khi tốt nghiệp đại học, Jennifer quyết định chọn Hà Nội làm điểm dừng chân trong chặng đường rong ruổi khám phá thế giới. Cô làm việc ở Hà Nội vào năm 2005, cùng với báo Vietnam News và dạy tiếng Anh tại các trung tâm ngoại ngữ.

Sau khi trở về Mỹ, những kỷ niệm đẹp về Việt Nam đã thôi thúc cô quay trở lại Hà Nội vào năm 2009. Jennifer tìm kiếm những trải nghiệm đa chiều về Hà Nội bằng việc tham gia nhiều công việc khác nhau: dạy tiếng Anh, viết báo, làm thơ, dịch thuật.

Tôi gặp Jennifer Fossenbell vào một buổi chiều nhạt nắng vào tháng 10 năm 2009. Hôm ấy, một cô gái xinh đẹp tóc vàng, trông thật "bụi" với ba lô trên lưng, cưỡi trên một chiếc xe máy bình dân đến gặp tôi như thể vừa bước ra từ một câu chuyện vừa cổ vừa kim. Cô đến để giúp tôi chuyển ngữ các bài thơ Việt Nam sang tiếng Anh, hoàn toàn tình nguyện.

"Văn học Việt Nam là một kho báu chưa được khai phá của văn học thế giới. Tôi dịch thơ vì muốn nhiều người Mỹ và bạn đọc quốc tế hiểu thêm về vẻ đẹp của ngôn ngữ, chiều dày lịch sử, văn hóa Việt Nam." - Jennifer Fossenbell 

Tôi gặp Jennifer Fossenbell như một định mệnh: lúc đó, với ý nguyện muốn nhờ một nhà thơ bản xứ hiệu đính bản dịch của tập thơ "Cánh đồng người" (Trần Quang Quý), tôi "đánh liều" viết thư cho những cá nhân và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật ở Hà Nội.

Lá thư nói rõ "Tôi cần gấp một nhà thơ người Anh, Mỹ hoặc Úc đang sống ở Hà Nội để giúp hoàn thành bản dịch của một tập thơ. Công việc đòi hỏi nhiều thời gian và không có thù lao". Những tưởng yêu cầu "quá đáng" của tôi sẽ bị khước từ trong thời buổi "kinh tế thị trường", không ngờ chỉ sau một ngày, tôi đã có ba ứng cử viên cho nhiệm vụ không lương này. Và Jennifer Fossenbell là người đầu tiên đến với tôi.

Hơn một năm qua, chúng tôi đã cùng nhau chuyển ngữ nhiều bài thơ từ cổ điển đến đương đại của nhiều tác giả khác nhau. Dịch thơ là một công việc "điên rồ" và vất vả, nhưng Jennifer luôn hồ hởi làm với nụ cười, nhưng vẫn cẩn trọng và hết mình. Cô đam mê khám phá văn hóa Việt qua từng vần thơ.

Nhưng Jennifer sống hết mình không phải chỉ với thơ. Cô hòa vào cuộc sống thường ngày của Hà Nội, như một người Hà Nội đích thực. Rong ruổi khắp nơi cùng xe máy, cô sẵn sàng sà vào các quán vỉa hè để thưởng thức món ăn, nhấm nháp cà phê ở các quán cóc, nơi chỉ toàn người Việt.

Yêu Hà Nội đến thế, nên Jennifer luôn trăn trở về những "thói hư tật xấu" ở Hà Nội. Cô nói rằng cô rất ngạc nhiên khi nhiều người đàn ông ngang nhiên tiểu đường. "Ở Mỹ, nếu làm như thế, chắc chắn họ sẽ bị cảnh sát…bỏ tù".

Jennifer Fossenbell qua nét vẽ của Nguyễn Xuân Hoàng
Jennifer Fossenbell qua nét vẽ của Nguyễn Xuân Hoàng .

Muốn thật giỏi tiếng Việt

Chính vì mong muốn giúp độc giả thế giới khám phá về "kho báu văn học Việt" mà Jennifer cố gắng học thật giỏi tiếng Việt để có thể tự mình dịch các tác phẩm, để tiếp tục cộng tác cùng với các dịch giả Việt Nam trong việc "đưa những tác phẩm của các nhà văn trẻ, có cách viết sáng tạo chưa hẳn được chấp nhận ở Việt Nam đến được với công chúng Mỹ".

Hiện nay, Jennifer Fossenbell là đồng dịch giả của hơn 70 bài thơ của các nhà thơ Việt Nam thuộc nhiều thế hệ. Thơ cổ điển có các tác giả như Từ Đạo Hạnh, Lý Thường Kiệt, Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Trần Nhân Tông, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Du...

Được cô giúp chuyển ngữ sang tiếng Anh, những bài thơ trong bản thảo tuyển tập Lời thơ hòa bình từ hai phía đã được đọc trong buổi giao lưu thơ xúc động giữa các nhà thơ Việt Nam với đoàn các nhà thơ, cựu binh Mỹ vào tháng 11-2010 và đang được đọc ở Mỹ trong triển lãm "Hãy nói lời hòa bình" vòng quanh nước Mỹ.

Không chỉ đóng góp cho việc dịch văn học Việt, Jennifer còn là người thành lập và hiện đang điều hành nhóm những cây bút quốc tế tại Hà Nội mang tên The Hanoi Writers’ Collective để tạo diễn đàn và cộng đồng cho những nhà văn nhà thơ đang sống tại Hà Nội. Dự định trong thời gian tới, nhóm ấn hành một tuyển tập các tác phẩm của các cây bút quốc tế viết riêng cho Hà Nội.

