Eo biển Hormuz: ‘Át chủ bài’ của Iran để đối phó với Mỹ

Eo biển Hormuz: ‘Át chủ bài’ của Iran để đối phó với Mỹ
TPO - Eo biển Hormuz, một lần nữa trở thành con Át chủ bài của Iran trong việc chống lại các mối đe dọa từ Mỹ.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố bắt đầu từ ngày 1/5, Mỹ sẽ bỏ miễn trừ trừng phạt đối với các quốc gia nhập khẩu dầu của Iran, ngay lập tức chính quyền Tehran đáp trả bằng cách đe dọa sẽ phong tỏa Eo biển Hormuz.

Ngày 28/4, Tổng Tham mưu trưởng các Lực lượng Vũ trang Iran, tướng Mohammad Bagheri cảnh báo Tehran có thể đóng cửa Eo biển Hormuz, nếu xét thấy có các hoạt động thù địch gia tăng đối với nước này. 

Phát biểu với hãng thông tấn bán chính thức (ISNA), tướng Bagheri nói: “Chúng tôi không có ý định đóng cửa Eo biển Hormuz, nhưng nếu hoạt động thù địch của kẻ thù gia tăng, chúng tôi sẽ có thể làm như vậy”.

“Nếu dầu của chúng tôi không được vận chuyển thông qua Eo biển Hormuz, thì khi đó dầu của các nước khác cũng sẽ không được đi qua eo biển này”, tướng Bagheri nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 24/4, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ra tuyên bố nhấn mạnh, chính quyền Tehran sẽ tiếp tục tìm kiếm đối tác mua dầu của nước này và sử dụng Eo biển Hormuz để vận chuyển, đồng thời cảnh báo Mỹ chuẩn bị lãnh hậu quả nếu cố tình ngăn cản.

Eo biển Hormuz là tuyến đường biển chiến lược và quan trọng, nằm trên vùng biển phía bắc là Iran và phía nam là Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất và Musandam, một phần đất tách ra của Oman.

Sở dĩ Hormuz được mệnh danh là Eo biển quan trọng bậc nhất tại vịnh Ba Tư là bởi vì, ngay từ thời Trung Cổ,Hormuz đã là trung tâm thương mại quan trọng nhất của vịnh Ba Tư.

Trong khi đó, vịnh Ba Tư là khu vực có trữ lượng dầu khí lớn nhất toàn cầu, thậm chí còn được mệnh danh và vùng biển giàu có bậc nhất thế giới. Eo biển Hormuz chính là yết hầu của vịnh Ba Tư. Tuyệt đại đa số dầu khí được sản xuất từ các quốc gia nằm duyên hải Vùng Vịnh khi chuyên chở sang tây Âu, Úc, Nhật Bản và Mỹ đều phải đi qua Eo biển Hormuz.

Theo nhận định của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (USEIA), có đến 40% lượng dầu mỏ của thế giới được chuyên chở qua eo biển này. Bình quân cứ 5 phút lại có 1 chiếc tàu chở dầu đi vào Eo biển Hormuz. Lượng dầu thô được chuyên chở qua Eo biển này mỗi ngày lên tới 13,4 triệu thùng/ngày.

Do nằm ở vị trí địa lý đặc biệt quan trọng như vậy, Eo biển Hormuz đã trở thành đối tượng cạnh tranh, tìm kiếm sự kiểm soát của các nước lớn cho dù là trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai.

Trong khi đó, Eo biển Hormuz trên thực tế nằm dưới sự kiểm soát của Iran. Mặc dù, Oman nằm ở phía đối diện, tuy nhiên, các hòn đảo trong khu vực Eo biển Hormuz về cơ bản đều thuộc quyền kiểm soát của Iran.

Giới phân tích đánh giá, do nắm quyền kiểm soát gần tư toàn bộ Eo biển Hormuz, vì vậy, eo biển này một lần nữa trở thành con Át chủ bài của Iran trong việc chống lại các mối đe dọa từ Mỹ.

Eo biển Hormuz bị khóa lại sẽ khiến giá dầu còn đắt hơn vàng và đó sẽ là một thảm họa đối với nền kinh tế toàn cầu.

Đây là không phải lần đầu tiên, Iran đưa ra cảnh báo về việc đóng cửa Eo biển có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng này.

Trước đó, sau nhiều lần Mỹ và đồng minh phương Tây đẩy mạnh các hoạt động diễn tập quân sự tại khu vực áp sát Eo biển Hormuz và áp đặt các biện pháp từng phạt ngành dầu mỏ Iran, các nhà lãnh đạo Iran tuyên bố sẽ phong tỏa hoạt động vận chuyển dầu mỏ qua Em biển Hormuz.

Đồng thời, nhấn mạnh sẽ không có một giọt dầu nào được vận chuyển qua nơi đây nếu các nước phương Tây đứng đầu là Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt ngành dầu mỏ nước này.

MỚI - NÓNG