Theo tờ trình của Bộ Công Thương, việc triển khai Đề án chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) về Bộ Công Thương dưới hình thức Công ty TNHH Một thành viên sẽ làm thay đổi chức năng “chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia” của EVN, vốn được quy định tại Nghị định số 26/2018/NĐ-CP.
Khi tách A0 khỏi EVN, trở thành một doanh nghiệp độc lập thuộc sự quản lý của Bộ Công Thương, việc điều chỉnh chức năng của EVN là cần thiết. Theo cơ quan này, một số nội dung tại Nghị định số 96 cần sửa đổi, bổ sung để làm rõ hơn chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công Thương đối với hoạt động chỉ huy, điều hành hệ thống điện và thị trường điện.
Theo đó, dự thảo cũng quy định thêm chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công Thương liên quan đến nhiệm vụ điều độ vận hành hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện lực của A0 sau khi tách ra khỏi EVN và cập nhật theo quy định tại Luật Điện lực và Luật Giá 2023.
Theo dự thảo mới của Bộ Công Thương, EVN sẽ 'nhẹ gánh' rất nhiều khi không phải tổ chức thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh và an toàn hệ thống điện quốc gia như trước đây. |
Cụ thể, Bộ Công Thương có nhiệm vụ mới là xây dựng các quy định về vận hành hệ thống điện và thị trường điện lực cạnh tranh và chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Bộ cũng sẽ phải thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia, điều hành giao dịch thị trường điện.
Cùng với đó, chức năng nhiệm vụ của EVN tại Nghị định 26 cũng sẽ thay đổi đáng kể sau khi A0 tách khỏi tập đoàn này. EVN sẽ không còn chức năng chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia. Thay vào đó, EVN chỉ còn chức năng “sản xuất, truyền tải, phân phối, điều độ hệ thống phân phối điện và kinh doanh mua bán điện năng”.
Đặc biệt, EVN cũng không còn phải “gánh” nhiệm vụ tổ chức thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh và an toàn hệ thống điện quốc gia; quản lý hệ thống điện quốc gia, hệ thống thông tin nội bộ và hệ thống công nghệ thông tin phục vụ sản xuất, kinh doanh điện năng và thị trường điện.
Thay vào đó, EVN chỉ phải “tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý, vận hành hệ thống điện thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo an ninh và an toàn hệ thống điện quốc gia; quản lý hệ thống điện, hệ thống thông tin nội bộ và hệ thống công nghệ thông tin phục vụ sản xuất, kinh doanh điện năng và thị trường điện thuộc phạm vi quản lý”.
Tuy nhiên, theo dự thảo, EVN vẫn giữ một nhiệm vụ rất quan trọng là nghĩa vụ thanh toán tiền mua điện. Mặc dù tách A0 khỏi EVN, và Bộ Công Thương phải quản lý thị trường điện, nhưng dự thảo Nghị định vẫn bổ sung vào chức năng nhiệm vụ của EVN một điều khoản là EVN vẫn phải đứng ra “thực hiện thanh toán tiền điện và các nghĩa vụ khác theo quy định của Hợp đồng mua bán điện”. Việc EVN vẫn phải "gánh" chức năng này là vì vẫn là đơn vị duy nhất mua bán điện trên thị trường.
Dự thảo cũng bổ sung điều khoản chuyển tiếp đối với nội dung về giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện lực và việc đảm bảo chi phí hoạt động của A0 mới sau khi tách khỏi EVN trong giai đoạn chuyển tiếp.
Cuối tháng 8 vừa qua, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang liên quan đến việc chuyển Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) về Bộ Công Thương. Theo đó, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và EVN chịu trách nhiệm chính về hoàn thiện Đề án và phương án chuyển giao để trình Thủ tướng Chính phủ; chuẩn bị các nội dung cần thiết để thực hiện tách và chuyển giao A0 theo quy định.
Trước đó, trong báo cáo thẩm định Đề án tách A0 từ EVN để thành lập Công ty TNHH MTV (NSMO) trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn gửi lãnh đạo Chính phủ, Bộ KH&ĐT cho rằng, cần phải có cơ chế tài chính cho NSMO theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1: A0 từ khi tách khỏi EVN để thành lập NSMO đến hết năm 2023.
Giai đoạn 2: Từ 1/1/2024 đến khi Luật giá sửa đổi có hiệu lực.
Giai đoạn 3: Sau khi Luật giá sửa đổi có hiệu lực thi hành, đề nghị Bộ Công Thương xây dựng cơ chế tài chính để đảm bảo NSMO sẽ có cơ chế để hoạt động.