Euro sau đó tiếp tục trượt giá khi ông Renzi tuyên bố ý định từ chức. Có lúc, đồng tiền này chạm mức thấp nhất từ tháng 3/2015, với 1,0507 USD một euro. Đồng tiền chung châu Âu sau đó phục hồi phần nào, lên 1,0563 USD, dù vẫn thấp hơn giá cuối tuần trước 1%.
Hôm qua, 59,5% người Italy đi bỏ phiếu đã chọn "Không" với những đề xuất của ông Renzi về cải cách hiến pháp. Ông Renzi trước đó cũng tuyên bố sẽ từ chức nếu kết quả không như ý.
Các nhà phân tích cho biết nhà đầu tư đang thận trọng, nhưng không hoảng loạn. "Dù thị trường có thể lo lắng khi bắt đầu tuần mới, đà lao dốc đến giờ vẫn chưa xảy ra. Một là các thị trường đã miễn nhiễm với rủi ro chính trị, hai là họ cho rằng vấn đề này không quá gấp gáp", Kathleen Brooks - giám đốc nghiên cứu tại City Index Direct nhận định.
Tuy nhiên, kinh tế Italy đang trong trạng thái dễ tổn thương, và bất ổn chính trị có thể khiến việc này trầm trọng thêm. Các nhà phân tích đặc biệt lo ngại về ngành ngân hàng của Italy - vốn đang chịu ảnh hưởng tiêu cực vì người dân mất niềm tin.
Rất nhiều ngân hàng đang vật lộn với nợ xấu và cần tái cấp vốn. Quá trình này sẽ trở nên khó khăn hơn nếu khủng hoảng chính trị xảy ra.
"Các nhà băng Italy không có nhiều thời gian để lãng phí. Nếu người dân chọn 'Có', nhà đầu tư có thể sẽ giúp các ngân hàng tái cấp vốn. Nhưng giờ, việc này lại trở nên không chắc chắn. Thiếu tiếng nói từ phía Chính phủ, liệu ngành ngân hàng Italy có nhận được sự trợ giúp chính thức nào hay không?", Brooks cho biết.
Nợ công của Italy cũng là vấn đề đáng lo ngại. Đây là một trong những quốc gia có nợ công cao nhất khu vực eurozone.