Những 'quả bom' chính trị thế giới năm mới 2019

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị G20 ở Argentina. ảnh: Getty Images
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị G20 ở Argentina. ảnh: Getty Images
TP - Thế giới đang thay đổi rất nhanh và 2019 có vẻ sẽ là một năm hỗn loạn và hoang mang nữa, với sự trỗi dậy của Trung Quốc ở phương Đông, phong trào dân túy ở phương Tây và những biến động liên tục trong chính phủ Mỹ. 

Dù nguyên nhân gây ra những đảo lộn đó là do cách mạng công nghệ, bất bình đẳng thu nhập, xung đột giữa các nền văn minh hay sự kiêu ngạo của phương Tây, xu hướng đó vẫn sẽ tiếp diễn. Để điều hướng, các chuyên gia quốc tế xác định một số điểm nóng nhất cần quan tâm nhiều trong năm mới 2019

Cuộc chạy đua vũ trang mới

 Ngày 4/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra hạn 60 ngày để Nga tuân thủ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), nếu không Washington sẽ kích hoạt giai đoạn thông báo 6 tháng trước khi Mỹ chấm dứt tuân thủ nghĩa vụ không sản xuất tên lửa mặt đất và bệ phóng có tầm xa 500 - 5.500km. Đồng hồ sẽ điểm vào cuối tháng 2. 

Hiệp ước năm 1987 được ký giữa Mỹ và Liên Xô nhằm dỡ bỏ hàng ngàn tên lửa hạt nhân tầm trung ở châu Âu. Nhưng Trung Quốc không phải một bên ký kết hiệp ước và giờ nước này đang có kho vũ khí rất lớn. Còn Nga khẳng định họ không vi phạm các điều khoản của hiệp ước. 
Trường hợp tồi tệ nhất sẽ là việc Mỹ rút khỏi INF và Nga chĩa các tên lửa bị cấm trước đây sang các nước láng giềng phương Tây, dẫn đến một cuộc chạy đua phát triển vũ khí công nghệ cao, ném một quả lựu đạn chính trị vào Nato, trong khi Mỹ và các thành viên Đông và Tây Âu chia rẽ về cách đối phó. 

đối đầu Nga - mỹ và phương tây

 Một cuộc khảo sát do hãng tư vấn bảo hiểm toàn cầu Willis Towers Watson thực hiện cho thấy rất nhiều khách hàng của họ làm ăn thua lỗ ở Nga vì tác động của các biện pháp cấm vận kinh tế. Kremlin có thể đã từ bỏ hy vọng vào Trump sau khi Tổng thống Mỹ hủy hai cuộc gặp dự kiến với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cáo buộc của phương Tây về việc Nga nhúng tay vào bầu cử của nước khác và mở rộng ảnh hưởng ở vùng Bankan và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ có vẻ còn tiếp diễn, và Mỹ sẽ tiếp tục các biện pháp trừng phạt. Lời đồn về một cuộc gặp thượng đỉnh ở Washington vào năm 2019 có vẻ khó thành hiện thực. Tình huống tồi tệ nhất sẽ là Nga và Mỹ công khai thù địch hơn, tác động đến nguy cơ chạy đua vũ trang và những lĩnh vực hai bên vẫn hợp tác cho đến nay. 

Chiến tranh thương mại
Giai đoạn đình chiến 90 ngày mà ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thống nhất với nhau sẽ kết thúc vào tháng 2. Nếu đàm phán thất bại, Mỹ sẽ tăng thuế lên lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập từ Trung Quốc, khiến thị trường chứng khoán khắp thế giới sẽ lãnh đủ. Tình huống tồi tệ nhất là nổ ra một chiến tranh thương mại toàn diện, mở rộng thành cuộc cạnh tranh chiến lược công khai, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng và an ninh toàn cầu. 