Tha thướt bên cầu Thê Húc
Tha thướt bên cầu Thê Húc.

Tự hào với tà áo dài Việt

Sống ở nhiều vùng đất, từng được khoác lên mình những bộ xiêm y lộng lẫy của các nước khác nhau, nhưng Jennifer cảm thấy đặc biệt tự hào khi được mặc tà áo dài Việt. Cô mặc áo dài bất cứ khi nào có thể, nhất là trong các buổi đọc hoặc trình diễn thơ ở Việt Nam và Mỹ. Cô thích tà áo dài vì vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng nhưng không kém phần gợi cảm.

Jennifer không có nhiều tiền, và cô luôn xúng xính tự trầm trồ khi được khoác lên mình những bộ áo dài Việt Nam mà tôi mượn từ bạn bè cho cô mặc. Cô rất muốn may thêm những bộ áo dài khác, nhưng với khả năng tài chính eo hẹp (lương viết báo, hiệu đính, dịch thuật và dạy tiếng Anh của cô hiện nay chỉ đủ để trang trải cuộc sống), cô chỉ có thể trở thành cô gái Việt Nam trong phút chốc trong những bộ áo dài mượn được.

Khi mặc áo dài, cô thường nhắc đến họa sĩ Trần Nhật Thăng, người đã đưa lên tà áo dài của cô những nét họa mạnh mẽ. Đó là chiếc áo dài đã cùng cô xuất hiện trong buổi đọc thơ thật sang trọng ở bảo tàng Nghệ thuật Kirkland ở Mỹ, vào tháng Tư năm 2010 nơi mà bài thơ Metamorphosis in Blue do cô viết về nữ danh họa Mina Conant đã lập tức được mua bản quyền với giá tương đương trên 10 triệu đồng, để in cùng quyển sách về nữ danh họa.

Mùa hè năm nay, Jennifer sẽ rời Hà Nội để trở về Mỹ. Cô sẽ theo học khóa học thạc sĩ về thơ ca. Dù biết rằng không thể sống được bằng nghề làm thơ, nhưng Jennifer tâm sự "thơ ca đã cho tôi rất nhiều thứ quan trọng hơn vật chất. Bình thường, tôi phải đóng nhiều vai trong cuộc sống: vai người vợ, vai người con, vai cô giáo. Chỉ trong thơ, tôi mới sống thật với chính mình. Thơ ca giúp tôi lý giải tại sao con người đang sống, đang tồn tại".

Trong tâm tưởng của tôi, Hà Nội sẽ vắng hơn khi không còn một cô gái Mỹ rong ruổi khắp mọi nẻo đường, mở lòng tiếp nhận tất cả để có thể viết được những bài thơ hay, hào sảng về Hà Nội như "Chợ thịt chó", "Mô tô", "Viết dưới mái hiên Hà Nội", "Sông đầy", "Lại ở giữa lòng Hà Nội".? Nhưng tôi tin rằng, dù ở nơi đâu, Jennifer Fossenbell cũng hướng về thi ca, con người, và đất nước Việt Nam vì đó mãi là một phần tâm hồn và cuộc sống của cô.

Lại được ở giữa lòng Hà Nội

(Thơ: J. Fossenbell, Lời Việt: Nguyễn Phan Quế Mai)

Thành phố, Người mở những ngón tay đón tôi vào lại những đường chỉ tay trên bàn tay Người.

Thành phố, Người giữ đầu mình trước mặt trời, để tôi được ở trong bóng râm mái tóc dày của Người.

Thành phố, Người nhổ và chặt và luộc và nhào trộn,

đôi tay người thông minh như mèo và nhanh nhẹn như thằn lằn.

Thành phố, Người hát rao từ ngõ sang ngõ, gập người dưới đòn gánh, bước đi nặng nề bằng dép nhựa từ khi trở dậy đến khi buông xuống.

Thành phố, Người ngủ giấc ngủ của xương xẩu mệt mỏi, im lặng như nấm mồ, nhọc nhằn như lịch sử.

Thành phố, Người dang rộng những chiếc lá to trong mưa, nâng niu những tiếng lộp độp, sự bốc hơi, mùi vị sau khi khí carbon đã tiêu tán.

Thành phố, Người hút thuốc lào và để khói lơ lửng bay trên môi, cháy âm ỉ, chầm chậm, ngọt.

Thành phố, Người hối hả trên những sợi dây rối ren, biến vào những vết nứt với chỉ một vỏ cau trên lưng.

Thành phố, Người nhấc một vạt quần và đi tiểu vào bùn.

Thành phố, Người đấm nắm đấm vào châu thổ, tẽ sông, tạo hồ từ lòng nắm đấm.

Thành phố, Người tự kiến tạo, thân hình Người lớn lên, tay chân Người sinh sôi, bộ xương Người rền rĩ và ken két để tiến về phía thế giới mới bất cẩn.

Thành phố, Người hay cười; ngửa mặt, miệng rộng như sông, giọng mơ hồ như nước.

Thành phố Hà Nội, Người không là mẹ của tôi nhưng Người bế tôi

vào ngực Người và hát cho tôi nghe những bài hát tôi không thể hiểu

nhưng mãi mãi không thể không lắng nghe.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG