Trong báo cáo mới nhất, Facebook cho biết họ đã tìm thấy mối liên hệ giữa mạng lưới này với chiến dịch phán tán tin giả từ Fazze, một chi nhánh của công ty AdNow có trụ sở ở một quốc gia Đông Âu.
Tháng trước, BBC đăng bài điều tra nói về cách những người có ảnh hưởng trên mạng được Fazze trả tiền để phát tán thông tin giả về những rủi ro liên quan đến vắc-xin Pfizer. Cuộc điều tra của Facebook phát hiện từ tháng 11/2020, mạng lưới này đã cố khắc hoạ vắc-xin AstraZeneca là sản phẩm nguy hiểm vì sử dụng adenovirus lấy từ tinh tinh.
Những bài viết đăng trên mạng lưới tài khoản này lan truyền các meme (quan niệm, hành vi, hoặc phong cách lan truyền từ người này sang người khác) sử dụng hình ảnh từ phim Hành tinh khỉ để tạo ấn tượng rằng vắc-xin sẽ biến con người thành khỉ. Hình ảnh và bài viết này xuất hiện trên Facebook phiên bản tiếng Hindi cùng thời điểm chính phủ Ấn Độ đang thảo luận việc cấp phép khẩn cấp cho vắc-xin AstraZeneca. Chiến dịch phát tán này sử dụng các tài khoản giả. Facebook thông báo một số tài khoản trong đó có thể bắt nguồn từ Bangladesh và Pakistan.
Facebook loại 65 tài khoản Facebook và 243 tài khoản Instagram vì vi phạm chính sách về can thiệp từ bên ngoài. Ben Nimmo, trưởng nhóm của Facebook phụ trách điều tra các mối đe doạ, gọi đây là “tiệm rửa thông tin sai lệch”, hoạt động bằng cách đưa nội dung lên một số diễn đàn trực tuyến rồi khuếch đại những nội dung đó trên các diễn đàn khác. Những bài viết gây hiểu nhầm xuất hiện trên Reddit và Medium, và có cả những lá đơn thỉnh cầu được gửi đến trang change.org để bày tỏ lo ngại về tính an toàn của vắc-xin AstraZeneca. Theo báo cáo của Facebook, những mối liên hệ này sau đó được một số người có ảnh hưởng chia sẻ lên Instagram, sử dụng chung các hashtag.
“Ngoài tranh thủ những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, chiến dịch này có vẻ đã sử dụng nhiều chiến thuật để gieo rắc hiểu nhầm về các loại vắc-xin COVID-19”, Jack Stubbs, giám đốc phụ trách điều tra của hãng phân tích mạng xã hội Graphika, cho biết. Facebook phát hiện một số hành vi cẩu thả trong chiến dịch này, như pha trộn các ngôn ngữ khác nhau, đăng meme bằng tiếng Hindi nhưng kèm hashtag tiếng Bồ Đào Nha.
Trước cáo buộc của một chính trị gia Đức rằng việc bôi nhọ các vắc-xin của phương Tây “dường như có lợi cho Nga”, Đại sứ quán Nga tại Anh tuyên bố: “Chúng tôi coi COVID-19 là mối đe doạ toàn cầu, vì thế chúng tôi không hứng thú với việc làm suy yếu những nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến chống dịch bệnh, và tiêm phòng cho người dân bằng vắc-xin Pfizer là một cách để đối phó với virus”, theo BBC.