Cũng đến tháng 2 tới, Bộ Thương mại Mỹ sẽ đưa ra kết luận rằng liệu những ô tô nhập khẩu có phải mối đe dọa với an ninh quốc gia hay không, một sự dọn đường để Mỹ tăng thuế lên ô tô nhập khẩu mà về kỹ thuật không vi phạm quy định của WTO. Các nhà sản xuất ô tô châu Âu, đặc biệt là Đức, sẽ bị thiệt hại nhiều nhất. Viễn cảnh tồi tệ nhất là Mỹ tăng thuế lên ô tô nhập khẩu, châm ngòi chiến tranh thương mại với châu Âu. Hậu quả là, G20 trở nên bất lực vì chủ nghĩa dân tộc gia tăng. 

Xung đột khắp thế giới 

 Sau khi ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, áp dụng lại các biện pháp cấm vận thứ cấp lên các công ty vi phạm trừng phạt của Mỹ, áp lực lên Iran càng gia tăng. Chiến lược của Mỹ với sự ủng hộ của Israel, Ả-rập Xê-út và UAE nhằm bóp nghẹt Iran để đẩy nước này ra khỏi Yemen, Syria, Li-băng và Iraq, rồi trở lại bàn đàm phán hạt nhân. Cho đến nay, nỗ lực của Mỹ không tốn nhiều chi phí nhưng cũng ít thành công. Nhưng nếu các biện pháp cấm vận được triển khai đầy đủ, 2019 sẽ là một năm nhiều sự kiện. Với quá nhiều điểm nóng, nguy cơ leo thang là rõ ràng. Trường hợp xấu nhất sẽ là Iran tái khởi động sản xuất nhiên liệu hạt nhân, dẫn đến leo thang nhanh chóng. Khị bị ép, Iran có thể chặn eo biển Hormuz, nơi 30% lượng dầu thô của thế giới đi qua mỗi ngày. 

Triều Tiên đứng đầu danh sách rủi ro chiến tranh vào đầu năm 2018, nhưng cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 6 của ông Trump và ông Kim Jong-un đã làm dịu tình hình. Mọi thứ có vẻ đang lắng xuống, nhưng ông Kim chưa thể hiện dấu hiệu gì sẽ thực sự từ bỏ chương trình tên lửa hạt nhân của mình, và phương Tây nghi ngờ khả năng Triều Tiên sẽ tranh thủ thời gian giảm căng thẳng để cải tiến hệ thống vũ khí của mình. Lãnh đạo Triều Tiên nói rằng sự kiêu ngạo trong đòi hỏi của Mỹ khiến hai bên không có tiến triển. Ông Trump muốn một cuộc gặp thượng đỉnh nữa vào tháng 1 hoặc 2 tới. Các đợt tập trận thường niên Mỹ - Hàn thường diễn ra vào tháng 3 và 4. 
Trường hợp tồi tệ nhất sẽ là cuộc gặp thượng đỉnh không thể diễn ra, dẫn tới chu kỳ leo thang căng thẳng mới. 

Những 'quả bom' chính trị thế giới năm mới 2019 ảnh 1 Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. ảnh: Getty Images

Cuộc chiến ở Syria có vẻ tiếp diễn trong năm 2019. Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước dọa sắp mở chiến dịch tấn công nhằm vào lực lượng người Kurd đang kiểm soát vùng lãnh thổ giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi Mỹ rút quân, để lại Iran, Israel, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc chiến kéo dài suốt 7 năm qua ở Syria vẫn có thể leo thang thành xung đột lớn hơn giữa các cường quốc khu vực, đẩy thêm nhiều người dân vào cảnh phải đi tị nạn ở các nước xung quanh như Jordan, Li-băng cũng như Thổ Nhĩ Kỳ. 

EU rối loạn 

 Năm 2019 có nguy cơ trở thành năm kinh hoàng cho Liên minh châu Âu (EU). Italia đã tránh được việc bị EU phạt vì thâm hụt ngân sách quá mức, nhưng liên minh mong manh giữa hai đảng dân túy với tư tưởng hoài nghi châu Âu ở Rome khó có khả năng tồn tại lâu. Tan rã và bầu cử sớm là điều dễ xảy ra, giống như tình hình ở Tây Ban Nha. Tháng 12 này, đảng cựu hữu Vox lọt vào nghị viện Tây Ban Nha lần đầu tiên. EU đang đứng trước rủi ro lớn. Các ngân hàng Pháp và Đức giữ hơn 400 tỷ USD tiền Italia nợ năm 2018, cao hơn nhiều khoản nợ 115 tỷ USD mà Hy Lạp mất khả năng thanh toán trước khi rơi vào khủng hoảng năm 2010. Trường hợp tồi tệ nhất là một cuộc khủng hoảng mới sẽ xảy ra trong khu vực đồng tiền chung châu Âu. 

Tiếp theo là Brexit. Ngày 29/3 là hạn chót để Anh rời khỏi EU, nhưng hai bên vẫn còn nhùng nhằng chưa thống nhất được và nghị viện Anh vẫn chia rẽ đến mức khó đoán điều gì sẽ xảy ra. Brexit là sự kiện lớn. London là trung tâm tài chính của châu Âu, có nền kinh tế và quân đội thuộc hàng mạnh nhất EU. Ngân hàng trung ương Anh dự đoán Brexit sẽ làm mất 1,5-10,5% GDP của nước này trong 5 năm, tùy thuộc vào cách ra Anh ra đi. 

Trường hợp tồi tệ nhất là một Brexit rối loạn, không có thỏa thuận, gây tổn thất kinh tế nặng nề cho cả hai bên và làm tổn hại hợp tác an ninh trước những mối đe dọa chung. 

Thách thức thứ ba với EU là đợt bầu cử nghị viện EU từ ngày 23-26/5. Sự kiện này được coi là bài thử quan trọng đối với sự ủng hộ của người dân dành cho EU và là sức kháng cự của tổ chức này trước làn sóng dân túy và chủ nghĩa dân tộc ngày càng mạnh. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang mất uy tín và Thủ tướng Đức Angela Merkel giờ không khác “vịt què”.

Những yếu tố đó sẽ phủ bóng lên cuộc bầu cử năm 2019 để chọn chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu, Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu. Viễn cảnh tồi tệ nhất là phe dân túy chiến thắng lớn, giành đủ ghế ở nghị viện để đẩy lùi tiến trình lập pháp của EU và gia tăng triển vọng chiến thắng của chủ nghĩa dân tộc. 

Ông Trump

 Hai năm cầm quyền của ông Trump đầy ắp biến động, và năm 2019 chắc chắn còn nhiều biến động nữa. Cuộc điều tra đặc biệt nhằm vào cáo buộc ông thông đồng với Nga trong thời gian tranh cử năm 2016 có thể sẽ có kết quả trong nửa đầu năm 2019. Kết quả đó không nhất thiết sẽ được thông báo rộng rãi hay dẫn đến bản án nào, nhưng chắc chắn sẽ càng làm xáo trộn Nhà Trắng sau hàng loạt biến động. Ngoài ra, sau khi phe Cộng hòa để mất Hạ viện vào tay phe Dân chủ, Tổng thống Trump sẽ đối mặt với một cuộc điều tra mới của Quốc hội nhằm vào vấn đề tài chính của ông.

Không khí trong chính trường Mỹ sẽ tiếp tục tăng nhiệt trong năm nay, khi cả ông Trump và các đối thủ đều đang chạy đua trước thềm cuộc bầu cử tiếp theo vào năm 2020. Khả năng tồi tệ nhất là bế tắc chính trị ở Washington và thêm nhiều quả bom trên Twitter về các vấn đề đối ngoại nhạy cảm nhằm làm phân tán chú ý khỏi các cuộc điều tra. 

MỚI - NÓNG
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.